THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:15

Dấu hiệu nhận biết và cách bảo vệ trẻ thoát khỏi xâm hại tình dục

05/12/2022 | 11:34
Theo Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision), xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn, có thể bao gồm cả hành vi xâm hại có tiếp xúc hay hành vi xâm hại không tiếp xúc.

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị xâm hại

World Vision cũng cảnh báo, nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, mặc dù điều này chưa chứng tỏ trẻ bị xâm hại nhưng đó là những dấu hiệu mà chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý.

Đột nhiên trẻ thay đổi tâm trạng, trở nên thu mình, trầm cảm, cáu giận bất thường hoặc trở nên hung hăng; Bỏ nhà, đi đâu đó một thời gian; Học hành sa sút, bỏ học không lý do; Có tiền, quà tặng, điện thoại… không rõ nguồn gốc; Lạm dụng chất gây nghiện (có thể là ma túy và rượu); Có các hành vi tính dục không phù hợp với lứa tuổi; Hay gây rối.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần cảnh giác với hành vi của những người lớn xung quanh trẻ. Những hành vi này có thể bao gồm: Quan tâm quá mức, tặng quà, gây ảnh hưởng quá mức, yêu cầu được ở một mình với trẻ hoặc đến thăm trẻ mà không có sự giám sát của người lớn khác. Đừng để sự việc đau lòng xảy đến với trẻ.

Các dấu hiệu và triệu chứng về thể chất khi trẻ bị xâm hại tình dục bao gồm: Mang thai, tổn thương hoặc nhiễm trùng (ví dụ các bệnh và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục).

Về tâm lý, đôi khi, trẻ cảm thấy ngại chia sẻ với bố mẹ hoặc người thân về vấn đề xâm hại, trẻ sẽ chia sẻ với những người lớn khác mà trẻ tin tưởng.

Để biết trẻ có bị bị xâm hại tình dục hay không, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần tăng cường giao tiếp với con, nói với trẻ về vấn đề xâm hại một cách gợi mở.

Thống kê của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cho thấy, cứ 4 trẻ em nữ có 1 em bị xâm hại tình dục, trong 6 trẻ em nam có 1 em bị xâm hại tình dục; 93% kẻ xâm hại là người các em quen biết, trong đó có đến 47% là người thân trong gia đình các em.

Thống kê của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cho thấy, cứ 4 trẻ em nữ có 1 em bị xâm hại tình dục, trong 6 trẻ em nam có 1 em bị xâm hại tình dục; 93% kẻ xâm hại là người các em quen biết, trong đó có đến 47% là người thân trong gia đình các em.

Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục. Trẻ ăn xin, trẻ bỏ học, trẻ lang thang hoặc kiếm sống trên đường phố, trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, trẻ nghiện game hoặc Internet là những đối tượng có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trẻ em.

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục?

Sau đây là 10 lưu ý cha mẹ có thể tham khảo để giúp con tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục do Tổ chức phi lợi nhuận Child Mind Institute khuyến cáo:

1. Sớm trò chuyện với con về các bộ phận cơ thể

Cha mẹ cần sớm trò chuyện với bé về các bộ phận cơ thể và gọi tên chính xác các bộ phận này bằng những từ ngữ khoa học. Việc giúp con dùng đúng từ và hiểu đúng nghĩa sẽ giúp bé diễn đạt mạch lạc khi có điều bất thường xảy ra.

2. Một số bộ phận cơ thể là riêng tư

Hãy nói với con về những bộ phận “riêng tư”, “bí mật” mà không phải ai cũng có thể xem/nhìn. Giải thích với con rằng bố mẹ có thể thấy con ở trần, nhưng những người khác thì không. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khám cơ thể con, nhưng chỉ khi có bố/mẹ ở cạnh và đó là vì bác sĩ khám bệnh cho con chứ không phải vì lý do nào khác.

3. Dạy con về những giới hạn cơ thể

Hãy dặn con không ai được phép sờ, chạm vào bộ phận riêng tư của con hay yêu cầu con sờ, chạm vào bộ phận riêng tư của họ. Các vụ xâm hại tình dục thường bắt đầu với việc đứa trẻ được yêu cầu sờ/chạm vào các bộ phận riêng tư của “yêu râu xanh”.

4. Giữ bí mật về những việc xảy ra liên quan đến các bộ phận riêng tư là không tốt

Hầu hết các tội phạm ấu dâm đều dặn nạn nhân phải giữ bí mật về việc xảy ra. Chúng có thể đưa ra yêu cầu một cách rất thân thiện, như: “Chú/bác rất thích chơi với cháu, nhưng nếu cháu kể với người khác về việc chúng ta đã làm gì, chú/bác sẽ không được đến chơi với cháu nữa”.

Hãy nói với con bạn rằng: Dù người khác nói gì, việc họ yêu cầu con giữ bí mật về việc xảy ra liên quan tới các bộ phận riêng tư trên cơ thể con là không đúng. Con cần nói cho mẹ biết ngay khi có bất kỳ ai cố gắng yêu cầu con phải giữ bí mật.

5. Không ai được chụp ảnh các bộ phận riêng tư của con

Những kẻ ấu dâm thường thích chụp ảnh và lưu giữ hình ảnh khỏa thân của trẻ em. Để tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của chúng, cha mẹ cần dạy con không cho phép bất cứ ai chụp ảnh các bộ phận riêng tư của mình.

6. Dạy con thoát khỏi những tình huống đáng sợ hoặc khó chịu

Một số trẻ không dám nói “không”, nhất là với người lớn tuổi. Hãy dạy con, con hoàn toàn có quyền nói “không” hoặc yêu cầu người lớn đi chỗ khác, nếu như cảm thấy có điều gì sai trái đang diễn ra. Con có thể thoát khỏi tình huống khó chịu này bằng một vài đề xuất như: “Con muốn đi vệ sinh/ Con phải về nhà ngay bố/ mẹ đang chờ…”.

7. Thống nhất “mật mã” với con

Khi trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ có thể thống nhất với con một mật mã hoặc mật khẩu riêng để bé có thể dùng trong tình huống cảm thấy bất an, nguy hiểm. Mật mã này có thể sử dụng ngay tại nhà khi có khách tới, hoặc dùng lúc đi chơi hay sang nhà bạn ngủ...

8. Con sẽ không gặp rắc rối nào nếu cho cha mẹ biết bí mật cơ thể

Nạn nhân thường không dám kể chuyện đã xảy ra vì sợ gặp rắc rối. Đây chính là điểm yếu tội phạm ấu dâm nắm được để đe doạ trẻ em. Thế nên, cha mẹ phải chủ động nói trước với con: “Con sẽ không bao giờ gặp rắc rối gì nếu kể tất cả cho cha/mẹ nghe”.

9. Giúp con hiểu đúng về các hành vi động chạm

Nhiều cha mẹ hoặc sách nói về những “đụng chạm lành mạnh” và “đụng chạm không lành mạnh” để phân biệt hành vi xâm hại. Tuy nhiên, điều này có thể gây nhầm lẫn vì trong nhiều trường hợp, đụng chạm không phải lúc nào cũng chỉ gây đau đớn hoặc khó chịu. Một số hành vi đụng chạm có thể khiến trẻ cảm thấy buồn buồn như lúc bị cù hoặc thậm chí thấy dễ chịu. Cha mẹ nên dùng từ “đụng chạm lén lút” để mô tả chính xác hơn về hành vi đồi bại của kẻ xâm hại tình dục.

10. Quy tắc này áp dụng với tất cả mọi người, kể cả người quen và những đứa trẻ khác

Quy tắc này vô cùng quan trọng. Dạy con rằng, cha mẹ có thể chạm vào những vùng riêng tư khi tắm hoặc bôi thuốc, bôi kem cho con nhưng người khác thì không được phép kể cả cô dì chú bác hay thầy cô giáo, dù con con quý mến họ hay nghĩ rằng họ đang muốn giúp đỡ con.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020, trên toàn quốc phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2008 trẻ em, trong đó 1.506 bị xâm hại về tình dục; 97% số vụ bị phát hiện đối tượng đều có quen biết với nạn nhân và gia đình của nạn nhân. 

Năm 2021, xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020, tuy nhiên một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội.

Empty
Bình Yên
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Ngày hội kết nối trẻ em tự kỷ miền Bắc

Ngày hội kết nối trẻ em tự kỷ miền Bắc

1 năm trước

Cung Thiếu nhi Hà Nội vừa tổ chức chương trình "Vòng tay yêu thương – Ngày hội kết nối trẻ em tự kỷ trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận” lần thứ VI, với chủ đề...
Nam sinh lớp 12 ở Bình Định tử vong khi thi chạy tại trường

Nam sinh lớp 12 ở Bình Định tử vong khi thi chạy tại trường

1 năm trước

Ngày 4/12, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định xác nhận thông tin một học sinh của Trường THPT Phù Cát 3 (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) tử vong trong quá trình thi chạy.
Thừa Thiên Huế: Đã tìm thấy 2 cậu cháu ở huyện Phú Lộc bị lũ cuốn trôi

Thừa Thiên Huế: Đã tìm thấy 2 cậu cháu ở huyện Phú Lộc bị lũ cuốn trôi

1 năm trước

Sau nỗ lực tìm kiếm đến sáng 4/12, lực lượng chức năng đã phát hiện thi thể 2 cậu cháu bị nước cuốn trôi mất tích vào chiều 2/12.
Kon Tum tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

Kon Tum tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

1 năm trước

UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản số 4102/UBND-KGVX chỉ đạo tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi và từ 12-17 tuổi.