THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:33

COVID-19 làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới

28/09/2020 | 15:13


 
Phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19. Ảnh Trương Việt Hùng/UNICEF Việt Nam.

Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương nhất

Khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến con người, cộng đồng và nền kinh tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không đồng đều giữa các nhóm dân số, trong đó phụ nữ và trẻ em gái thường là đối tượng chịu tác động lớn nhất.

Trong bối cảnh các quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa và căng thẳng gia đình gia tăng thì bạo lực trên cơ sở giới cũng trở nên phổ biến hơn. Theo bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, bằng chứng cho thấy bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng trong các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên tai.

Trong đại dịch Covid-19, vấn đề mất việc làm và cách ly tại nhà đã khiến tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình được trình báo ở một đồn cảnh sát tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc tăng gấp 3 lần vào tháng 2/2020 so cùng kỳ năm trước. Ở Sydney, số vụ bạo lực tăng hơn 30% trong những tháng vừa qua so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu tại các nước châu Âu bị ảnh hưởng do đại dịch cũng tương tự như vậy. Bạo lực gia đình cũng gia tăng ở Singapore trong thời gian giãn cách xã hội.

Tại Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng (1900969680) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tăng 50%. Số cuộc gọi đến Đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) đã nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng qua so với cùng kỳ những năm trước đó. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên - nơi tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình và bị mua bán trở về, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng 80% so cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo, những nguy cơ về xâm hại thể chất, tình dục và xâm hại tình dục trẻ em đã gia tăng đáng kể. Các trường học đóng cửa và các biện pháp cách ly xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro, đe dọa sự an toàn của trẻ em, cũng như quyền được phát triển và học tập trong một môi trường an toàn và được bảo vệ không bị nguy hiểm. Trong hầu hết các trường hợp, thủ phạm gây bạo lực và những kẻ lạm dụng đều là người thân quen với trẻ em.

Khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến trẻ em của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam cũng cho thấy, 48% trẻ tham gia khảo sát gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian này.

Nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhấn mạnh rằng, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn, 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình UNFPA tại các quốc gia có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp cắt bỏ bộ phân sinh dục nữ và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020 – 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được.

Không chỉ vậy, tỷ lệ nữ giới phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn và phải chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nề hơn từ đại dịch COVID-19. Gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói cao hơn. Lệnh đóng cửa trường học cùng với nhu cầu gia tăng của người cao tuổi đã khiến cho khối lượng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ cũng tăng theo. Đặc biệt, đại dịch tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng chịu thiệt thòi, làm trầm trọng thêm trình trạng bất bình đẳng và cản trở những nỗ lực nhằm giúp không ai bị bỏ lại phía sau.
 

Tham vấn cho phụ nữ bị bạo lực tại Ngôi nhà Bình yên. Ảnh Ngôi nhà bình yên cung cấp.


Làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Theo Nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy: phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/tình dục có nguy cơ về sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ đã từng bị chồng bạo lực. Bạo lực làm tổn hại về thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội của nạn nhân, không chỉ tức thời mà rất lâu dài. Trẻ em bị bạo lực từ bé sẽ bị ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và trí tuệ, kém tự tin, giao tiếp xã hội kém hơn, và ít thành công trong cuộc sống sau này so với những người cùng trang lứa. Trẻ em chứng kiến hành vi bạo lực trong gia đình có nguy cơ gặp ác mộng, tè dầm, lặng lẽ/thu mình, hung hăng

Hậu quả của bạo lực không chỉ ảnh hưởng tới trẻ em và gia đình mà còn tác động tiêu cực lên toàn xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ làm thiệt hại 1.8% GDP Việt Nam năm 2018 (Nghiên cứu bạo lực đối với phụ nữ 2019).

Do đó, để phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân những thông điệp tích cực về bình đẳng giới, thách thức những định kiến giới và chuẩn mực xã hội có hại. Đồng thời, phải đảm bảo sự sẵn có của các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực. Những nỗ lực này có thể góp phần giảm thiểu nguy cơ bạo lực. Trong đó, nam giới và trẻ em trai có thể và cần được huy động trong vai trò đồng minh chủ chốt.

Theo bà Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA, nhằm hạn chế các vụ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, các cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em, các tổ chức xã hội cần có những nội dung hướng dẫn phụ nữ, trẻ em có những biện pháp lên tiếng, kêu gọi sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng, mỗi thành viên trong gia đình cần tự điều chỉnh tâm lý, giảm tránh căng thẳng không cần thiết, hạn chế xung đột dẫn đến bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình, các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, các trung tâm hỗ trợ cũng nên triển khai hình thức hỗ trợ online để các nạn nhân có thể nhanh chóng tìm kiếm được sự giúp đỡ và đảm bảo an toàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế những vụ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, mỗi cá nhân cũng cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết để khôn khéo thoát ra khỏi những trường hợp bị bạo lực. Nên lưu giữ các số điện thoại, những thông tin chỉ dẫn và có những phương án đối phó, hoặc kêu gọi sự giúp đỡ của gia đình, người thân và công an, chính quyền địa phương khi cần thiết như: Tổng đài quốc gia 111; Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh, hotline 18001769; Tổng đài Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng 0236.2214668; Tổng đài Ngôi nhà Bình yên 1900969680/ 0946833380.

Vân Nhi/ GĐTE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.