THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 08:43

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người trầm cảm, sang chấn tâm lý

01/10/2021 | 14:57
Đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều người lo lắng và có cảm giác bất lực. Đây là yếu tố thuận lợi khiến các triệu chứng bệnh ở người trầm cảm, hay lo âu tăng nặng.

Định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới: "Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật".

Theo báo Sức khoẻ đời sống, vấn đề tinh thần có vai trò quan trọng trong khái niệm sức khỏe. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 dài đằng đẵng suốt 2 năm qua, mỗi ngày chúng ta đều thấy tràn ngập những con số đong đếm được như: Ca mắc, ca nặng, rồi tử vong, số người khỏi bệnh… Nhưng còn một thứ vô hình - những hậu quả gián tiếp của đại dịch thì không thể thống kê. Đó là stress, là những sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần.

Những yếu tố gây lo âu, trầm cảm

Bà Nguyễn Thị P. ở xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) bị nhiễm Covid-19 từ ngày 27/7 và đã được ra viện sau 10 ngày điều trị. Tuy nhiên, sau khi ra viện, bà P. lo âu, mất ngủ, khóc lóc và luôn bị ám ảnh người thân, họ hàng đều bị nhiễm Covid-19. Bà P. đã đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong trạng thái hoang tưởng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trường hợp bà L.T.X ở huyện Phúc Thọ cũng là nạn nhân của việc lo lắng quá mức khi dịch bệnh xảy ra vì tự dằn vặt, cho mình là gánh nặng của con cái bởi không có lương hưu... Đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám, bà được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa, điều trị theo liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Sau 30 ngày điều trị, tình trạng bệnh dần ổn định nên được ra viện và tiếp tục uống thuốc theo đơn.

Báo Hà Nội mới đưa tin, theo thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, từ tháng 5/2021 đến nay, có 459 trẻ em và phụ huynh điện thoại đến tổng đài, trong đó có 93 cuộc gọi mong muốn được hỗ trợ, chăm sóc tâm lý cho trẻ em do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điển hình, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân cần sự trợ giúp khi con trai 7 tuổi ở nhà nhiều, nên gần đây la hét đòi đi chơi, hay cáu gắt, không hợp tác với bố mẹ. Gia đình chị lo lắng con mình bị thần kinh, hoang tưởng. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, gia đình chị đã làm theo lời khuyên của chuyên gia, nói chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn, và hiện tình hình của cháu bé đã khả quan hơn nhiều.

Nguyên nhân, hậu quả của sang chấn tâm lý

Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý có rất nhiều loại. Đó thường là: Các sự kiện tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến con người, làm đảo lộn cuộc sống của con người; Những sự kiện làm con người đau khổ, đe dọa tính mạng, hay gây ra tổn hại về tinh thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, làm đổ vỡ kinh tế của gia đình, làm suy sụp và không có khả năng chống đỡ; Các thảm họa thiên tai, lũ lụt trôi hết nhà cửa, chết người; Các vấn đề về bạo lực tại gia đình, trường học, hiếp dâm, cưỡng bức; Những tai nạn mất đi người thân, mất việc làm, phá sản, những vấn đề về gia đình như ly hôn, ly thân, sự ra đi đột ngột của người thân, mất việc, nợ nần…

Sang chấn tâm lý gây ra nhiều hậu quả về mặt cơ thể và tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể:

+ Ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương: Gây ra các biến đổi có thể gây teo não, thoái hóa não ở những vùng khác nhau, gây ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng nhận thức, học tập.

+ Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua hệ thống thần kinh nội tiết, làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Do đó những người gặp phải sang chấn tâm lý thường suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh lý khác.

+ Ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch: Thông qua tác động đến hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống thần kinh ngoại biên, stress ảnh hưởng nhiều đến hệ thống tim mạch. Đặc biệt là huyết áp và nhịp tim là dễ nhận thấy nhất, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng. Sang chấn tâm lý có thể gây ảnh hưởng đến co thắt mạch vành, gây cảm giác đau ngực, thậm chí có thể nhồi máu cơ tim.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

+ Ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa: Làm giảm sự ngon miệng, rối loạn bài tiết các men tiêu hóa, acid ở đường tiêu hóa, dẫn đến loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, rối loạn vi khuẩn ở đường ruột…

+ Ảnh hưởng đến hệ nội tiết: Sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến rất nhiều tuyến nội tiết trong cơ thể. Hệ thống trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến tụy, hệ thống adrenalin trong cơ thể đều bị ảnh hưởng.

Hướng điều trị

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Lê Thúy, Trưởng khoa Người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, dịch Covid-19 là yếu tố thuận lợi khiến các triệu chứng bệnh ở người hay lo âu tăng nặng. Do đó, cần kết hợp cả hai liệu pháp là liệu pháp tâm lý nâng đỡ, nhận thức hành vi và liệu pháp hóa dược, kê các loại thuốc chống trầm cảm, lo âu. Việc kết hợp này là phác đồ điều trị khả thi để đưa bệnh nhân trở lại bình thường.

Bác sĩ Trần Quyết Thắng khuyến cáo, khi người thân có biểu hiện khó ngủ, gặp ác mộng, mệt mỏi, lo âu..., gia đình cần đưa đi khám bệnh ngay để sớm được điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và can thiệp bằng các biện pháp tâm lý, tránh để rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc bệnh lý tâm thần. Khi trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên bình tĩnh tìm giải pháp để có phương án ứng phó, xử lý tối ưu...

Cũng về vấn đề trẻ em bị sang chấn tâm lý, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga cho biết, Cục Trẻ em đã triển khai mạng lưới dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong dịch Covid-19. Trong đó, mở rộng dịch vụ tư vấn của Tổng đài 111, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn trực tuyến để cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ, chăm sóc trẻ trong dịch bệnh. Cục cũng kết nối với các sở lao động - thương binh và xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hình thành mạng lưới hỗ trợ tâm lý cho trẻ em.

GIa Bảo (Tổng hợp)
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.