THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 10:47

Đắk Nông: Đưa nghề dệt thổ cẩm vào mô hình giảm nghèo

08/12/2020 | 14:59
Dệt vải thổ cẩm – giải pháp giảm nghèo hữu hiệu
 
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông nói riêng, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
 
Trước đây, nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông là nghề thủ công truyền thống, được phát triển rất sớm, rộng khắp trong các bon, buôn và đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển kinh tế gia đình. 
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, các hoạt động dệt vẫn được duy trì để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và phục vụ khách tham quan du lịch. Trong cuộc sống hàng ngày hoặc vào các dịp tết, lễ hội, nghi lễ truyền thống của dân tộc mình, người dân đều mặc trang phục truyền thống, qua đó góp phần tuyên truyền, khuyến khích đồng bào gìn giữ và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc mình.


Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (bên trái) và Hoa khôi Du lịch Việt Nam - Hoa hậu Hoàn cầu 2017 Khánh Ngân tại gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm. 
 
Ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm mới
 
Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chương trình, dự án để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của thổ cẩm, giúp người dân địa phương nhất là đồng bào DTTS thoát nghèo và có thêm điều kiện để tổ chức sản xuất. 
 
Điển hình như năm 2018, tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm cho nhiều nghệ nhân là đồng bào dân tộc Ê Đê, Mạ, Mnông, Dao đến từ các địa phương trong tỉnh. Ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm mới giúp đồng bào rút ngắn thời gian, chi phí, nguyên liệu, cũng như sản phẩm thổ cẩm ngày càng phù hợp với nhu cầu thị hiếu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Nghệ nhân H’rui ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút cho biết: Hai năm trước, bà được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật dệt thổ cẩm bằng khung dệt cải tiến do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông tổ chức; đồng thời được tặng một bộ khung dệt mới, mỗi tháng bà đã tạo ra hàng chục sản phẩm. 
 
“Trước giờ chúng tôi dệt thổ cẩm chỉ bằng 1 khung cửi, hoàn thiện sản phẩm thổ cẩm mất 1 tuần đến 1 tháng. Nay với khung dệt và kỹ thuật mới chỉ mất vài ngày”, nghệ nhân H’rui chia sẻ.
 
Theo Nghệ nhân U Druynh, dân tộc Mnông ở bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Lễ hội thổ cẩm đã giúp gia đình bà học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trước đây, dù nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng số lượng vẫn rất hạn chế. Nay gia đình bà đã có thêm một số đối tác, các sản phẩm thổ cẩm truyền thống được dệt theo kỹ thuật mới, chất liệu, hoa văn mới được nhiều người hỏi mua.


Hoa hậu Ngọc Hân trong trang phục áo dài thổ cẩm.

 Lễ hội Văn hóa thổ cẩm tạo cơ hội tìm kiếm đầu ra cho thổ cẩm

Năm 2020 là năm thứ 2 UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các DTTS đến từ rất nhiều đơn vị trong nước và 3 nước Lào, Campuchia, Indonesia tham gia cùng hàng nghìn du khách trong, ngoài nước đến thưởng lãm. Với nhiều chương trình, hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá thổ cẩm các dân tộc ở Đắk Nông đến bạn bè trong nước và thế giới về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng phát triển du lịch. Lễ hội không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, mà còn tạo ra cơ hội để tìm kiếm đầu ra cho thổ cẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: "Lễ hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng được giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích các nghệ nhân và cộng đồng nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy tinh hoa của hoa văn các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nét mới là chúng tôi sẽ khai thác các giá trị đặc thù về địa chất, địa mạo, văn hóa truyền thống đặc trưng của 40 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Lễ hội cũng là dịp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, là định hướng để thổ cẩm tồn tại thành làng nghề, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu cho thổ cẩm Đắk Nông" - bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.
 
Đưa dệt thổ cẩm vào Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020
 
Cuối tháng 9/2020, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt Dự án bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm thuộc Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020. Dự án được triển khai tại 2 xã gồm Nhân Đạo (huyện Đắk R’lâp) và Quảng Khê (huyện Đắk Glong), với tổng mức đầu tư Dự án là 300 triệu đồng. Trong năm 2020, Dự án đầu tư trang bị khung dệt, máy may, sợi chỉ... cho 19 hộ nghèo tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo và 3 bon Ka La Dơng, Phi Mur, Ka Nur, xã Quảng Khê. Mục tiêu của Dự án là xây dựng và nhân rộng được cách làm hiệu quả của mô hình giảm nghèo, nhằm tạo thêm việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng chính nghề truyền thống của dân tộc mình có thêm nguồn thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở LĐTBXH chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện Dự án.
 

Hồng Nga/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.