THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:49

Cuộc xâm lăng của robot và trí tuệ nhân tạo

27/10/2017 | 15:13


Robot bán hàng. Ảnh: KT
 
Xu hướng sử dụng robot thay thế con người
 
Hiện nay, hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon có 30.000 robot đang làm việc tại các nhà kho trên khắp thế giới. Trong tương lai gần, hãng này dự định thay thế tất cả nhân viên thực hiện các công việc lặp lại bằng robot. 
 
Cuối năm 2016, Best Buy cũng đã thử nghiệm robot nhặt hàng tên Chloe tại cửa hàng ở Chelsea, Manhattan. Sau khi khách hàng đặt hàng qua màn hình cảm ứng, Chloe có thể nhặt các món đồ nhỏ như CD, tai nghe chỉ trong vài giây.
 
Chuyển phát nhanh quốc tế DHL cũng đã bắt đầu sử dụng robot trong quá trình hoạt động. “Gã vận tải khổng lồ” này đang thử nghiệm 2 robot Rethink Robotics có tên Baxter và Sawyer tại các nhà kho ở Mỹ. Loại robot thông minh này được thiết kế để làm việc cùng con người. 
 
Còn siêu thị Walmart thì đang thử nghiệm máy bay không người lái tại các trung tâm điều phối hàng của mình. Những chiếc máy bay này có thể kiểm tra tình trạng hàng hóa trong kho chỉ trong một ngày, công việc mà các nhân viên phải mất tới một tháng để hoàn thành. 
 
Nestle đang sử dụng robot Pepper của SoftBank để bán cafe Dolce Gusto và trả lời các thắc mắc của khách hàng. Chỉ trong một thời gian ngắn, robot này đã có mặt tại hơn 1.000 cửa hàng của Nestle khắp Nhật Bản. 
 
Và chẳng đâu xa xôi, ngay tại nước láng giềng Trung Quốc bên cạnh, công ty cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc - Cambridge Industries Group (CIG) đang thực hiện kế hoạch thay thế 2/3 nhân viên (khoảng 3.000 người) bằng robot, tạo ra các nhà máy “đen”, nơi robot làm việc ngày đêm trong bóng tối, giúp tiết kiệm năng lượng. 
 
Đó chỉ là một số công ty điển hình đang dần dần sử dụng robot thay thế con người trong sản xuất và kinh doanh.
 
Không chỉ chính xác, năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, sạch sẽ, ít đòi hỏi, không buôn chuyện, không ốm đau và không bao giờ nghỉ phép…, robot đang dần dần thay thế một phần lực lượng lao động. Các nhà khoa học Mỹ đưa ra lời cảnh báo, trong 30 năm tới, robot có thể làm được hầu hết các công việc hiện tại của con người.
 


Nhiều loại máy móc được dùng thay thế con người trong sản xuất. Ảnh: KT
 
Trí tuệ nhân tạo khiến con người phải dè chừng
 
Năm 1988, hãng Kodak có tới 170.000 nhân viên và 85% lượng phim dùng để chụp ảnh bán ra toàn thế giới là do Kodak cung cấp. Thế nhưng, chỉ trong vài năm khi máy ảnh kỹ thuật số xuất hiện, smartphone ra đời, Twiter và Facebook, Instagram bùng nổ, Kodak đã không còn được ai nhắc đến, hãng đã phải đệ đơn xin phá sản vào năm 2011. Máy ảnh phim giờ đã trở thành đồ cổ và là kỷ niệm. 
 
Uber chỉ là một ứng dụng trên mobile, họ không sở hữu bất kỳ chiếc xe nào, và giờ đây họ là công ty taxi lớn nhất trên thế giới. Các hãng taxi truyền thống ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới bị cạnh tranh khốc liệt, nhiều công ty phá sản, các lái xe chuyển sang làm việc cho Uber hoặc Grab.
 
Con người tạo ra trí tuệ nhân tạo nhưng đôi khi họ không thể thông minh bằng trí tuệ nhân tạo khi đấu trí trực tiếp. Năm 2016, một máy tính đã đánh bại kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới.
 
Tại Mỹ, nhiều luật sư trẻ tuổi bỗng dưng thất nghiệp, bởi IBM Watson - một siêu máy tính đã đạt tới trình độ mà khi bạn cần tư vấn pháp lý, chỉ trong vài giây bạn đã nhận được thông tin mình cần với độ chính xác tới 90% (so với 70% khi thực hiện bởi con người). Trong tương lai, số luật sư có thể giảm tới 90%.
 
Watson không chỉ giỏi tư vấn pháp lý, nó còn có thể giúp các y tá chẩn đoán ung thư chính xác hơn gấp 4 lần so với việc các y tá tự thực hiện. Người ta dự đoán, đến năm 2030, máy tính sẽ trở nên thông minh hơn con người.
 


Chiếc tai nghe có thể phiên dịch được 40 thứ tiếng của Google. Ảnh: KT
 
Ở một lĩnh vực khác, ngày 4/10 mới đây, Google vừa cho ra mắt tai nghe không dây có thể dịch khoảng 40 loại ngôn ngữ khác nhau trong tức thì giúp những người không biết ngoại ngữ có thể dễ dàng giao tiếp với người nước ngoài. 
 
Cụ thể, khi được kết nối với chiếc điện thoại thông minh Google Pixel 2, tai nghe Google Pixel Buds có thể truy cập vào Google Assistant - ứng dụng trí tuệ nhân tạo kích hoạt bằng giọng nói. Google Translate là “phiên dịch viên” ảo cho người nghe. Vậy thì nghề phiên dịch có còn cần tới trong tương lai?
 
Có thể nói, ngày nay, cách mạng 4.0 đã có mặt trong hầu hết mọi lĩnh vực từ khai thác tới sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ, giải trí và ăn uống. Công nghệ robot và trí thông minh nhân tạo đã đủ khả năng “xóa sổ” không ít ngành nghề và trở thành mối lo ngại, sự thách thức con người.
 


Robot bán café. Ảnh: KT

Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới định nghĩa Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Thanh Huyền/GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...