THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 01:56

Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở

12/11/2021 | 07:09
Theo dự thảo Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở” do Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện, Bộ đề xuất triển khai thí điểm mô hình đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đối với 10 ngành, nghề trọng điểm.

Đó là ngành công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ và thiết kế trên máy tính, hướng dẫn viên du lịch, diễn viên múa. Số người dự kiến được đào tạo thí điểm khoảng 4.000 học sinh (400 học sinh/ngành, nghề).

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nội dung của mô hình đào tạo thí điểm này gồm 3 giai đoạn. Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông, tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng nghề.

Chương trình đào tạo có tính linh hoạt cao, với nhiều đầu ra, giúp người học được nhận các văn bằng tương ứng, và tham gia thị trường lao động theo mong muốn. Kiến thức THPT được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp

Phối hợp học văn hóa bậc THPT và học nghề

Theo Đề án đào tạo, người tham gia học phải là là học sinh tốt nghiệp THCS có xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên. Trong tổ chức đào tạo, khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo xu hướng giảm dần theo thời gian và được thiết kế tích hợp với nội dung nghề nghiệp, theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình; khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được học song song với kiến thức văn hóa THPT theo xu hướng tăng dần theo thời gian.

Cụ thể, chương trình học chia làm 3 giai đoạn, gồm:

Giai đoạn 1 đào tạo 2 năm, bao gồm phần khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu của chương trình và nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp. Trong đó, nội dung kiến thức văn hóa THPT được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là những kiến thức, kỹ năng căn bản của ngành, nghề mà người học theo học.

Giai đoạn 2 đào tạo 1 năm. Người học tiếp tục với kiến thức văn hóa THPT của Bộ GD&ĐT, kết hợp nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ trung cấp. Kết thúc giai đoạn này, người học được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Giai đoạn 3 đào tạo 2 năm. Nội dung đào tạo chính là toàn bộ kiến thức, kỹ năng ở trình độ cao đẳng và nội dung kiến thức văn hóa THPT được bổ sung để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Kết thúc giai đoạn 3, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) và được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và được xét tốt nghiệp, cấp bằng cao đẳng.

Dự thảo Đề án của Bộ LĐ-TB&XH quy định việc tổ chức đào tạo thí điểm sẽ tiến hành ở một số trường đang thực hiện việc đào tạo nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ưu tiên lựa chọn các trường đang đào tạo các ngành, nghề được lựa chọn thí điểm, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng. Người học được miễn học phí khi tham gia theo mô hình này.

Theo Bộ LĐ–TB&XH, sở dĩ điều kiện tuyển đầu vào yêu cầu học sinh phải có lực học trình độ trung bình khá trở lên là để năng lực thực hiện được công việc của ngành nghề ở trình độ cao đẳng; giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Theo lộ trình đào tạo. Người học khi kết thúc giai đoạn 1 có thể tham gia thị trường lao động, kết thúc giai đoạn 2, người học có thể vừa tham gia thị trường lao động và học tiếp để hoàn thành trình độ cao đẳng ở mô hình này hoặc liên thông lên trình độ cao đẳng ở các hình thức đào tạo khác. Nội dung khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu nếu người học có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục THPT. Kết thúc giai đoạn 3, người học đủ điều kiện học liên thông lên trình độ đại học tương tự như các hình thức học tập khác ở trình độ cao đẳng.

Việt Cường
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...