THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 08:46

Đảm bảo an toàn dịch vụ xe đưa đón học sinh

18/12/2021 | 20:49
Dịch vụ ô tô đưa, đón tạo thuận lợi cho cả phụ huynh và học sinh, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Cần làm gì để không xảy ra những vụ tai nạn đau lòng từ dịch vụ này, để mỗi ngày học sinh đến trường không phải là một ngày lo của cha mẹ, người thân?
cho-thue-xe-dua-don-hoc-sinh-gia-re

Những tai nạn thương tâm từ sự bất cẩn của người lớn

Dịch vụ xe đưa đón học sinh hiện nay rất phát triển cả ở  các thành phố lớn và phụ huynh ở nhiều tỉnh cũng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, thời gian qua những vụ tai nạn đau lòng như để quên học sinh trên xe, học sinh văng khỏi xe ôtô đưa đón cứ lặp đi lặp lại khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Chỉ trong tháng 11/2021, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn ở Sơn La và Ðắk Lắk liên quan đến xe ô tô đưa đón khiến 2 học sinh tử vong thương tâm. Vụ việc mới nhất là khoảng 11h trưa 22/11/2021, trên quốc lộ 12 đoạn qua bản Mâm, xã Chiềng Sơ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, xe đưa đón học sinh 16 chỗ đang chở các em về nhà sau buổi học thì bất ngờ rơi cánh cửa khiến 4 học sinh bị văng ra ngoài. Hậu quả, em L.T.T.Q, học sinh lớp 9 Trường THCS Chiềng Sơ tử vong tại chỗ, 3 học sinh khác bị thương.

Vụ thứ 2, trưa ngày 2/11/2021, tài xế điều khiển xe 50 chỗ đón học sinh từ thôn Tân Thành, xã Dliê Ya đến Trường THCS Ama Trang Lơng (Dliê Ya). Khi đến đoạn đường thuộc thôn Ea Sim, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk, bất ngờ em N.G.H, 12 tuổi, học sinh lớp 6C Trường THCS Ama Trang Lơng, ngã xuống đường theo hướng cửa lên - xuống xe, dẫn đến tử vong. Sự việc được xác nhận là do lái xe đánh lái gấp khiến học sinh bị văng ra, trong khi cửa xe không đóng.

Trước đó, ở Ðồng Nai từng xảy ra vụ xe chở học sinh trên quốc lộ qua xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom làm rơi hai học sinh tiểu học xuống đường. Một vụ khác ở địa bàn TP. Biên Hòa, Ðồng Nai xe ô tô đưa đón cũng làm rơi 3 học sinh tiểu học.

Không chỉ làm rơi học sinh trên đường chuyên chở, mà vụ quên học sinh lớp 1 trên ô tô dẫn tới tử vong ở Trường Tiểu học Gateway (Hà Nội) năm 2019 cũng khiến dư luận bàng hoàng. Sau đó, còn xảy ra vụ 1 học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nam Từ Liêm bị quên trên ô tô do phụ huynh tổ chức thuê và trường hợp học sinh Trường Tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm (quận Nam Từ Liêm) bị cô phụ trách quản lý học sinh và tài xế bỏ quên trên ôtô. Rất may là ở hai vụ việc này đều không để lại hậu quả đáng tiếc.

Sau những vụ việc quên học sinh, nhiều trường học ở Hà Nội và một số tỉnh/thành có dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô cũng đã rà soát quy trình, xây dựng lại quy định đón, trả, quản lý học sinh trên ôtô... Tuy nhiên, một thời gian sau thì sự chủ quan, lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm lại xuất hiện và những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh trong vụ tai nạn ở xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La khiến 4 học sinh rơi xuống đường, 1 em tử vong. Ảnh TTXVN

Chiếc xe 16 chỗ đưa đón học sinh trong vụ tai nạn ở xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La khiến 4 học sinh rơi xuống đường, 1 em tử vong. Ảnh TTXVN

Làm gì để hạn chế những tai nạn đau lòng?

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của dịch vụ ô tô đưa, đón học sinh, thế nhưng trong  quá trình triển khai ở một số địa phương lại xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn như: xe không bảo đảm chất lượng; lái xe thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; chưa thực hiện đúng quy trình đưa, đón học sinh...

Ðể bảo đảm an toàn trong triển khai dịch vụ đưa, đón học sinh, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh. Trong đó, lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kỹ năng thoát hiểm lúc gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp... Ðối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có sử dụng dịch vụ đưa, đón học sinh đi học bằng xe ô tô, phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải; lái xe phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định. Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa, đón học sinh bằng xe ô tô. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do... Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng yêu cầu hiệu trưởng (hoặc người đại diện pháp luật của trường) chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa, đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh…

Tuy nhiên, không khó để lý giải vì sao thời gian qua vẫn liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh. Ðó chắc chắn là sự thiếu trách nhiệm ở một khâu, thậm chí là nhiều khâu khi các quy định đảm bảo an toàn đã bị bỏ qua. Bởi nếu cả gia đình, nhà trường, lực lượng chức năng làm hết trách nhiệm, rất khó xảy ra chuyện lái xe chưa có bằng lái phù hợp được phép chở học sinh, hay chuyện những chiếc xe cũ nát không đủ điều kiện lưu hành vẫn có thể lưu thông trên đường hàng ngày.

Về cơ sở pháp lý, dù có nhiều văn bản quy định quản lý với loại hình vận tải hợp đồng nhưng chưa quy định rõ tính chất đặc thù và yêu cầu khắt khe về an toàn đối với loại hình vận chuyển học sinh. Vì vậy, cần có những quy định cụ thể trong các luật, nghị định, thông tư liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quản lý hoạt động đưa, đón học sinh bằng xe ôtô. Cần xác định vận chuyển học sinh là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn và có tính đặc thù, bảo đảm an toàn mức cao nhất cho hành khách là trẻ em. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý các cấp cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển kinh doanh vận tải đưa, đón học sinh bằng xe ô tô; phát hiện, có hình thức xử lý nghiêm các sai phạm nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối khi thực hiện đưa, đón học sinh đi học.

Ngày 23/11/2021, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, có công điện về việc khắc phục hậu quả và ngăn ngừa tai nạn giao thông đối với trẻ em. Công điện được ban hành sau những vụ tai nạn trong tháng 11 khiến học sinh tử vong ở Sơn La, Đắk Lắk.

 

Nam Khánh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Phát động cuộc thi ''Khí tượng thủy văn trong em''

Phát động cuộc thi ''Khí tượng thủy văn trong em''

2 năm trước

Tổng cục Khí tượng thủy văn vừa phát động cuộc thi “Khí tượng thủy văn trong em” bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố với 200 điểm cầu.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An trao tặng xe lăn cho trẻ em khuyết tật

Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An trao tặng xe lăn cho trẻ em khuyết tật

2 năm trước

Sáng 17/12, tại TP. Vinh, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An trao tặng 27 xe lăn cho trẻ em khuyết tật từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc về 5 đề án khoa học lớn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc về 5 đề án khoa học lớn

2 năm trước

Sáng 17/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chủ nhiệm 5 đề án khoa học lớn: Biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); Xây dựng bộ Địa chí...