THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 09:27

Cùng con đối diện với tẩy chay trong lớp học

17/03/2022 | 10:06
Tình trạng trẻ bị bắt nạt, tẩy chay, cô lập ở trường chưa bao giờ thực sự kết thúc và hậu quả là nạn nhân phải chịu sang chấn, tổn thương tâm lý nặng nề. Nhưng nhiều cha mẹ không hay biết chuyện này cho đến khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hay thậm chí để lại hậu quả đau lòng. Nên làm gì khi con mình bị bắt nạt luôn là một câu hỏi nhức nhối mà nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa tìm được đáp án. Phóng viên Vì trẻ em có dịp trò chuyện cùng TS. Vũ Thu Hương về cách phụ huynh cùng con đối diện với vấn nạn tẩy chay trong lớp học.
Một tiết dạy học sinh kỹ năng sống của TS. Vũ Thu Hương.

Một tiết dạy học sinh kỹ năng sống của TS. Vũ Thu Hương.

Không thể coi việc con xích mích với bạn là chuyện nhỏ

Không ít trẻ em hiền lành, nhút nhát, hay bị bắt nạt, tẩy chay nhưng chỉ âm thầm chịu đựng, thu mình, không dám chơi cùng ai. Theo TS. Vũ Thu Hương, cha mẹ nên khuyên bảo con thế nào để trẻ vui vẻ đến lớp?

TS. Vũ Thu Hương: Với các em nhút nhát, việc giao lưu với mọi người là một khó khăn. Nếu ép các em giao lưu, các em sẽ thêm sợ hãi. Vì thế, cha mẹ chỉ cần khuyên con hãy chấp nhận thử thách và cố gắng vượt qua khó khăn. Cha mẹ sẽ trợ giúp con tối đa để con vượt qua những khó khăn này.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý, việc con bị cô lập hoàn toàn có thể do con đã có những cách hành xử không phù hợp. Với các bé hay làm phiền người khác bằng sự giận dỗi, ăn vạ, thường bạn bè sẽ cảm thấy chán ghét. Hoặc con hay phá đồ của bạn bè, đánh bạn hay tự ý động vào sách vở của bạn… cũng sẽ không được lòng bạn bè. Cha mẹ phát hiện sớm các vấn đề của con và xử lý sớm sẽ giúp con nhanh chóng hòa nhập.

TS. nhận định thế nào về hậu quả của tình trạng bắt nạt, tẩy chay?

TS. Vũ Thu Hương: Trẻ bị bắt nạt thường có xu hướng nhát càng thêm nhát. Nhiều trường hợp, sự bắt nạt, tẩy chay kéo dài khiến cho con bị khủng hoảng tinh thần, sợ đến lớp, sợ bạn bè. Có trẻ lại cho rằng mình vô cùng tồi tệ nên nghĩ đến cái chết. Cách đây khoảng 7 năm, đã có trường hợp bé gái tự tử vì bị bạn bè cắt ghép ảnh với hình ảnh nóng và phát tán trên mạng. Sự việc xót xa này chỉ bị phát hiện khi bé gái đã mất. Rõ ràng không thể coi các vụ việc trẻ xích mích với bạn bè là chuyện nhỏ.

Đối diện và vượt qua khó khăn sẽ khiến trẻ tự tin, trưởng thành hơn

Ðáng buồn là có nhiều cha mẹ không hề biết con bị tẩy chay. Theo chị, cha mẹ làm cách nào để con nói ra vấn đề của mình và cùng con kịp thời xử lý?

TS. Vũ Thu Hương: Làm bạn cùng con không dễ, vì cha mẹ vẫn phải đóng vai trò giáo dục, điều chỉnh hành vi của con trẻ. Vì thế, cha mẹ cần xây dựng ranh giới, có các quy định rõ ràng và thực hiện nghiêm túc việc thưởng - phạt từ lúc các con còn rất nhỏ. Ngoài thời gian đó, chúng ta cần gần gũi, trao đổi, chia sẻ mọi việc với các con một cách công bằng và tôn trọng. Khi trao đổi, hãy coi trẻ như người lớn ngang hàng để cha mẹ hiểu rõ con hơn. Tuyệt đối tránh tình trạng áp đặt và phê phán khiến con ngại, không dám chia sẻ với cha mẹ.

Trên thực tế, có không ít phụ huynh khi biết trẻ bị tẩy chay đã báo cô giáo chủ nhiệm và tìm thêm bạn mạnh hơn để con có “đồng minh”, đồng thời dạy con phải mạnh mẽ, dũng cảm đáp trả, nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Thậm chí có phụ huynh đã phải chọn giải pháp chuyển trường cho con. Theo chị, đây liệu có phải là cách phù hợp và nguy cơ bị bắt nạt có tái diễn?

TS. Vũ Thu Hương: Đối diện và vượt qua khó khăn không chỉ khiến con tự tin hơn mà còn giúp con trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Gia đình cần lựa chọn các phương pháp trợ giúp con vượt qua những khoảng thời gian khó khăn hơn là trốn chạy. Ngoài ra, việc can thiệp của các giáo viên, người lớn sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn nhiều.

Tìm hiểu các vấn đề của chính con sẽ giúp con giải quyết được 50% tình trạng bị bắt nạt, cô lập. Ngoài ra, cha mẹ rất cần tạo cơ hội cho con kết bạn. Chẳng hạn như vài gói kẹo để con đến trường chia cho bạn, vài cuốn sách hay các món quà nhỏ con có thể tặng bạn… sẽ khiến con có sức hút với bạn bè khác trong lớp.

Ngay khi con có cơ hội thu hút bạn bè, cha mẹ cần yêu cầu con tìm hiểu về những người bạn đó bằng các câu hỏi: Bạn con tên gì, có mấy anh chị em trong nhà, nhà có nuôi chó mèo hay chim cảnh hay không? Để có các thông tin trên về cung cấp với bố mẹ, bắt buộc con sẽ phải giao lưu trao đổi với bạn bè. Bằng cách này, con và bạn bè có cơ hội khám phá nhau nhiều hơn. Khi đó, con sẽ có thêm rất nhiều bạn bè.

Những kẻ bắt nạt thường chỉ dám lựa chọn nạn nhân yếu đuối và cô độc. Khi nạn nhân đã bớt cô độc, những kẻ chuyên đi bắt nạt sẽ lập tức chùn lại và không dám thực hiện những hành vi xấu với bạn bè. Như vậy, thay vì chống lại kẻ bắt nạt, con cần thay đổi để kết bạn nhiều hơn. Càng đông bạn bè yêu quý con, con càng mạnh mẽ.

Với quá trình giảng dạy lâu năm, chắc hẳn chị đã gặp nhiều tình huống học sinh bị tẩy chay. Chị đã phối hợp cùng phụ huynh ra sao để trợ giúp hiệu quả cho học sinh trong vấn nạn bắt nạt học đường?

TS. Vũ Thu Hương: Trong suốt hơn 20 năm làm giáo dục và tư vấn giáo dục, tôi đã nhiều lần tư vấn như trên và các em thực hiện rất tốt. Có lần, phụ huynh chia sẻ, sau sự trợ giúp của gia đình (với các gói kẹo và các câu hỏi nhỏ) con đã thay đổi hoàn toàn, từ một người bị bắt nạt, không một ai trong lớp chơi cùng thành người có nhiều bạn thân nhất trong lớp, chơi cùng cả lớp. Như vậy, điều quan trọng là cha mẹ trợ giúp để con tự thực hiện thì sẽ giải quyết vấn đề triệt để. Tuyệt đối không can thiệp thô bạo vào mối quan hệ của trẻ.

Xin trân trọng cảm ơn TS. Vũ Thu Hương.

“Làm bạn cùng con không dễ vì cha mẹ vẫn phải đóng vai trò giáo dục, điều chỉnh hành vi của con trẻ. Vì thế, cha mẹ cần xây dựng ranh giới, có các quy định rõ ràng và thực hiện nghiêm túc việc thưởng - phạt từ lúc các con còn rất nhỏ.”

Minh Nhật
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Sai lầm khi điều trị Covid-19 cho trẻ có thể làm hỏng hệ tiêu hóa

Sai lầm khi điều trị Covid-19 cho trẻ có thể làm hỏng hệ tiêu hóa

2 năm trước

Cha mẹ tự ý dùng corticoid cho con có thể mang đến nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng hệ tiêu hóa, nội tiết và sự phát triển của bé.
TP.HCM dự kiến tuyển sinh lớp 10 vào cuối tháng 6

TP.HCM dự kiến tuyển sinh lớp 10 vào cuối tháng 6

2 năm trước

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tổ chức tuyển sinh lớp 10 vào cuối tháng 6/2022, số môn thi cơ bản vẫn giữ nguyên như mọi năm.
Tăng cường dự báo nhu cầu đào tạo và định hướng nghề nghiệp

Tăng cường dự báo nhu cầu đào tạo và định hướng nghề nghiệp

2 năm trước

Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT (MOET-TSC) cùng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (VNIES) vừa ký kết hợp tác thúc đẩy nâng cao chất lượng các báo cáo thường niên...