THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 08:55

Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ em gái như thế nào?

17/03/2021 | 05:50

Sự kiện là cơ hội để trẻ em gái được lắng nghe và chia sẻ về những thách thức ảnh hưởng đến việc học tập trong giai đoạn đại dịch Covid-19


Tại sự kiện, em Yến Nhi, 19 tuổi, đại diện cho nhóm thanh thiếu niên hoạt động cùng Plan International trực tiếp tham gia vào nghiên cứu đã chia sẻ báo cáo của tổ chức với chủ đề “Đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái trong giai đoạn ứng phó và phục hồi sau Covid-19”. Báo cáo đề cập đến tác động của đại dịch đối với trẻ em gái khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, cùng những trải nghiệm cá nhân của các em trong việc tiếp cận giáo dục trung học cơ sở trong 12 tháng vừa qua. “Mọi người vẫn nghĩ rằng bọn em ở trên thành phố thì việc học trực tuyến không gặp khó khăn gì, vì chúng em đã quen với các thiết bị công nghệ điện tử. Tuy nhiên khi học trực tuyến, học sinh chúng em dễ bị xao nhãng, thiếu động lực học tập, chương trình học cũng khó tiếp thu hơn vì nhiều bài giảng chưa được thiết kế phù hợp để dạy trực tuyến”, Nhi chia sẻ. Khó khăn trong việc học từ xa chỉ là một trong những rào cản đối với việc học tập của trẻ em gái. Báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn Covid-19, trẻ em gặp nhiều áp lực từ chính môi trường gia đình, sức khỏe tinh thần không được đảm bảo, nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới gia tăng.

“Tổ chức Plan International, phối hợp cùng các đối tác và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều dự án nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục, đặc biệt khi đại dịch khiến cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Văn phòng Plan International tại Indonesia, Úc và Việt Nam đã hợp tác để cùng xây dựng báo cáo này, với hy vọng những đề xuất từ nghiên cứu có thể được áp dụng, từ đó hỗ trợ các tổ chức thiết kế những chương trình hiệu quả, đảm bảo trẻ em gái trong khu vực có thể hưởng lợi từ giáo dục’’, bà Sharon Kane, giám đốc Quốc gia thuộc tổ chức Plan International chia sẻ.

Điểm nhấn của sự kiện là tọa đàm giữa các khách mời đến từ bộ Giáo dục, Liên hiệp hội Phụ nữ Việt Nam, đại diện tổ chức Plan International và các bạn thanh thiếu niên tham gia cùng tổ chức. Tại buổi nói chuyện, các khách mời cùng lắng nghe câu chuyện của giáo viên và học sinh, qua đó đưa ra những đề xuất nhằm hỗ trợ việc học tập cho các em một cách hiệu quả. Với mục tiêu xây dựng môi trường học tập bình đẳng hơn, những giải pháp được các khách mời đề cập tới bao gồm tập trung nâng cao nhận thức cho trẻ em gái, gia đình các em và cộng đồng về quyền được hoàn thành 12 năm học; loại bỏ các rào cản tài chính đối với việc tiếp cận, hoàn thành chương trình học; quan tâm hơn việc giáo dục cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật. Ngoài ra, các khách mời đều đồng ý việc chấm dứt tình trạng kết hôn sớm, cũng như việc giảng dạy giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa cần được quan tâm đẩy mạnh.

Ngân hàng Thế giới ước tính, việc trẻ em gái hoàn thành chương trình học 12 năm sẽ đóng góp cho các quốc gia từ 15 đến 30 nghìn tỷ USD do thu nhập và hiệu suất lao động được cải thiện. Đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái luôn cần được ưu tiên, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến nỗ lực của toàn thế giới trong việc thúc đẩy giáo dục bình đẳng.
 

Hơn 1,2 triệu trẻ em gái tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có nguy cơ phải bỏ học do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; 15 triệu trẻ em gái chưa được tiếp cận cơ hội học tập trước khi đại dịch xảy ra, theo báo cáo của UNICEF (tháng 10, 2020).

P. V/ GĐTE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...