THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 01:06

Đề phòng trẻ em ngộ độc hóa chất tại nhà

29/09/2021 | 13:59
Những năm gần đây, số trẻ phải nhập viện do ngộ độc hóa chất có xu hướng gia tăng và tính chất cũng rất nghiêm trọng. Việc phòng, chống ngộ độc hóa chất ở nhà cho trẻ em là điều hết sức cấp thiết để đảm bảo trẻ được an toàn và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Những vụ việc đau lòng

Vào khoảng 18h ngày 1/9/2021, hai cháu gồm bé gái V.K.H. (SN 2016) và em trai V.V.K. (SN 2018) trú xóm Hợp Xuân, xã Hồng Thành, tỉnh Nghệ An sang nhà cố nội gần nhà để chơi. Hai cháu đã ăn phải kẹo có tẩm thuốc diệt chuột đặt trong nhà.

Phát hiện sự việc, người thân đã nhanh chóng đưa hai cháu đi cấp cứu, tuy nhiên do nhiễm độc mạnh nên cháu H. đã tử vong vào sáng 2/9, còn cháu K. tiếp tục được chuyển tới bệnh viện ở thành phố Vinh (Nghệ An) để điều trị.

Ngộ độc thuốc diệt chuột là loại ngộ độc hóa chất nguy hiểm bậc nhất ở trẻ em. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ tử vong. Nếu được điều trị qua cơn nguy hiểm, trẻ vẫn có thể mắc một số di chứng, đặc biệt là ảnh hưởng tới chức năng thận.

Trước đó, dư luận cũng từng xôn xao vụ việc một bé trai 3 tuổi ở Bến Tre uống nhầm chai đựng hóa chất chống thấm bị ngộ độc nặng.

Bé trai 3 tuổi ở Bến Tre uống nhầm hóa chất chống thấm ghe, xuồng. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

Bé trai 3 tuổi ở Bến Tre uống nhầm hóa chất chống thấm ghe, xuồng. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

Khi bé uống nhầm hóa chất, ho sặc sụa, người nhà móc họng cho nôn, tự theo dõi ở nhà. Hai ngày sau bé nuốt nghẹn, không ăn được cơm, cháo hay uống sữa, gia đình liền đưa bé đi viện.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, khi được đưa vào bệnh viện, bé lừ đừ, đau rát ngực. Các bác sĩ xác định loại hóa chất trẻ uống nhầm là Methyl Ethyl Ketone Peroxide. Dung dịch này thường được pha chế với một loại hóa chất khác trét lên vị trí có khe hở, xì rò để nước không thấm vào, thường dùng cho ghe, thuyền. Đây là loại hóa chất ăn mòn, làm tổn thương da, đặc biệt là niêm mạc đường thở, đường tiêu hóa, gây chít hẹp. Độc chất nếu vào máu gây tổn thương gan, thận, phổi, não...

Kết quả nội soi cho thấy thực quản và đoạn đầu tá tràng của bé có nhiều vết bỏng loét, chít hẹp, gan ngộ độc nặng. Sau một tháng điều trị tích cực, bé mới qua cơn nguy kịch, sức khỏe cải thiện dần, độc chất trong máu không còn.

Nguy cơ ngộ độc hóa chất ở trẻ em

Ngộ độc hóa chất thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhiều hơn ở trẻ lớn do các em nhỏ chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại với thức ăn hay thức uống thông thường.

Ngộ độc hóa chất có thể do nuốt, hít, chạm hoặc tiêm các loại thuốc, hóa chất, nọc độc và khí độc. Nhiều trẻ em ngộ độc hóa chất do uống nhầm.

Một số hóa chất như thuốc và khí carbon monoxide (thường sản sinh khi đốt than, củi) chỉ gây ngộ độc khi tiếp xúc với nồng độ và liều lượng cao. Các hóa mỹ phẩm như nước giặt, nước rửa chén, chỉ nguy hiểm nếu trẻ cho vào miệng hoặc để dây lên mắt, mũi.

Tất cả các loại hóa chất từ mỹ phẩm trang điểm, dầu gội sữa tắm, sữa dưỡng thể, nước hoa; dung dịch tẩy rửa như nước rửa bát, chén, nước lau kính, nước giặt, xà phòng, nước Javen, bột thông cống; xăng, dầu, dung môi pha sơn, acetone; thuốc trừ cỏ, thuốc diệt gián, kiến, chuột… đều có thể gây ngộ độc cho trẻ nếu như sử dụng không đúng cách.

Triệu chứng, dấu hiệu ngộ độc hóa chất

Nếu là ngộ độc hóa chất do tiếp xúc acid, trẻ có thể bị bỏng da nơi tiếp xúc.

Nếu là ngộ độc do nuốt phải hóa chất, về tiêu hóa, trẻ có thể đau họng, đau miệng, đau bụng, buồn nôn và nôn. Khám thấy bỏng niêm mạc miệng họng, môi lưỡi đỏ xung huyết, phồng rộp, trượt niêm mạc… Đau khu trú vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau lan tỏa khắp bụng. Tình trạng căng chướng bụng có thể là biểu hiện của thủng dạ dày, thực quản.

Về hô hấp, khi hít phải các hóa chất độc hại, trẻ sẽ khó thở, thở nhanh, nóng bất thường, tím quanh môi, cánh mũi phập phồng, co kéo hõm ức. Ngoài ra, bạn có thể nghe thấy tiếng thở rít do trẻ bị co thắt thanh quản.

Trẻ có thể tái lạnh, nhợt nhạt, hoặc nổi các vân tím. Mạch đập nhanh, nhỏ khó bắt. Trường hợp ngộ độc nặng, trẻ có thể bị rối loạn ý thức, mê sảng, li bì hoặc hôn mê.

Xử trí ngộ độc hóa chất tại chỗ

Trước tiên, gia đình cần tìm hiểu xem trẻ đã uống nhầm loại hóa chất gì, với lượng bao nhiêu. Bởi mỗi loại hóa chất sẽ có biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau.

Với các hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như: acid, bazơ hoặc xăng, dầu... người lớn không được gây nôn cho trẻ. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.

Tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Có thể cho trẻ uống nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước. Sau khi sơ cứu, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, giải độc kịp thời.

Nếu trẻ hít phải hơi độc, đưa trẻ ra khỏi nơi có khí độc, tới chỗ thoáng. Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên, chân phía trên gập lại để dễ nôn và thông đường thở. Nếu trẻ bị hóa chất bắn vào mắt, bỏng da thì rửa bằng nước lạnh từ 10-15 phút.

Nếu hóa chất dính trên quần áo và cơ thể, cởi bỏ quần áo cho trẻ và giội nước sạch vào nơi có hóa chất rồi đưa tới bệnh viện.

Phòng tránh ngộ độc các hóa chất trong gia đình

Tất cả các loại hóa chất độc hại cần cất kỹ, để xa tầm với của trẻ em. Ảnh minh họa

Tất cả các loại hóa chất độc hại cần cất kỹ, để xa tầm với của trẻ em. Ảnh minh họa

Các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để ở nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em. Những hóa chất có độc tính cao (dung môi pha sơn, thuốc diệt côn trùng, diệt chuột…) không để trong chai, lọ, hộp từng đựng thức ăn, thức uống, cần cất trong tủ, hộc có khóa.

Các loại hóa chất sang chiết không có chai, lọ đựng gốc hay tem mác, cần dán nhãn, ghi chú rõ ràng, không để trẻ em lấy được.

Các loại hóa mỹ phẩm sử dụng hàng ngày cần hướng dẫn trẻ dùng đúng cách, không làm hóa chất bắn lên mắt, mũi, miệng.

Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi, qua lại. Không nên để trẻ nhỏ chơi đùa mà không có sự giám sát của người lớn.

Khi trẻ ngộ độc do uống phải các hóa chất, cha mẹ/người chăm sóc trẻ cần tìm hiểu các thông tin sau để cung cấp cho bác sĩ điều trị:

- Tên sản phẩm, thường được ghi rõ ràng trên các vỏ bao bì, túi đựng hoặc chai, lọ. Nên chụp lại bao bì và nhãn mác sản phẩm.

- Chú ý số lượng hóa chất trẻ đã uống, thời gian trẻ tiếp xúc với hóa chất.

- Ngoài hóa chất đã uống nhầm, trẻ còn uống chất gì khác không.

- Đã có những triệu chứng, dấu hiệu, biểu hiện gì của ngộ độc?

Việc cung cấp đầy đủ thông tin về hóa chất khiến trẻ ngộ độc sẽ giúp cho các bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng và xử trí đúng hướng ngay từ đầu, hạn chế tối đa các tác dụng tiêu cực của hóa chất đến sức khỏe trẻ.

Phương Anh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Ra mắt Chuyên trang điện tử Vì trẻ em

Ra mắt Chuyên trang điện tử Vì trẻ em

2 năm trước

Sau khi ra mắt Ấn phẩm Vì trẻ em từ tháng 7/2021, hôm nay (28/9), Báo Lao động và Xã hội chính thức ra mắt Chuyên trang “Vì trẻ em” của Báo điện tử Dân sinh tại địa chỉ:...
Chung tay vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Dang rộng vòng tay giúp trẻ

Chung tay vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Dang rộng vòng tay giúp trẻ

2 năm trước

Đối với các em nhỏ, việc người thân ra đi vì Covid-19 là mất mát quá lớn. Lúc này, các ngành, cấp, địa phương đang cùng các nhà hảo tâm và cộng đồng dang rộng vòng tay, trao hơi ấm, chở...