THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 12:17

Cứu sống bé sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp

18/01/2022 | 07:25
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) vừa cứu sống bé sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp.

Bất thường tim mạch của bé được phát hiện từ khi là thai nhi hơn 20 tuần tuổi và được chẩn đoán bị chuyển vị đại động mạch. Đây là dị tật tim nguy hiểm cho trẻ sơ sinh vì ảnh hưởng trực tiếp đến tuần hoàn máu nuôi não và các cơ quan. Ngoài ra, bé còn bị nhiễm trùng sơ sinh nặng. Nhờ vào việc điều trị kịp thời và phối hợp chặt chẽ của đội ngũ liên chuyên khoa các bác sĩ BV ĐHYD TPHCM, bé sơ sinh đã được cứu sống và đến nay đã hồi phục chức năng tim như bình thường.

Phát hiện bất thường sớm ở thai nhi nhờ siêu âm tim thai sàng lọc

Trước đây, đa số bệnh chuyển vị đại động mạch được phát hiện muộn hơn, sau khi bé đã sinh ra đời. Hiện nay, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán trước sinh và sàng lọc bệnh lý nặng trước sinh, các bác sĩ tại BV ĐHYD TP.HCM có thể chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý phức tạp từ sớm, như trường hợp của em bé này, được phát hiện mắc bệnh tim, chuyển vị đại động mạch trong thời điểm thai mới khoảng 20 – 22 tuần tuổi.

Hình ảnh phẫu thuật tim cho bé 2

Sản phụ 36 tuổi là mẹ của bệnh nhi sơ sinh này đã cập nhật thông tin, biết cách tầm soát trong giai đoạn thai kì. Sau khi siêu âm tim thai cho bé trong thời điểm khoảng 20 tuần tuổi theo khuyến cáo khám sàng lọc tim thai, các bác sĩ phát hiện và chẩn đoán chính xác và tư vấn đầy đủ cho gia đình.

Cụ thể, bé được phát hiện bị chuyển vị đại động mạch, đây là một bệnh lý tim bẩm sinh nặng. Ở bệnh lý này, hai động mạch quan trọng có chức năng vận chuyển máu từ tim đến phổi và đến các cơ quan trong cơ thể không được kết nối như bình thường, chúng bị đảo vị trí nên gọi là chuyển vị.

Tức là khi mắc bệnh này động mạch chủ của bé nối với tâm thất phải, trong khi bình thường nó phải nối với tâm thất trái. Điều nguy hiểm ở đây chính là hai động mạch dẫn hai nguồn máu khác nhau để đi nuôi cơ thể. Máu nghèo Oxy (màu xanh) được cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể thay vì đến phổi. Máu giàu Oxy (màu đỏ) trở lại phổi thay vì cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể.

Trong thai kì chủ yếu trẻ sơ sinh được hỗ trợ tuần hoàn từ tim của mẹ, nên thai trong bụng mẹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi mắc bệnh này. Nhưng khi em bé chào đời, khiếm khuyết này làm thay đổi tuần hoàn máu của cơ thể, nguy hiểm là nếu không được can thiệp sớm chắc chắn bé sẽ tử vong.

Vì vậy ngay sau khi phát hiện bé có vấn đề bất thường về tim, các bác sĩ sản khoa tư vấn cho sản phụ và gia đình đến gặp bác sĩ tim mạch nhi để được đánh giá và có kế hoạch điều trị cho bé ngay sau khi chào đời.

Phối hợp liên chuyên khoa và khó khăn trong tình hình dịch bệnh

Được biết khi tiếp nhận ca bệnh này, các bác sĩ BV ĐHYD TP.HCM đã rất áp lực vì thời điểm cần tập trung điều trị cho bé vẫn đang là đỉnh điểm của đại dịch Covid-19.

ThS BS. Cao Đằng Khang - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim trẻ em BV ĐHYD TP.HCM chia sẻ: “Áp lực đầu tiên khi điều trị cho trường hợp này là bé còn quá nhỏ và các thủ thuật can thiệp bắt buộc phải làm ngay sau khi bé sinh ra, bé này còn bị nhiễm trùng sơ sinh nặng. Trong điều kiện bình thường đã có nhiều nguy cơ, thật không may là thời gian đó lại nằm trong đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Vì vậy, dự kiến sẽ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là mặt thiếu hụt nhân sự khi các bác sĩ của BV ĐHYD TP.HCM đã được huy động phần lớn cho công tác chống dịch. Xác định đây là tình hình cấp bách để cứu sống một sinh mạng, chúng tôi đã cố gắng dùng mọi cách có thể.”

Hình ảnh phẫu thuật tim cho bé

Mặc dù BV ĐHYD TP.HCM trước đây đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp tương tự, nhưng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc chuẩn bị cho lần này là rất khẩn trương. Trở ngại lớn nhất là làm sao để huy động đầy đủ đội ngũ nhằm phối hợp điều trị, can thiệp, phẫu thuật và chăm sóc cho bé sau mổ.

Để điều trị cho bệnh nhi được diễn ra suôn sẻ nhất, BV ĐHYD TP.HCM phối hợp liên chuyên khoa giữa Trung tâm Tim mạch và Khoa Sơ sinh, ê kíp Gây mê Hồi sức Tim mạch có chuyên môn cao. Từ khi bé chào đời cho đến lúc phẫu thuật và giai đoạn nặng sau mổ đều rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, BV ĐHYD TP.HCM đã linh hoạt điều động nhân sự từ bệnh viện điều trị Covid tham gia cứu sống bé sơ sinh này.

Đội ngũ liên chuyên khoa tại BV ĐHYD TP.HCM đã phối hợp ăn ý, phân chia nhiệm vụ theo chuyên môn một cách hợp lý để các khâu đều diễn ra thuận lợi: Bác sĩ sản nắm được diễn tiến của thai kì và quá trình chuyển dạ, Bác sĩ sơ sinh chăm sóc bé ngay khi chào đời, Bác sĩ can thiệp tim bẩm sinh thực hiện thủ thuật can thiệp ngay sau sinh, Bác sĩ phẫu thuật tim bẩm sinh lên kế hoạch mổ ngay sau sinh cùng với Bác sĩ Gây mê Hồi sức tim, đội ngũ điều dưỡng chăm sóc sau mổ cho bé cũng là những người rất quan trọng.

Ngay sau sinh, bắt buộc bé phải có sự hòa trộn máu để đủ máu nuôi cơ thể. Vì vậy các bác sĩ quyết định phá vách liên nhĩ tạo dòng máu trộn trong tim nhằm tăng lượng máu đỏ (máu giàu oxi) ra ngoài đi nuôi cơ thể, đảm bảo mức độ oxi ở mức không quá thấp đồng thời dùng thuốc để duy trì ống động mạch. Các thủ thuật này giúp duy trì nuôi cơ thể trong giai đoạn vừa chào đời và chờ đợi cuộc phẫu thuật cho bé.

Cuộc đại phẫu đầu đời khi vừa tròn 10 ngày tuổi của bé sơ sinh

Sau khi được can thiệp và hồi sức ngay sau sinh, bé có thêm tình trạng nhiễm trùng sơ sinh nặng đòi hỏi phải điều trị chống nhiễm trùng tích cực để đảm bảo cho cuộc phẫu thuật.

Bé được phẫu thuật và sửa chữa toàn bộ tổn thương trong tim vào lúc 10 ngày tuổi. Đây là sự phối hợp vô cùng chặt chẽ giữa các bác sĩ tim bẩm sinh, gây mê hồi sức, điều dưỡng tim mạch nhi để có một cuộc phẫu thuật thành công. Cuộc mổ đã giúp sửa chữa lại dị tật đảo ngược bẩm sinh của hai đại động mạch, giúp cấu trúc và sinh lý của tim trở về bình thường.

Mặc dù cuộc phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ như dự kiến nhưng tình hình nhiễm trùng sơ sinh và nhiễm trùng sau mổ đòi hỏi phải được điều trị kéo dài hơn một tháng, rất may mắn bé đã hồi phục, hết nhiễm trùng và xuất viện với một trái tim hoạt động bình thường.

Can Khương
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Vũ trụ ảo có thể nguy hiểm với trẻ em ra sao?

Vũ trụ ảo có thể nguy hiểm với trẻ em ra sao?

2 năm trước

Nhiều thiết bị thực tế ảo chưa có tính năng để phụ huynh có thể kiểm soát hoạt động của trẻ em. Bên cạnh đó, trẻ em có thể gặp phải bạo lực hoặc lạm dụng trong vũ trụ ảo.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao quà Tết cho trẻ em mồ côi vì Covid-19

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trao quà Tết cho trẻ em mồ côi vì Covid-19

2 năm trước

Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Lê Tuyết Mai phối hợp Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam vừa trao tặng quà Tết cho trẻ em mồ côi vì Covid-19, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Chuyên gia New Zealand: Trẻ em cần tiêm phòng để ngăn biến chứng do Covid-19

Chuyên gia New Zealand: Trẻ em cần tiêm phòng để ngăn biến chứng do Covid-19

2 năm trước

Dù các thông tin gần đây cho rằng trẻ em có thể mắc Covid-19 với triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn, một kết quả nghiên cứu mới tại New Zealand cho thấy trẻ em vẫn có thể phải nhập...