THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:16

Đại học không phải là con đường duy nhất

23/06/2022 | 06:25
Cổng trường đại học tuy rộng mở nhưng không thể chào đón tất cả các thí sinh trên mọi miền Tổ quốc. Học đại học quan trọng nhưng đó không phải là con đường duy nhất để có thể thành công trong cuộc sống. Điều quan trọng là cha mẹ cần định hướng nghề nghiệp và tương lai một cách đúng đắn và phù hợp với năng lực của trẻ.
Học nghề ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: KT

Học nghề ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: KT

Thế hệ 7X, 8X ngày xưa thi đại học còn hơn cả một trận chiến. Thi tốt nghiệp THPT và thi đại học là hai kỳ thi hoàn toàn tách biệt. Thậm chí, thi đại học cũng tổ chức 2-3 đợt khác nhau, mỗi trường một đề. Lúc đầu còn không có nguyện vọng 1, 2, 3 nên thi trường nào trượt là trượt luôn, không có cơ hội chuyển sang khoa khác, trường khác. Sau này mới có đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng, nhờ đó, kỳ thi đại học trở nên dễ thở hơn một chút đối với các thí sinh. Nhưng rất nhiều người đã phải mất không chỉ một năm mà 2-3 năm để ôn thi lại, thậm chí là tạm biệt cánh cổng trường đại học.

Ngày nay, cổng trường đại học rộng mở hơn rất nhiều cho các bạn trẻ. Học sinh có thể được tuyển thẳng, tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực của riêng từng trường (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa…); xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển học bạ 3 năm lớp 10, 11, 12 để vào đại học. Các trường đại học ngoài trường công còn có nhiều trường tư, trường quốc tế, du học, cơ hội để được học đại học rộng mở hơn rất nhiều so với thế hệ cha ông. Tuy nhiên, không thể ai đăng ký dự thi đại học cũng đỗ. Thậm chí, có những thí sinh dù 3 môn xét tuyển đạt 28-29 điểm nhưng vẫn phải giã từ giấc mơ theo đuổi ngành học mình yêu thích.

Có thể học nghề

Có những gia đình xác định chỉ cần con đỗ đại học, trường nào cũng được; nhưng ngược lại, nhiều gia đình cho rằng, nếu con không đỗ được trường đại học chất lượng thì chuyển qua học nghề luôn từ đầu chứ không cần cố học cho có tấm bằng đại học cho bằng chị, bằng em.

Chị Minh Hạnh, một bà mẹ có con năm nay học lớp 11 cho biết, nếu con chị không thi đỗ được Đại học Ngoại thương (trường mà con chị yêu thích), chị xác định sẽ hướng cho con đi học nghề quản lý nhà hàng, khách sạn để về quản lý nhà hàng đang hoạt động của gia đình. Trong quá trình làm việc, nếu con thấy cần học thêm nghiệp vụ gì để phục vụ tốt hơn cho công việc, chị sẵn sàng hỗ trợ con.

ttxvn_dao_tao_nghe_dien_tu

Anh Việt Hùng, bố của một học sinh nam năm tới lên lớp 9 cho biết, con anh học không giỏi, bản thân cháu không thích học, gia đình điều kiện kinh tế lại không dư dả, nên cả nhà đã cùng thống nhất, nếu con không thi được vào trường THPT công lập thì học hết bậc THCS, sẽ đăng kí cho con đi học nghề. Tại đây, con vừa được học chương trình THPT, vừa được đào tạo nghề song song. Khi ra trường, con vẫn có bằng tốt nghiệp THPT, lại có thêm bằng nghề có thể đi làm được ngay, một công đôi việc. Tuy nhiên, chia sẻ thực lòng, anh Hùng không hề muốn con phải học nghề sớm khi chỉ vừa mới tốt nghiệp cấp 2. Nếu con thi đỗ được cấp 3 thì vẫn là tốt nhất, như thế con anh sẽ không phải sớm bước chân vào đời. Vì giấc mơ đại học đối với hoàn cảnh gia đình anh quá xa vời, nên anh hướng nghiệp luôn cho con từ giờ để con có thể chủ động trong cuộc sống sau này.

Anh Tấn Minh – chủ một gara sửa xe ô tô cho biết, bản thân anh trưởng thành từ trường nghề. Những năm đầu khi mới tốt nghiệp, so với các bạn học đại học, rõ ràng anh vất vả hơn hẳn. Trong khi các bạn vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường, thì anh đã ra đời bươn chải, lúc nào cũng lấm lem với dầu máy và các loại xe. Nhưng chỉ sau 5 năm làm thuê, anh đã đủ sức để mở chung với bạn một cái gara sửa chữa ô tô, và sau 3 năm nữa thì anh trở thành ông chủ của một gara ô tô lớn tại nơi mình ở. Giờ đây khi mới 28 tuổi anh đã có một mức thu nhập ổn định, còn bạn bè anh, nhiều người vẫn vật vã đi xin việc hoặc thay đổi công việc liên tục do biến động thị trường lao động.

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy học nghề đang là xu hướng lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh và học sinh. Mặt khác, học nghề có thể đảm bảo cho các bạn trẻ có được một công việc với mức thu nhập ổn định, thậm chí cơ hội tìm kiếm việc làm của học nghề so với đại học có phần thuận lợi hơn hẳn.

Những lưu ý khi học nghề

Học nghề thời nay rất đa dạng. Các bạn trẻ học hết bậc THCS là đã có thể học nghề hoặc học xong THPT xong rồi mới học nghề. Có thể học nghề của các trường Cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề trong nước hoặc ra nước ngoài (Đức, Canada, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn…) học nghề. Ưu điểm của học nghề là thời gian học ngắn và học viên hầu như ra trường là có việc làm. Trong khi hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp đại học thất nghiệp mỗi năm thì việc sinh viên trường nghề dễ dàng tìm kiếm được công việc sau khi tốt nghiệp là một tín hiệu đáng mừng. Thậm chí, nhiều trường nghề kết hợp cùng doanh nghiệp đào tạo lao động để sử dụng ngay nên các học viên được đảm bảo vị trí việc làm ngay từ khi nhập học. Đối với học nghề tại nước ngoài, nhiều học viên còn không mất học phí, chỉ mất chi phí ăn ở, sinh hoạt và được bố trí việc làm ngay tại nước sở tại sau khi tốt nghiệp.

Tùy vào nguyện vọng của trẻ và điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhu cầu của xã hội hiện tại mà các bậc phụ huynh lựa chọn trường nghề phù hợp với con. Điều quan trọng nhất là cần định hướng nghề nghiệp cho con một cách rõ ràng, không ép buộc trẻ học nghề nếu trẻ không muốn, cần phân tích cho trẻ hiểu những ưu và nhược điểm của học nghề so với học đại học. Và nếu sau khi học nghề xong, con có nguyện vọng vừa học vừa làm, học tiếp lên đại học để bổ sung kiến thức, cha mẹ hãy hỗ trợ con hết sức.

Hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, làm đẹp, du lịch, dịch vụ, vận tải biển… là rất lớn. Đây là cơ hội lớn dành cho các học viên học nghề.

Thời đại công nghệ 4.0, các doanh nghiệp không còn quá coi trọng vấn đề bằng cấp mà đánh giá cao kinh nghiệm và kỹ năng làm việc của các ứng viên. Do đó, bạn không cần quá nặng nề, đau buồn hay chán nản khi không thể đỗ đại học, “một cánh cửa đóng lại sẽ mở ra một cánh cửa khác”, luôn có những cơ hội dành cho các bạn trẻ lạc quan, biết thích ứng với hoàn cảnh.

Minh Thư
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Đà Nẵng: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

Đà Nẵng: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022

1 năm trước

TP. Đà Nẵng có hơn 299.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,5% dân số; trong đó, có 3.174 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TECHCĐB) và 11.504 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Những năm qua, Thành phố...
Khen thưởng công nhân kịp thời cứu sống bé hơn 2 tuổi bị đuối nước

Khen thưởng công nhân kịp thời cứu sống bé hơn 2 tuổi bị đuối nước

1 năm trước

Ngày 20/6, Thông tin từ Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết, công ty vừa tổ chức khen thưởng anh Nguyễn Quốc Hiền là công nhân của công ty đã nhanh trí cứu sống bé trai bị đuối nước trong...
Điều tra vụ bé gái 7 tuổi ở Bắc Kạn nghi bị anh họ hiếp dâm

Điều tra vụ bé gái 7 tuổi ở Bắc Kạn nghi bị anh họ hiếp dâm

1 năm trước

Cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nghi án bé gái 7 tuổi bị anh họ hiếp dâm tại huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn.
VMO khánh thành điểm trường cho trẻ em xã đặc biệt khó khăn tỉnh Hà Giang

VMO khánh thành điểm trường cho trẻ em xã đặc biệt khó khăn tỉnh Hà Giang

1 năm trước

Mong muốn giúp đỡ trẻ em vùng cao có những lớp học khang trang để đón năm học mới, Công ty CP Công nghệ VMO Holdings đã tài trợ chi phí xây dựng điểm trường mầm non cùng các trang thiết bị...
Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn

Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn

1 năm trước

Các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bao lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cần...