THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:49

Dám lên tiếng - bài học cùng con chống lại kẻ xâm hại

16/10/2022 | 06:44
Với một số trẻ, không may bị kẻ biến thái dùng lời nói hoặc đụng chạm cơ thể sẽ vô cùng sợ hãi và không có kỹ năng ứng phó. Nhưng nếu đã từng được cha mẹ/ thầy cô giáo truyền đạt về cách xử lý khi gặp kẻ có hành vi xâm hại, các em sẽ sớm lấy lại bình tĩnh và có cách “thoát hiểm” an toàn. Không những thế, các em còn có thể cùng với những người khác vạch mặt kẻ xấu.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hai mẹ con lên kế hoạch “bắt tại trận” kẻ có hành vi xâm hại

Hàng tuần, vào chiều thứ 6, chị Lê sẽ bắt xe buýt từ cơ quan về TTTM EAon Mall (Hà Nội) để đón con gái cùng lúc đi xe buýt từ Ecopak lên. Sau đó, chị đưa con đi học nhạc. Một hôm, con gái chị Lê đi sớm hơn thường lệ, vừa xuống xe buýt, em thấy một thanh niên mặc bộ quần áo công nhân tiến lại gần. Thay vì hỏi em đi đâu, giá tiền bao nhiêu thì thanh niên này lại dùng những từ ngữ rất tục tĩu, nói về các bộ phận trên cơ thể em và tìm cách lôi kéo em ra nơi vắng người. Cô bé lớp 7, thường ngày ít nói nhưng ngay lập tức mắng lại rất ghê gớm: “Thằng khốn. Ðồ biến thái!”. Kẻ xấu không vừa, hắn cũng lầm bầm chửi lại và tìm cách lôi tay em đi. Liên (tên cô bé) nhanh hơn, vùng tay ra và chạy thật nhanh về phía mấy bác xe ôm ở góc khác. Thanh niên kia thấy vậy cũng lén bỏ đi.

Khi gặp mẹ, Liên cho biết, dù rất sợ hãi nhưng cố không lộ ra cho hắn biết. Xác định, kẻ biến thái sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực này, chị Lê đã cùng con lên kế hoạch bắt tại trận. Sau khi nhận diện được thanh niên này, qua một vài ngày quan sát, thấy hắn vẫn có những hành vi tương tự với các cô gái trẻ, mẹ con chị Lê đã âm thầm chụp ảnh, đồng thời đi phía sau để quay lại các hành vi của hắn với học sinh, sinh viên nữ. Ðủ hình ảnh, tư liệu, chị Lê hô hoán mọi người về hành vi của kẻ xấu, các bác xe ôm và bà bán nước lúc này mới ngỡ ngàng, cứ tưởng đó là công nhân hết giờ tranh thủ đi làm thêm. Không dừng lại ở đó, chị Lê đã liên lạc tới công an phường Long Biên (Quận Long Biên, Hà Nội) để báo cáo và cung cấp thông tin, hình ảnh về người này.

Qua sự việc này, cô bé Liên vô cùng ngưỡng mộ mẹ. “Mẹ mãi đỉnh” - cô bé cười và ôm mẹ đầy tự hào. Với chị Lê, điều khiến chị tâm đắc nhất là cho con thấy, dám lên tiếng khi bị xâm hại là việc làm vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp con mà còn giúp được rất nhiều bạn trẻ khác tránh được các hành vi xâm hại không đáng có. Do đó, “khi bản thân hoặc biết người khác bị xâm hại, hãy mạnh dạn lên tiếng tố cáo, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ” là lời nhắn nhủ chị dành cho con.

Nhiều người vẫn nghĩ quấy rối, xâm hại trẻ em gái và phụ nữ là việc đụng chạm cơ thể khi chưa có được sự cho phép. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thực tế, lời nói mang tính tình dục hay những hành động, cử chỉ phi lời nói như: nhìn chằm chằm vào bộ phận sinh dục hay bộ phận riêng tư của người đối diện, hay không gian kĩ thuật số như gửi, chia sẻ, phát tán những hình ảnh nhạy cảm, bình luận trêu ghẹo... mà khiến phụ nữ/trẻ em gái cảm thấy không thoải mái, khó chịu hay buồn cũng đều là các hành vi quấy rối.

Giáo dục trẻ em kỹ năng phòng tránh quấy rối là việc cấp thiết!

Theo ông Lê Xuân Ðồng (cán bộ tư vấn, tổ chức Hagar Việt Nam), để ngăn chặn các hành vi quấy rối, cần giáo dục trẻ em những kỹ năng phòng tránh quấy rối như: phát hiện nguy cơ, kể lại… Ðiều này cần sự tham gia của cả gia đình và cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, theo bà Ðặng Bích Thủy - Viện nghiên cứu gia đình và giới, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh ít trao đổi với con cái về kỹ năng sống, còn lảng tránh trao đổi về chủ đề tình dục, sức khỏe sinh sản là một trong những hạn chế của gia đình trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em về các nguy cơ xâm hại tình dục và kỹ năng bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cũng thiếu thời gian dành cho con cái. Ðiều này ảnh hưởng đến mối quan hệ gắn kết của cha mẹ với trẻ em, dẫn đến tình trạng trẻ không biết phải tâm sự với ai về các vấn đề của bản thân, liên quan đến cuộc sống của các em, trong đó có cả những trải nghiệm về việc bị quấy rối tình dục.

day_tre_ky_nang_chong_xam_hai

Một bộ phận cha mẹ, dù rất quan tâm các nội dung phòng chống xâm hại tình dục cho con nhưng đều thực hiện nửa vời, không tới nơi tới chốn, thiếu kỹ năng kiến thức để trao đổi với con. Chỉ khi nào có sự việc xảy ra gây xôn xao dư luận, cha mẹ mới giật mình xem lại.

Trao đổi về chủ đề này, Thạc sĩ Ðào Lê Hòa An - Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam - cho hay, điều quan trọng cha mẹ phải dạy con có thói quen thường xuyên chia sẻ tình huống, câu chuyện ở lớp, các vấn đề trong cuộc sống khi về nhà. Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía công an (nếu có) hoặc chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi. Lưu ý, khi trẻ bị ai đó bắt thì không nên hét “cứu con với” mà hét “cháy nhà” sau đó vùng bỏ chạy. Bố mẹ cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu, thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, với tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái…

Vi Hương
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Thiếu sắt và kẽm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ

Thiếu sắt và kẽm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ

1 năm trước

Sắt và kẽm có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Việc thiếu hụt hai hoạt chất này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.
Lựa chọn nghề nghiệp không phụ thuộc giới tính

Lựa chọn nghề nghiệp không phụ thuộc giới tính

1 năm trước

Thay vì lựa chọn theo sở thích, đam mê và năng khiếu, không ít học sinh có phần e dè, lựa chọn những ngành nghề không đúng với đam mê của bản thân chỉ để phù hợp với những định...
Hóa giải mâu thuẫn trong cách nuôi dạy trẻ

Hóa giải mâu thuẫn trong cách nuôi dạy trẻ

1 năm trước

Sự khác biệt giữa hai thế hệ, sự khác biệt về không gian, thói quen vùng miền… khiến cho nhiều cặp vợ chồng trẻ rất khó để dung hòa với bố mẹ trong việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ....
Thiếu sắt và kẽm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ

Thiếu sắt và kẽm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ

1 năm trước

Sắt và kẽm có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Việc thiếu hụt hai hoạt chất này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.