THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 09:00

Để mỗi nhà trường là nơi an toàn nhất với học sinh

04/12/2021 | 10:41
Làm sao để trường học là nơi an toàn, an tâm nhất với học sinh cả về thể chất và tâm sinh lý của các em là băn khoăn thường gặp của phụ huynh học sinh.
Cần tạo tâm lý an toàn và hạnh phúc cho học sinh khi đến trường. Ảnh: Trường Marie Curie.

Cần tạo tâm lý an toàn và hạnh phúc cho học sinh khi đến trường. Ảnh: Trường Marie Curie.

Theo TS. Hoàng Trung Học (Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục), an toàn với học sinh luôn cần có sự song hành cả 2 mặt về thể lý và tâm lý. An toàn thể lý thì cơ sở vật chất trường học giữ vai trò rất quan trọng, cần tránh tối đa tai nạn thương tích cho học sinh. Còn an toàn tâm lý, quan trọng nhất là mối quan hệ giữa thầy và trò. Mối quan hệ này cần được xây dựng và vận hành trên cơ sở tình yêu thương, tôn trọng và trách nhiệm cao của cả thầy và trò. Ở đây, vai trò người thầy rất quan trọng. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác, song mối quan hệ thầy trò mang tính quyết định cho việc an toàn tâm lý và hạnh phúc của học sinh khi đến trường.

Tuy vậy, trừng phạt thân thể và những hình thức kỷ luật khác như xâm hại bằng lời nói vẫn là một trải nghiệm thường xuyên ở trường học đối với nhiều trẻ em ở Việt Nam. Sự tồn tại của trừng phạt thân thể trong giáo dục đã có từ lâu, nghiễm nhiên trở thành một phương pháp truyền thống khi thầy cô muốn dạy dỗ học sinh, và đồng thời không ít thầy cô cũng tự cho bản thân mình quyền được tổn thương thân thể và tinh thần các em bằng nhiều cách. Và đây cũng là quá trình hình thành hành vi bạo lực học đường (BLHĐ) với trẻ em.

Việc trừng phạt, bạo hành học sinh, trẻ em là hành vi bị cấm theo luật. Về nguyên lý giáo dục, trừng phạt, bạo hành sẽ không mang lại giá trị tích cực, thậm chí để lại hậu quả tiêu cực. Một đứa trẻ sẽ chỉ phát triển bình thường nếu cảm nhận được sự tôn trọng, tình yêu thương và được tự do trong môi trường giáo dục của mình.

Trừng phạt, bạo hành có thể gây hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần, tạo sự thay đổi không bền vững (sự thay đổi giả tạo) về nhận thức, thái độ và hành vi. Bạo hành, bạo lực có thể tạo ra vòng luẩn quẩn: bạo lực nối tiếp bạo lực ở các thế hệ sau.

Để thực hiện chức năng giáo dục, nhà trường tất yếu phải có kỷ cương, nền nếp trong giáo dục học sinh. Tuy nhiên, không thể tạo lập kỷ cương bằng trách phạt, bạo lực với các em.

Nguyên tắc căn bản của giáo dục là: tôn trọng và yêu cầu cao. Khi vi phạm qui định của nhà trường, học sinh phải bị xử lý nghiêm nhưng vẫn trên tinh thần nhân văn, tôn trọng để các em hiểu được sai mà sửa đổi. Kỷ luật là cần thiết nhưng không phải dùng bạo lực với học trò mà nên sử dụng hình thức kỷ luật tích cực, để người bị kỷ luật hiểu được cái sai để tự sửa đổi và tự giác sửa đổi theo hướng tích cực.

Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với các vấn đề liên quan; bảo đảm tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất của từng học sinh; giúp học sinh nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ; không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh.

Các hình thức kỷ luật học sinh phải kèm theo kế hoạch giáo dục giúp đỡ học sinh tiến bộ và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, tổ chức liên quan trong quá trình áp dụng các hình thức kỷ luật học sinh.

Theo đề xuất của các chuyên gia, giáo viên, cán bộ quản lý các nhà trường, cần áp dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực như: Khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; phối hợp cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.

Ngoài ra, các biện pháp mà nhà trường có thể áp dụng khác trong kỷ luật học sinh là: Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được thỏa thuận; hoàn thành bổ sung nhiệm vụ học tập và rèn luyện có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh; viết cảm nhận về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa… trước khi nhà trường tiến hành xử lý kỷ luật học sinh.

Giáo viên và nhà trường cũng có thể lựa chọn áp dụng các biện pháp giáo dục khác, nhưng phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với mục đích, nguyên tắc kỷ luật học sinh.

Các biện pháp kỉ luật tích cực mà giáo viên, thầy cô có thể áp dụng trong lớp học:

- Quy định những nguyên tắc, mục tiêu với học sinh trong lớp từ đầu năm học.

- Đặt ra những kỳ vọng phù hợp và nhất quán với học sinh.

- Khuyến khích học sinh thực hiện những hành vi đúng mực, tuân thủ nguyên tắc, quy định chung.

- Luôn giữ lập trường trung lập nếu có xích mích giữa học sinh.

- Luôn tìm hiểu kỹ càng lí do học sinh có những hành vi không tuân theo quy định, trái nguyên tắc.

- Luôn tôn trọng học sinh.

- Hiểu rằng mỗi học sinh đều cần những phương pháp tiếp cận, dẫn dắt khác nhau.

- Đừng quên khen thưởng, khích lệ học sinh khi cần thiết.

- Hãy trở thành hình mẫu cho học sinh, có các hành vi ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát cơn giận phù hợp.

- Cho học sinh biết rằng luôn có những lựa chọn hoặc cách giải quyết khác.

- Lắng nghe học sinh và đừng xem nhẹ những lời tâm sự của các em

Vân Nhi
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Xây dựng trường học hạnh phúc cho trẻ em

Xây dựng trường học hạnh phúc cho trẻ em

2 năm trước

Trường học hạnh phúc không phải khái niệm phức tạp, đó đơn giản là nơi mà mọi người ở đó, bao gồm cả học sinh, giáo viên, nhân viên của nhà trường và phụ huynh đều hạnh phúc....