THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 03:14

Điều chỉnh giờ vào học giúp trẻ phát triển toàn diện

27/10/2022 | 07:16
Việc ấn định giờ vào học quá sớm gây ảnh hưởng không tốt đến thể lực, trí lực của học sinh. Giờ vào học cần được điều chỉnh để học sinh có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đủ giấc, đủ bữa, đảm bảo sự phát triển của lứa tuổi.
Học sinh luôn phải đến lớp trước tiết học đầu tiên 15 phút để truy bài, chuẩn bị tâm lý.

Học sinh luôn phải đến lớp trước tiết học đầu tiên 15 phút để truy bài, chuẩn bị tâm lý.

Giờ vào học quá sớm ảnh hưởng không tốt đến trẻ em

Theo khuyến cáo, trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7-8 tiếng/ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9-11h mỗi đêm cho lứa tuổi này. Trẻ trong độ tuổi từ 14-17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình cho lứa tuổi này phải từ 9-11h mỗi đêm. Nhu cầu được ngủ đủ giấc với học sinh là rất quan trọng. Nếu không ngủ đủ giấc, những đứa trẻ đang tuổi lớn sẽ không thể tỉnh táo, sáng suốt, tập trung cho việc học.

Nhiều trường học ở TP.HCM hiện đang bố trí lịch học từ lúc 7 giờ, do đó học sinh phải có mặt tại trường từ lúc 6h45 và tan trường trong khoảng từ 16h15 đến 17h5, tùy khối học. Theo nhiều phụ huynh, việc vào học sớm khiến các con đi học quá vất vả. Hình ảnh những em học sinh đầu tóc bù xù, mắt nhắm mắt mở ngồi phía sau xe máy để đến trường không hiếm. Nhiều em còn phải tranh thủ ăn sáng khi bố mẹ chở trên xe đi học. Vào lớp, nhiều em ngáp ngắn ngáp dài, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng. Trong khi tối hôm trước các em phải học bài, làm bài đến tận đêm khuya. Với lứa tuổi học sinh, đêm thức khuya, sáng dậy sớm, chỉ ngủ 6, 7 tiếng không đủ để phát triển trí não và thể chất. Do đó, nhiều phụ huynh đồng tình với quan điểm nên lùi giờ vào học, vì tương lai chiều cao, trí tuệ, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh. Theo đó, tốt nhất là bắt đầu học từ 7h30. Học sinh có thể tới trường từ 7 giờ, nhưng có 30 phút để ăn sáng, tiêu hóa thức ăn, nghỉ ngơi, ôn bài, hoặc vận động nhẹ ở sân trường trước khi bước vào một ngày học tập mới.

GS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐHGD-ĐHQG Hà Nội) ủng hộ việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi và nhu cầu giấc ngủ theo khuyến cáo của tổ chức y tế để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và cập nhật hơn.

Tham khảo một số quốc gia khác, họ điều chỉnh giờ lên lớp từ 8h30 sáng, học sinh sẽ được ăn sáng đầy đủ và học xuyên qua trưa trước khi bước vào giờ thư giãn buổi chiều. Việc học xuyên qua trưa cũng được quyết định căn cứ trên các kết quả nghiên cứu về nhịp đường cong cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực của học sinh trong ngày. Thời gian học tập sẽ tận dụng tối đa những khung thời gian cảm xúc tích cực lên cao và sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các chương trình luyện tập thể chất vào khung thời gian cảm xúc tiêu cực lên cao.

Nhìn nhận ở góc độ khoa học, TS, bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, hiện nay đang có tình trạng học sinh gặp quá nhiều áp lực nên các em dễ bị stress, mệt mỏi, biếng ăn, hấp thu kém dẫn tới thiếu năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Tình trạng biếng ăn, đói ngủ thường gặp rất nhiều ở học sinh. Điều này gây suy yếu hoạt động trí não và suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến năng suất học tập.

Lùi giờ vào lớp sẽ giúp phụ huynh và học sinh đỡ phải vội vàng mỗi buổi sáng.

Lùi giờ vào lớp sẽ giúp phụ huynh và học sinh đỡ phải vội vàng mỗi buổi sáng.

Đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, nhiều trường tại TP.HCM đã lùi giờ vào học tối đa thêm 30 phút, từ 7h lên 7h30.

Đơn cử như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) áp dụng khung thời gian vào học lúc 7h30 vào các ngày trong tuần (trừ thứ Hai, thứ Bảy) - muộn hơn 30 phút so với các năm học trước. Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, khung thời gian này sẽ giúp giảm ùn tắc trước cổng trường, học sinh cũng có thêm thời gian để ăn sáng, chuẩn bị bài vở, phụ huynh cũng không phải vội vàng đưa con đến trường. Thời khóa biểu trong tuần cũng sẽ được cân đối lại để thích hợp. Tiết học cuối buổi sáng sẽ kết thúc lúc 11h và buổi chiều cũng sớm hơn, thuận lợi cho phụ huynh đưa, đón.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và có các đề xuất chung phù hợp về thời gian vào học để vừa đảm bảo đủ thời gian giảng dạy theo yêu cầu của chương trình, kế hoạch nhà trường nhưng vẫn đảm bảo hạn chế ùn tắc giao thông, thuận lợi việc đưa đón và đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết. Tôi ủng hộ việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và thuyết phục. Việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Làm được như vậy, cần trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp.

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho rằng, thực tế hiện nay nhiều trường đang linh động và bố trí lệch giờ vào lớp, nhất là những trường học 2 buổi/ngày. Các trường có thể cân đối giờ học sáng/chiều, để tạo ra khung giờ phù hợp. Tuy nhiên, đối với những trường chỉ một buổi, khi thực hiện đúng chương trình khung 2018, nếu vào học muộn chỉ khoảng 30 phút đã không thể thực hiện được vì rất khó cho cả giáo viên và người quản lý.

Trường hợp nhà trường học một buổi nhưng mạnh dạn đưa một số môn lên buổi chiều như giáo dục thể chất, hoặc một số bộ môn nào đó thì có thể đẩy lùi giờ vào học muộn hơn, nhưng điều này còn phụ thuộc chương trình có cho phép không.

"Mỗi địa phương có các đặc trưng vùng khác nhau. Chúng ta không thể bắt buộc một khung giờ cho tất cả các trường, hay nói cách khác, không thể áp bài toán chung cho cả nước", ông Nguyễn Cao Cường chia sẻ. Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng nằm ngoài tính toán khoa học là giờ học của các con phải phù hợp với giờ làm của bố mẹ. Do đó cần có khảo sát và đồng thuận từ phụ huynh học sinh để có bài toán khả thi.

Nhật Minh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Phát hiện và điều trị viêm dạ dày tá tràng ở trẻ

Phát hiện và điều trị viêm dạ dày tá tràng ở trẻ

1 năm trước

Nhiều người cho rằng viêm dạ dày tá tràng chỉ gặp ở người lớn, nhưng trên thực tế trẻ nhỏ cũng mắc viêm dạ dày tá tràng.
Lộ diện 40 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022

Lộ diện 40 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022

1 năm trước

Các thí sinh Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 được đánh giá có phần trình diễn xuất sắc trong đêm Bán kết vừa diễn ra tối ngày 25/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, được phát sóng trực...
Uganda: Cháy trường học, 11 trẻ thiệt mạng

Uganda: Cháy trường học, 11 trẻ thiệt mạng

1 năm trước

Cảnh sát Uganda ngày 25/10 cho biết một vụ cháy trường học xảy ra tại khu vực Mukono miền Trung nước này làm 11 trẻ em thiệt mạng.