THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 01:32

Cúm A/H1N1 - Cách nhận biết và phòng tránh

30/06/2018 | 15:04

 Cần theo dõi sức khỏe của bản thân, chú ý đặc biệt tới những biểu hiện cúm và thực hiện khám kịp thời. Ảnh minh họa (Internet)
 
Virus cúm A/H1N1 lây lan như thế nào?
 
Virus cúm A/H1N1 có thể lây lan từ người sang người. Sự lan truyền của virus cúm A/H1N1 gần giống như sự lây lan của cúm mùa. Cúm A/H1N1 là bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Virus lan truyền từ người này sang người khác do ho hay hắt hơi. Đôi khi, người mắc bệnh do tay dính chất dịch tiết có virus, sau đó đưa tay lên miệng, mũi. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A/H1N1. Khi một người bị nhiễm virus cúm thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm bệnh đã phát tán virus ra xung quanh cho đến 7 ngày sau đó. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thời gian phát tán virus lâu hơn. Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại từ 2-8 giờ sau khi bám vào các bề mặt. Trong điều kiện bình thường, virus gây bệnh có thể tồn tại từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt đồ dùng như: tay vịn cầu thang, bàn, ghế… và từ 8 - 12 giờ trên quần áo, 5 phút trên lòng bàn tay. Trong môi trường nước, virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại lên đến 4 ngày ở nhiệt độ phòng và 30 ngày ở 0 độ C. Virus cúm A/H1N1 bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70 độ C.
 
Triệu chứng của bệnh 
 
Triệu chứng bệnh cúm A/H1N1 giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Giống như cúm mùa, cúm A/H1N1 cũng gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp cấp, phù phổi và tử vong. 
 
Một số người có nguy cơ cao bị biến chứng nặng do cúm A/H1N1 bao gồm: Phụ nữ mang thai; Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; Những người mắc một số bệnh mãn tính nào đó (bao gồm cả bệnh hen suyễn hoặc bệnh phổi, bệnh tim, tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan nặng hoặc một số bệnh thần kinh); Những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, bao gồm nhiễm HIV. Những người từ 65 tuổi trở lên hiếm khi bị nhiễm cúm, nhưng nếu mắc bệnh, họ sẽ có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nghiêm trọng.
 

Cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng cúm A/H1N1.
Ảnh minh họa (Internet)
 
Nghi ngờ bị mắc cúm A/H1N1 phải làm gì?
 
Những người sống trong vùng có dịch hay có đến vùng có dịch cúm A/H1N1 đang lưu hành trong vòng 7 ngày trước khi xuất hiện sốt hay có triệu chứng đau nhức cơ thể, sổ mũi... cần phải được xét nghiệm xem có nhiễm virus cúm A/H1N1 hay không. Lưu ý là thời gian rời từ vùng có dịch chỉ trong 7 ngày và cần đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
 
Khi nghi ngờ bị cúm nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác, ngoại trừ đi khám bệnh. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm phát hiện cúm A/H1N1. Hiện nay, để xét nghiệm, bệnh nhân sẽ được làm phết mũi họng, các bệnh phẩm lấy được sẽ chuyển đến các phòng xét nghiệm của các bệnh viện. Các bệnh viện sẽ thực hiện kỹ thuật PCR tìm ra virus cúm A/H1N1.
 

 Cuối tháng 5 vừa qua, TP.HCM ghi nhận 1 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Đó là một phụ nữ 26 tuổi, ở quận Thủ Đức, làm nghề nội trợ, thể trạng béo phì, tử vong ngày 30/5 sau 5 ngày điều trị tại nhà. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1.
 
Phòng bệnh cúm A/H1N1
 
Virus cúm có thể tồn tại lâu trong môi trường, do đó, người dân cần chủ động thực hiện những điều sau để phòng tránh bệnh:
 
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với các bề mặt có thể chứa virus.
 
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.
 
- Giữ nhà ở, nơi làm việc sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau chùi, sử dụng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
 
- Ăn uống đủ chất, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin nhằm giảm nguy cơ nhiễm virus.
 
- Theo dõi sức khỏe của bản thân, chú ý đặc biệt tới những biểu hiện cúm và đi khám kịp thời.
 
- Khi ho cần lấy tay che miệng bằng khăn giấy... sau đó bỏ vào sọt rác và rửa tay bằng xà phòng.
 
- Không đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng vì virus cúm A/H1N1 lan truyền theo đường này.
 
- Tránh không nên tiếp xúc với người bệnh.
 
- Khi bị sốt, nên tránh tiếp xúc với mọi người càng nhiều càng tốt.
 
- Khi xác định đã nhiễm cúm, nên cách ly và báo cho cơ quan làm việc, học tập và các cơ sở y tế địa phương.
 
Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vaccine để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

 Ngày 1/6, Bệnh viện Từ Dũ thông báo về 23 trường hợp có triệu chứng nhiễm siêu vi hô hấp tại tầng 5 - khoa Nội soi. Ca bệnh đầu tiên khởi phát ngày 30/5, các ca còn lại khởi phát vào hôm sau. Người mắc gồm cả bệnh nhân và nhân viên y tế, đều có triệu chứng nhẹ như: sốt, ho, nhức mỏi. Qua các xét nghiệm, xác định đây là chùm ca bệnh cúm A/H1N1, người bị bệnh được điều trị Tamiflu.
 
 

Hương Giang (t/h)/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.