THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 09:01

Công lý cho trẻ em khuyết tật

06/03/2020 | 15:12

Quyền được tiếp cận cộng đồng
 
Trẻ em khuyết tật phải đối diện với rất nhiều khó khăn, ngay từ những bước đầu tiên của cuộc đời là đăng ký khai sinh. Trẻ khuyết tật thường bị giấu hoặc bị bỏ rơi, vì thế có xu hướng chiếm tỷ lệ cao trong số những trẻ không được khai sinh khi sinh ra. Việc thiếu giấy khai sinh nói riêng và thiếu các giấy tờ khác như: thẻ BHYT, giấy xác nhận khuyết tật, sổ hộ nghèo, chứng minh thư… nói chung dẫn đến việc các em không được hưởng bảo trợ xã hội. 
 
Một khó khăn nữa là trẻ em khuyết tật bị bạo lực, xâm hại và bỏ mặc ngay từ chính gia đình của mình. Khoa học đã chứng minh vấn đề quá tải sẽ làm tăng đáng kể khả năng bạo lực, xâm hại và bỏ mặc. Các bậc cha mẹ nếu không được hỗ trợ đầy đủ sẽ dễ bị quá tải, vì nhu cầu phải liên tục chăm sóc trẻ khuyết tật về mặt tình cảm, xã hội, tài chính. Các chuyên gia hỗ trợ trẻ dễ bị quá tải khi họ không được hỗ trợ đủ để cân bằng giữa yêu cầu công việc và nguồn lực phù hợp: tập huấn nâng cao, hỗ trợ tâm lý, thời gian nghỉ ngơi. 
 
 
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng về cơ bản quyền của trẻ khuyết tật, song hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế vì chính sách của chúng ta thiên về bảo trợ và giáo dục hòa nhập mà chưa quan tâm đến nhu cầu, quyền tiếp cận cộng đồng của các em. Công tác quản lý đối tượng để nắm bắt số lượng, nhu cầu của trẻ em khuyết tật hạn chế, mới chỉ giới hạn trẻ em khuyết tật nặng hoặc nhóm trẻ em khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó, các dịch vụ xã hội mới đáp ứng nhu cầu cơ bản là sống còn, tồn tại mà chưa thật sự quan tâm nhu cầu phát triển của trẻ, nhất là tại các gia đình nghèo, ở những vùng sâu, vùng xa, vấn đề này còn bất cập hơn nhiều, công tác quản lý, phối hợp giữa các lĩnh vực chưa chặt chẽ, hài hòa...
 
Các dịch vụ trợ giúp trẻ khuyết tật tại Việt Nam còn rải rác, do các kênh ngành dọc điều phối, thiếu sự kết nối, thiếu hệ thống chính sách sức khỏe, giáo dục toàn diện cho trẻ em khuyết tật. 
 
CLB “Công lý vì trẻ em”
 
Với những suy nghĩ và trăn trở đó, các sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã kiến nghị nhà trường cho phép thành lập CLB Công lý vì trẻ em. BGH Đại học Luật Hà Nội, đặc biệt Tiến sĩ Đào Lệ Thu - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh Luật công (Viện Luật so sánh - Trường Đại học Luật Hà Nội) người đã tham gia rất nhiều các dự án về trẻ em như “Tư pháp đối với người chưa thành niên – Chuẩn mực pháp lý quốc tế, kinh nghiệm của nước ngoài và những đề xuất đối với hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam” (Dự án do UNICEF phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam) đã rất ủng hộ và CLB Công lý vì trẻ em đã ra đời tháng 6/2019, hoạt động hoàn toàn tự nguyện và phi lợi nhuận vì sự tiến bộ chung của xã hội. CLB tập hợp các thành viên ưu tú nhất trong các khóa sinh viên hệ chính quy đang học tập tại Nhà trường, nhằm duy trì, phát triển các các hoạt động về nhân quyền, bảo vệ trẻ em. CLB Công lý vì trẻ em mong muốn sẽ góp phần phát huy vai trò của cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ trong việc bảo vệ trẻ em; thôi thúc tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề xã hội về trẻ em của sinh viên. Với sự hoạt động rất tích cực của CLB, đến nay CLB “Công lý vì trẻ em” đã có 90 thành viên không chỉ là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội mà cả các anh chị sinh viên đã tốt nghiệp và các chuyên gia về từng lĩnh vực quyền của người khuyết tật, để mở rộng các hoạt động một cách cụ thể.
 
Việc thực thi công lý cho trẻ em khuyết tật là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nhận thức và chung tay của toàn cộng đồng xã hội. Hiện nay, các vấn đề về nhân quyền cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật chưa được quan tâm một cách đúng mức. Khi có sự vi phạm, những em nhỏ và người thân trong gia đình thường lựa chọn giải pháp "im lặng", không đủ dũng cảm để đứng lên đòi lại quyền lợi cho mình, cho con em mình. 
 
 
Trẻ em khuyết tật là một đối tượng yếu thế, cho nên đối tượng này luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ đó còn hết sức hạn chế. Theo Tiến sĩ Đào Lệ Thu: “Người khuyết tật là người phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Trẻ em khuyết tật có lẽ còn phải chịu nhiều khó khăn hơn cả khi sinh ra đã không có đủ điều kiện để được sống, học tập như người không có khuyết tật. Vì thế , các em rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là về mặt tinh thần”.
 
Bạn Nguyễn Thế Nghiệp - Chủ nhiệm CLB cho rằng: “Thái độ của cộng đồng và xã hội về trẻ em khuyết tật còn sai lệch, kì thị, khiến trẻ em không được sống trong môi trường có sự kết nối và hỗ trợ về mặt cảm xúc. Các thành viên trong CLB chúng em hy vọng rằng, Nhà nước sẽ có thêm nhiều chính sách phúc lợi xã hội để đảm bảo các nhu cầu sông hằng ngày của các em. Bên cạnh đó, pháp luật đặt ra chế tài xử lí nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại quyền của  người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.
 
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng về cơ bản quyền của trẻ khuyết tật, song hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế vì chính sách của chúng ta thiên về bảo trợ và giáo dục hòa nhập mà chưa quan tâm nhu cầu, quyền tiếp cận cộng đồng của các em.

 

Đông A/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...