THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 07:33

Đầu tư cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện tại các địa phương

14/09/2020 | 17:16
Quá tải ở cơ sở cai nghiện gây đánh nhau, bỏ trốn
 
Theo Bộ LĐTBXH, hiện tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy đều quá tải, về nguyên tắc là phải phân khu: khu bắt đầu vào để làm thủ tục riêng, khu kiểm tra ban đầu riêng, khu cai nghiện riêng. Thế nhưng, cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu, nên  hầu như các cơ sở đều là một khu, rất dễ xảy ra những mâu thuẫn và hệ lụy. 
 
Theo ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa, hiện tổng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn là gần 1.900 người. Nhưng tỉnh này chỉ có Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Khánh Hòa điều trị nội trú. Đến tháng 8/2020, cơ sở này đang nhận hơn 1.800 hồ sơ cai nghiện trong khi công suất chỉ 200 giường. Cơ sở cai nghiện ma túy quá tải khiến đội ngũ cán bộ, công nhân viên ở đây luôn "căng như dây đàn". 
 
Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn ở tỉnh Bình Thuận. Tỉnh đang có khoảng 3.450 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong khi cả tỉnh chỉ có 1 cơ sở cai nghiện ma túy tập trung thành lập từ năm 1997, đặt tại thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) để tiếp nhận 120 học viên nghiện ma túy và mại dâm.


Khám chữa bệnh cho người cai nghiện ma túy.
 
Năm 2016, Cơ sở được mở rộng với sức chứa 200 học viên và chỉ tiếp nhận người nghiện ma túy. Năm 2019, Cơ sở này một lần nữa được mở rộng để tiếp nhận 400 học viên. Dù vậy, Cơ sở vẫn quá tải do số người nghiện ma túy liên tục tăng. Từ nhiều năm qua, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận chỉ tiếp nhận những người bị bắt buộc đi cai nghiện theo quyết định của tòa án.
 
Tại Tiền Giang, cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện ma túy cũng xuống cấp, quy mô không đảm bảo để quản lý đối tượng cai nghiện, không có khu riêng để tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy tuổi vị thành niên, thiếu nhân lực… Hiện cơ sở cai nghiện chỉ có sức chứa là 230 người nhưng có tới trên 650 người nghiện. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, chữa bệnh, dạy nghề và ổn định tư tưởng, tâm lý cho người cai nghiện. Thậm chí, một số lần, Cơ sở Cai nghiện ma túy của tỉnh Tiền Giang có một số học viên đứng ra cầm đầu kích động, tụ tập phe nhóm gây rối, làm mất ổn định nề nếp, nội quy của Cơ sở. Tỉnh Tiền Giang cũng có cả tình trạng học viên đánh nhau, học viên đánh cán bộ và trốn trại. 
 
Ông Đoàn Hữu Bảy, Ủy viên Thư ký UBQG Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện trong thời gian qua chủ yếu do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do học viên sử dụng ma túy tổng hợp gây kích thích, kích động thành trào lưu tập thể để phá trại. Thứ hai là do cơ sở quá tải. Ông Bảy lấy ví dụ đối với cơ sở vật chất tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang chỉ đủ tiếp đón 350 nhưng hiện tại có hơn 600 học viên đang cai nghiện. Thứ ba là công tác rà soát trước khi vào cơ sở cai nghiện, nhiều địa phương muốn làm trong sạch địa bàn, người không đủ điều kiện cũng đưa vào cơ sở. 
 
Học viên cai nghiện học nghề tại cơ sở cai nghiện ma túy. 

 Nâng cao cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ nòng cốt

Việc đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất tại các cơ sở cai nghiện ma túy sẽ giúp đảm bảo tốt mọi điều kiện trong công tác quản lý, chữa bệnh, cắt cơn, phục hồi sức khỏe và giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, lao động trị liệu tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, một số tỉnh đã từng bước thực hiện công tác này. 
 
Sau thời gian xây dựng, cải tạo và sửa chữa, vừa qua, Ban quản lý Đầu tư các công trình trọng điểm tỉnh Hà Giang đã bàn giao (giai đoạn I) và đưa vào sử dụng khu vực dành cho quản lý giáo dục người cai nghiện tại Cơ sở Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần - Cai nghiện ma túy tỉnh. Việc bàn giao công trình đã tạo điều kiện cho 43 học viên cai nghiện và cán bộ trực quản lý có nơi ở và làm việc khang trang, giúp cho việc quản lý học viên thuận tiện và an toàn, góp phần nâng cao việc quản lý, giáo dục cho học viên ổn định và yên tâm điều trị.
Mới đây, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (Xuân Phú, Xuân Lộc) cũng đã tổ chức di dời toàn bộ máy móc, thiết bị hành chính và 582 học viên đang cai nghiện, chữa bệnh về trụ sở mới tại ấp Chà Rang, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc.
 
Cơ sở Điều trị nghiện ma túy Đồng Nai mới được khởi công xây dựng tháng 11/2018 với quy mô tiếp nhận 1.000 học viên. Sau gần 2 năm xây dựng, Cơ sở đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng với diện tích xây dựng khoảng 19,5/45,4ha, tổng mức đầu tư trên 285,8 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Khu hành chính, khu quản lý học viên, khu thăm gặp, nhà ăn, y tế, dạy nghề, cùng các công trình phụ trợ, công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
 
Ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết: Đối với hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện hiện nay, ngoài việc nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng số người nghiện gia tăng nhanh chóng, thì Bộ LĐTBXH cũng tập trung xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt, xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho người nghiện tại các cơ sở cai nghiện... Đồng thời, xây dựng thông tư hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng xác định rõ từng dịch vụ, trách nhiệm của cơ sở cai nghiện cũng như người nghiện tham gia dịch vụ.
Cả nước có 230.000 người nghiện nhưng 97 cơ sở cai nghiện chỉ chứa được khoảng 50.000 người, nên không thể đưa tất cả người nghiện trên 18 tuổi vào. Do đó, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, C04, Bộ Công an đề nghị ưu tiên cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, điều trị bằng thuốc thay thế. Sau đó, nếu vẫn vi phạm thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
 

Bài và ảnh: Đông Viên/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.