THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 09:47

Công bố kết quả điều tra các mục tiêu phát triển trẻ em và phụ nữ

08/12/2021 | 21:12
Ngày 8/12, Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố Kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc điều tra hộ gia đình trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của 14.000 hộ gia đình, trên 700 địa bàn thuộc tất cả 63 tỉnh thành của cả nước. Mẫu điều tra đại diện cho 6 vùng kinh tế và 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cũng như các nhóm dân tộc thiểu số chính.
Các đại biểu dự Hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNICEF. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên hai mô-đun về sức khỏe sinh sản của Điều tra Nhân khẩu học và Sức khỏe đã được lồng ghép, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).

Cuộc điều tra đã được thiết kế đặc biệt để đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững về trẻ em và phụ nữ, với tổng số 169 chỉ tiêu, trong đó có 35 chỉ tiêu thuộc khung Mục tiêu Phát triển Bền vững (PTBV) quốc gia. Là nguồn số liệu duy nhất và đầu tiên cho một số chỉ tiêu PTBV, cuộc điều tra đóng vai trò then chốt trong việc theo dõi tiến trình thực hiện các Mục tiêu PTBV và các mục tiêu quốc gia của Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Kết quả cuộc điều tra phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Các số liệu của cuộc điều tra đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế. Đồng thời, cuộc điều tra cung cấp thông tin làm bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng các chính sách và chương trình, phục vụ đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em và phụ nữ”

Điều tra các mục tiêu PTBV về trẻ em và phụ nữ Việt Nam (SDGCW Việt Nam) đã thể hiện được bức tranh toàn cảnh về mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em và phụ nữ, bao gồm sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dinh dưỡng, giáo dục, bạo lực đối với trẻ em, nước sạch và vệ sinh, các vấn đề về bình đẳng, việc tiếp cận internet và thiết bị thông tin truyền thông tại nhà, cũng như kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông. Có một số lĩnh vực lần đầu được thống kê tại Việt Nam, bao gồm phát triển trẻ thơ toàn diện ở trẻ từ 2 đến dưới 5 tuổi, chất lượng nước uống trong các hộ gia đình thông qua xét nghiệm E.coli và nồng độ asen, phòng ngừa ung thư cổ tử cung và một phiếu hỏi riêng dành cho nam giới.

Điều tra cung cấp nguồn dữ liệu lớn về tình hình trẻ em và phụ nữ. Số liệu điều tra được phân tách theo các đặc trưng về địa lý, xã hội và nhân khẩu học như giới, nhóm tuổi, dân tộc, tình trạng khuyết tật, tình trạng di cư và mức sống. Đồng thời, mẫu của cuộc điều tra cũng được thiết kết để đại diện cho một số nhóm dân tộc chính và hai thành phố lớn nhằm phản ánh các thành tựu phát triển của Việt Nam cũng như sự khác biệt giữa các nhóm dân cư, những mục tiêu chưa hoàn thành và những lĩnh vực cần phải tiếp tục nỗ lực liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em. Kết quả điều tra cho thấy Việt Nam đã có thành tựu về phát triển và phúc lợi của trẻ em và phụ nữ trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, một số chính sách vẫn cần được điều chỉnh, cũng như cần tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực xã hội để giải quyết những vấn đề mà cuộc điều tra đã cung cấp bằng chứng.

Những kết quả chính của Điều tra quốc gia.

Những kết quả chính của Điều tra quốc gia.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Dữ liệu phân tổ vô cùng phong phú và cực kỳ hữu ích, giúp chúng ta hiểu được đâu là các lĩnh vực đang đạt được những tiến bộ cũng như lĩnh vực nào đang tồn tại và thách thức để đạt được cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau. Giá trị của báo cáo này nằm ở cách mà chúng ta sẽ sử dụng những số liệu của báo cáo và điều chỉnh các chính sách và phương pháp tiếp cận để có thể đến được với những trẻ em và phụ nữ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Kết quả điều tra còn cung cấp cho chúng ta thông tin được cập nhật về những khó khăn ban đầu do Covid-19 mà các gia đình phải trải qua, những gánh nặng của phụ nữ và những rủi ro đối với sự phát triển của trẻ em, đặc biệt của những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số như dân tộc Mông hoặc Khmer, những người sống ở vùng sâu vùng xa và những người khuyết tật”.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam đã chỉ ra 5 điểm nổi bật của kết quả điều tra. Một là: phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông, người Khmer là nhóm đối tượng yếu thế hơn cả, xét về các chỉ tiêu PTBV của Liên hợp quốc.

Mặc dù, thời gian qua, Việt Nam đã có sự phát triển nói chung ở nhóm phụ nữ và trẻ em, nhưng với những nhóm đối tượng dân tộc thiểu số này vẫn còn có một khoảng cách so với cả các nhóm đối tượng khác trong xã hội, đặc biệt xét về tiếp cận với cơ hội được tiêm chủng, điều kiện vệ sinh, nước sạch.

Theo bà Rana Flowers, trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải rất nhiều rủi ro, như là tảo hôn, khó khăn trong cơ hội được đến trường. Điều đó khiến cho các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thấy rằng cần tập trung nhiều hơn nữa nỗ lực của mình vào lĩnh vực này.

Hai là, điều tra đã chứng minh việc thiếu tiếp cận với Internet và đặc biệt là thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin của trẻ em trai, trẻ em gái, nam giới và phụ nữ trên khắp Việt Nam.

Ba là, ở nhiều khu vực, tình trạng bất bình đẳng giới mặc dù không rõ ràng nhưng kết quả điều tra cho thấy nguy cơ trẻ em không đi học tăng dần theo cấp học và đội tuổi.

Bậc tiểu học (cấp 1) có 98,2% trẻ em đi học đúng tuổi và chỉ có 1,2% trẻ em không đi học, nhưng đến cấp trung học phổ thông (cấp 3), tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ còn 78,1% và tỷ lệ học sinh không đi học ở cấp học này là 21,6%.

Tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng có xu hướng giảm, với tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 98,3% giảm xuống còn 86,8% ở cấp trung học cơ sở và chỉ còn 58,1% ở cấp trung học phổ thông. Từ những con số này, có thể thấy trong bối cảnh khó khăn kinh tế, nhiều trẻ em phải bỏ học, đi làm từ rất sớm, khi điều kiện tài chính của bố mẹ không đảm bảo.

Bốn là, tình trạng kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong hộ gia đình vẫn là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam.

Năm là, Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng về nước sạch. Kết quả cuộc điều tra đã phát hiện ra rằng trên khắp Việt Nam bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, có tới 50% người dân đang sử dụng và uống nước không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng nước.

Kết quả của Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 giúp Việt Nam theo dõi, báo cáo và củng cố tốt hơn việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng để thực hiện cam kết của mình về các Mục tiêu PTBV. Do vậy, đây là nguồn thông tin quý giá cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực trong nỗ lực hướng tới đẩy mạnh tiến bộ về quyền và phúc lợi của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam.

Thảo Vân
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

2 năm trước

Nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng an toàn giao thông cho các em học sinh, góp phần xây dựng một xã hội giao thông an toàn và văn minh, Chương trình giáo dục “An toàn giao thông cho nụ cười ngày...
5 “đừng” để không rơi vào tranh luận với trẻ

5 “đừng” để không rơi vào tranh luận với trẻ

2 năm trước

Đối với nhiều phụ huynh, mọi cuộc trò chuyện với trẻ đều có khả năng trở thành một cuộc tranh cãi.
Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở Đồng tháp cao nhất từ trước đến nay

Tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 ở Đồng tháp cao nhất từ trước đến nay

2 năm trước

Trẻ em ở Đồng Tháp nhiễm Covid-19 chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Tỉnh đang tính cực chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền thông điệp 5K, đẩy nhanh tiêm vaccine...