THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 06:54

Cuộc thi tìm kiếm tài năng thanh nhạc trẻ

19/11/2018 | 10:44

 
Các thí sinh chụp hình lưu niệm với NSƯT Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Trưởng BTC cuộc thi.
 
Những ngày này, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), các hoạt động chuẩn bị cho đêm chung kết Việt Nam (10/11 tại Hà Nội) và chung kết quốc tế “Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung 2018” (28/11 tại Quảng Tây, Trung Quốc) đang diễn ra gấp rút. Hiện 18 thí sinh và 3 nhóm nhạc đang gấp rút tập luyện cho những tiết mục công phu, chất lượng của đêm chung kết Việt Nam. Trong đó, các ca khúc hướng đến nội dung ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị, đề cao tình yêu quê hương, đất nước. Cuộc thi do Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Đài Phát thanh Nhân dân Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức. Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên và luân phiên, nhằm phát hiện tài năng nghệ thuật ca hát của ca sĩ trẻ hai nước. Cuộc thi ngày càng nhận được nhiều tình cảm của công chúng bởi chất lượng chuyên môn cao và sự tham gia đông của các thí sinh trên cả nước.
 
Thành phần Ban Giám khảo là những nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Thái Bảo, NSƯT Tạ Minh Tâm, nhạc sĩ An Hiếu… Theo tiêu chí lựa chọn của ban tổ chức (BTC), ngoài giọng hát hay, bài hát hay, thí sinh phải biết cách xử lý tác phẩm tốt, gây cảm tình cho khán giả.
 
 
Các thí sinh biểu diễn trong cuộc thi.
 
NSƯT Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Trưởng BTC cuộc thi cho biết, BTC đã tiến hành vòng sơ khảo ở 3 khu vực miền Bắc (tại Hà Nội), miền Trung (tại Đà Nẵng), miền Nam (tại TP. Hồ Chí Minh) với hơn 100 thí sinh thi tài. 
 
Còn theo NSƯT Nguyễn Anh Tuấn (Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam), Giám đốc Nghệ thuật cuộc thi), trước đây “chủ lực” cuộc thi thường nằm ở các trường đào tạo  văn hóa nghệ thuật khu vực phía Bắc như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, nhưng đến nay, “đường biên” cuộc thi đã ngày càng rộng mở. Đảm trách vai trò Giám đốc Nghệ thuật trong 5 năm qua, NSƯT Anh Tuấn nhận định, càng ngày, ý thức của các thí sinh về nâng cao chất lượng nghệ thuật càng rõ rệt. 5 năm trước, các thí sinh chọn ca khúc thường gần giống nhau. Thế nhưng, càng ngày, các ca khúc được chọn dự thi càng phong phú hơn, mở ra nhiều dòng nhạc đa dạng, cuốn hút như: thính phòng, nhạc nhẹ, dân gian, nhạc trẻ...
 
Qua vòng sơ khảo, BTC đã chọn ra được 21 tiết mục tham gia đêm chung kết tại Việt Nam. NSƯT Nguyễn Anh Tuấn cũng chia sẻ, trong số các giọng ca lọt vào vòng chung kết, có một thí sinh dân tộc Mông, đến từ tỉnh Lai Châu, với giọng ca mang đậm bản sắc dân tộc, đi vào lòng người.
 
 
Pha Lê - một trong những nhóm nhạc lọt vào đêm Chung kết tại Việt Nam.
 
Mong muốn có thêm sắc màu âm nhạc thị trường
 
BTC cuộc thi cũng không giấu mong mỏi “Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung” sẽ bắc cầu đến với đông đảo công chúng với những gam màu thị trường nhiều hơn. “Bên cạnh yếu tố ngoại giao, thúc đẩy giao lưu văn hóa và tình hữu nghị, chúng tôi cũng mong muốn những giọng ca trẻ với các chất giọng mang màu đương đại sẽ đưa hơi thở, nhịp điệu của cuộc sống vào cuộc thi qua những ca khúc mới mẻ, trẻ trung. Đây cũng là yếu tố để cuộc thi trở nên gần gũi và được khán giả, đặc biệt là giới trẻ thêm yêu mến”, nghệ sĩ Anh Tuấn nói.
 
Ca sĩ trẻ Hoàng Yến (Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật  Quân đội) hào hứng kể: “Cuộc thi là một sân chơi nghệ thuật thú vị, mang đến cơ hội cho các thí sinh để tìm hiểu, trau dồi và chuẩn bị hành trang cho con đường nghề nghiệp sau này. Sân chơi càng có ý nghĩa hơn khi các giọng ca sẽ được cất lên trong một không gian nghệ thuật rộng mở, với những ca khúc về tình hữu nghị”. Với những giọng hát trẻ như Yến, bước vào một cuộc thi mang tính giao lưu như vậy không hẳn dễ dàng. Bên cạnh sự cạnh tranh khá quyết liệt còn là thử thách của phần hát tiếng Trung. Yến tâm sự: “Với những người chưa từng hát tiếng Trung thì khởi đầu này quả rất khó khăn. Tự mày mò học, vỡ âm rồi thuộc lời và giai điệu, mỗi ngày nghe các ca sĩ đi trước hát và hát theo không biết bao nhiêu lần. Dẫu vậy, cuộc thi vẫn luôn là một điều hứng khởi và nhiều bất ngờ dành cho những nghệ sĩ trẻ. Em mong muốn sẽ cất lên những giai điệu trẻ trung, gần gũi của các sản phẩm âm nhạc đương đại, vừa mới mẻ mà vẫn phô diễn được kỹ thuật và giọng hát...”.
 
Khuyến khích sự tham gia của các ban, nhóm nhạc đang phát triển đa dạng tại các thị trường sôi động như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng là định hướng của cuộc thi trong những năm tới.

Việt Cường/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...