THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 03:44

Công tác xã hội - nghề của sự dấn thân, của lòng nhân ái

07/10/2020 | 09:47
Bác sĩ xã hội
 
Công tác xã hội (CTXH) với những chức năng cơ bản là: Phòng ngừa, Chữa trị, Phục hồi và Phát triển, trong đó chức năng phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa cũng chỉ có tác động giảm bớt sự rủi ro, tuyệt nhiên không làm mất đi sự rủi ro. Do đó, nhân viên CTXH được ví như là Bác sĩ xã hội. Nhân viên CTXH đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng, người dân từ nâng cao năng lực ứng phó đến hỗ trợ…
 
Để CTXH trở thành cầu nối đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, thời gian qua, hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm CTXH trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, trợ giúp người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế; giảm nghèo, bảo trợ xã hội… Thực hiện nhiệm vụ, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, chỉ cần nhận được thông tin phản ánh có người cần giúp đỡ là hầu hết các nhân viên, cộng tác viên CTXH cơ sở lập tức lên đường, đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh của đối tượng cần trợ giúp.


Nhân viên CTXH hướng dẫn tận tình cho người dân gặp khó khăn trong bệnh viện. Ảnh KT
 
Chị Lê Thị Thúy Loan, nhân viên CTXH (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã gắn bó với nghề này mấy năm. Chị đang chăm lo, trực tiếp hướng dẫn các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn xã. Chị Loan chia sẻ: “Tôi đến với công việc này là vì tình thương với những người có hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết họ là người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa có cuộc sống rất khó khăn. Hàng ngày, tôi chạy xe máy đến nhà người này, nhà người khác để nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe... Nếu có gì bất thường, khó khăn, tôi báo cáo lên xã, huyện để có hướng hỗ trợ kịp thời”.
 
Ông Dương Quang Ty, xã Hòa An (huyện Phú Hòa, Phú Yên) liệt toàn thân do bị tai nạn lao động vào năm 2012. Dù đã chữa trị nhưng ông Ty vẫn chưa thể đi lại được. Từ khi tham gia vào chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và được nhân viên CTXH Lê Thị Dung Thoa hướng dẫn phục hồi, vận động tại nhà, đến nay ông đã nói được. Ông Ty chia sẻ: “Từ ngày có nhân viên CTXH đến nhà hướng dẫn tập luyện, tôi thấy sức khỏe tốt hơn, ăn và ngủ được. Tôi đang tập dần những động tác tay, chân, hy vọng trong thời gian tới tôi có thể đi lại được”.

Mở rộng đội ngũ cộng tác viên CTXH
 
Những đối tượng yếu thế trong xã hội như: nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, người lang thang xin ăn, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa… đều là đối tượng cần được trợ giúp khẩn cấp của xã hội. Bản chất của nghề CTXH là cung cấp dịch vụ cho người dân; nhân viên CTXH là người phục vụ chứ không phải là người chủ. Đối tượng được chăm sóc, phục vụ đều là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, cần được bảo vệ, che chở… Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm. 
 
Thực tế cho thấy, địa phương nào cung cấp dịch vụ CTXH đến cơ sở thì người dân nơi đó được quan tâm, chăm sóc toàn diện hơn. Vì vậy, phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Và để hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề CTXH thì việc phát huy năng lực, chuẩn hóa kiến thức đội ngũ cộng tác viên là yêu cầu bức thiết.


Cộng tác viên CTXH tham gia cuộc thi Nghề CTXH tỉnh Phú Yên. Ảnh Kim Chi. 
 
Ví dụ, trong lĩnh vực trợ giúp sức khỏe người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, việc phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên CTXH cũng là giải pháp cần thiết và hữu hiệu. Theo bác sĩ chuyên khoa II Mai Văn Thu (Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh), các hoạt động của CTXH đối với người bị bệnh tâm thần rất đa dạng và phong phú, đi từ các hoạt động mang tính phòng ngừa như giáo dục cộng đồng về bệnh tâm thần, cách hỗ trợ và tránh kỳ thị, phân biệt đối xử, đến các hoạt động hỗ trợ trực tiếp người bệnh như: chăm sóc hỗ trợ về mặt tinh thần, xã hội, kết nối các nguồn lực trợ giúp và hỗ trợ, huấn luyện cho người nhà bệnh tâm thần biết cách chăm sóc và hỗ trợ người bệnh tâm thần và gia đình họ.
 
Anh La Tiến Xuân, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) làm cộng tác viên CTXH 4 năm nay nên rất hiểu hoàn cảnh của các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Lúc đầu, tôi giải thích các chủ trương, chính sách về bảo trợ xã hội cho bà con, họ không hiểu, đặc biệt là đối với người cao tuổi nên họ hay tới gặp, than vãn. Lúc đó, mình phải kiên trì, nhẫn nại tư vấn cặn kẽ các chế độ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng, lâu dần bà con cũng đồng tình”, anh Xuân chia sẻ.
 
Như vậy, để thực hiện tốt việc chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội thì một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển nghề CTXH một cách chuyên nghiệp và tăng cường mở rộng mạng lưới các cơ sở CTXH. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, trợ giúp; các cơ sở chăm sóc chuyên biệt người cao tuổi, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn thiếu ở các địa phương. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở còn có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay. 
 
Điều đó đòi hỏi cần nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH; Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân. Các địa phương bố trí sắp xếp và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho đội ngũ cộng tác viên CTXH ở xã, phường; đảm bảo đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của nhân viên CTXH; tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Để các đối tượng được trợ giúp tốt và hiểu đúng về nghề CTXH, cần thường xuyên hỗ trợ các kỹ năng cho CTV đạt hiệu quả công việc. Duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh...
 

Đông Viên/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.