THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:53

Điều trị sớm và đúng cách – Chìa khoá cải thiện cuộc sống cho trẻ khe hở môi – vòm

12/08/2022 | 14:15
Những trẻ sinh ra với dị tật khe hở môi – vòm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Dị tật này ảnh hưởng đến ngoại hình, cách ăn uống và khả năng giao tiếp của bệnh nhân. Bên cạnh đó, những lời trêu chọc, sự kỳ thị của xã hội, cùng với sự tự ti càng khiến cho việc chung sống với tình trạng hở môi – vòm trở nên khó khăn hơn đối với bệnh nhi và gia đình.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Pacific, Hoa Kỳ, khe hở môi – vòm là dị tật bẩm sinh phổ biến thứ hai trên toàn cầu. Trung bình cứ 500 trẻ được sinh ra thì có 1 trẻ mắc dị tật này. Con số này còn cao hơn tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Các khách mời tại sự kiện trực tuyến “Chăm sóc và điều trị toàn diện cho bệnh nhân khe hở môi – vòm” .

Các khách mời tại sự kiện trực tuyến “Chăm sóc và điều trị toàn diện cho bệnh nhân khe hở môi – vòm” .

Tuy nhiên, vẫn có cách để vượt qua những trở ngại và lo lắng về dị tật khe hở môi – vòm. Đây cũng là nội dung thảo luận của B.S. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội và B.S. Đặng Thị Liên Hương – Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trong sự kiện trực tuyến “Chăm sóc và điều trị toàn diện cho bệnh nhân khe hở môi – vòm” do Smile Train Việt Nam tổ chức.

Xóa bỏ những quan niệm sai lầm

Mê tín dị đoan và những hiểu biết chưa đúng về dị tật khe hở môi – vòm vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở những cộng đồng người dân nghèo tại khu vực châu Á. Một số người cho rằng khe hở môi – vòm là do thần phù phép, là “điềm gở” hoặc một lời nguyền tâm linh. Thậm chí có người còn tin rằng dị tật này là hệ quả của việc sinh con trong đêm trăng non hoặc nhật thực. Những quan niệm mê tín này rất đáng lo ngại, có thể khiến cha mẹ hiểu lầm rằng khe hở môi – vòm là không thể chữa khỏi; từ đó, họ dễ dàng bỏ cuộc và lỡ mất cơ hội điều trị cho trẻ.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy khe hở môi vòm là dị tật bẩm sinh, xảy ra với 1 trên 600 – 800 trẻ. Con số trên cho thấy dị tật này không hề hiếm gặp và không phải là một hiện tượng tự nhiên mà có, hay chỉ xảy ra vào những “ngày xấu”. Xét từ góc độ khoa học, các khe hở có thể phát triển ở môi và vòm miệng nếu hai bộ phận này gặp vấn đề trong giai đoạn thai kỳ.

Mặc dù vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác, khe hở môi – vòm được cho là có liên quan đến sự kết hợp của di truyền và nhiều tác nhân khác, chẳng hạn như loại thực phẩm hoặc loại thuốc người mẹ dùng trong giai đoạn mang thai. B.S. Lan cho biết, “Trẻ có thể mắc khe hở môi – vòm nếu mẹ chụp X-quang trong vài tháng đầu thai kỳ, bị thiếu dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc lá, thuốc nhuộm tóc, hay sơn móng. Yếu tố di truyền cũng là một trong những tác nhân gây dị tật khe hở môi – vòm”.

Dị tật này có thể gây lo lắng cho nhiều gia đình, nhưng nó có thể được chẩn đoán và điều trị sớm. Mẹ có thể kịp thời phát hiện khả năng trẻ mắc khe hở môi – vòm bằng cách siêu âm định kỳ từ tuần 21 tới tuần 24 của thai kỳ. Điều này sẽ giúp mẹ điều chỉnh thói quen phù hợp và tìm kiếm các lựa chọn an toàn cho sự phát triển của thai nhi.

Tầm quan trọng của việc điều trị khe hở môi – vòm kịp thời

Các gia đình lưu ý cần lập tức bắt đầu chuẩn bị chăm sóc cho trẻ dị tật khe hở môi – vòm ngay khi nhận được chẩn đoán. B.S. Lan cũng đưa ra vài lời khuyên giúp các gia đình chăm sóc nhóm trẻ sơ sinh, vốn còn rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh.

“Sau khi trẻ ra đời, bố mẹ nhớ rằng luôn bế con cao đầu và cho trẻ bú bình. Gia đình có thể đến khoa răng hàm mặt để xác định mức độ nghiêm trọng của khe hở. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, trẻ sẽ được chỉ định đeo NAM (khí cụ tháo lắp được chế tạo riêng dựa trên khuôn hàm – Nasoalveolar Molding), giúp thu hẹp khe hở môi, khe hở cung hàm, khe hở vòm, điều chỉnh sụn mũi và nâng mũi.”

Mặc dù thực hiện phẫu thuật cho trẻ có thể làm thay đổi cuộc sống và cải thiện khả năng ăn và nói của trẻ, đây vẫn là một quyết định gây trăn trở cho nhiều bậc phụ huynh. Hiểu được vấn đề nan giải này, B.S. Hương giải thích rằng độ tuổi sớm nhất để phẫu thuật khe hở môi – vòm là 9 tháng tuổi, với cân nặng tối thiểu là 10kg.

B.S. Hương bổ sung: “Từ 12 đến 18 tháng tuổi là thời điểm phẫu thuật tốt nhất cho trẻ, vì phẫu thuật vào giai đoạn này có lợi cho xương hàm trên và khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ. Sau khi phẫu thuật, vòm miệng mềm (soft palate) của trẻ sẽ được kéo giãn dài ra, giúp các cơ của vòm miệng mềm đóng lại đúng cách, giảm tỷ lệ trẻ bị hở môi – vòm.”

B.S. Lan cũng nhấn mạnh, mỗi phương pháp điều trị sẽ phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ, giúp trẻ sống khỏe mạnh và vui vẻ. Ví dụ, trong quá trình trẻ học nói từ 6 tháng đến 3 tuổi, B.S. Lan gợi ý sử dụng tranh ảnh, sách và tương tác trực tiếp giữa bố mẹ và con, thay vì cách học “thụ động” như xem tivi để giúp quá trình tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

“Sau khi trẻ được 5 tuổi, nếu khả năng ngôn ngữ của trẻ không cải thiện, các chuyên gia y tế sẽ nội soi ống mềm để chẩn đoán mức độ ngọng của trẻ, từ đó quyết định liệu trẻ có nên được phẫu thuật, cũng như xác định  phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất để chữa ngọng”, B.S. Lan tư vấn thêm.

Chung tay hỗ trợ bệnh nhi khe hở môi – vòm

Một trong những trăn trở của các bậc cha mẹ có con bị khe hở môi – vòm là chi phí phẫu thuật. Tùy vào độ nặng của bệnh mà chi phí phẫu thuật có thể rất tốn kém đối với một hộ gia đình tầm trung hoặc các gia đình ở vùng nông thôn Việt Nam. Tin vui là các tổ chức nhân đạo như Smile Train đang triển khai các chương trình phẫu thuật miễn phí, đồng thời cung cấp hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân khe hở môi – vòm cho các gia đình có con mắc dị tật. 

Chị Giang (Quảng Ninh), một phụ huynh có con bị hở môi – vòm, chia sẻ: “Khi phát hiện con mình bị khe hở môi – vòm từ tuần thai thứ 18, tôi cảm thấy rất tuyệt vọng. Con tôi sinh non, tôi không có đủ sữa cho bé bú nên bé rất yếu. Thời điểm đó, tôi đã loay hoay không biết phải làm gì. May mắn thay, tôi được chị gái giới thiệu một nhóm trên Facebook tập hợp nhiều bậc phụ huynh nhà đồng cảnh ngộ. Tại đây, tôi nhận được nhiều lời khuyên thiết thực và cũng chính các anh chị trong nhóm đã giúp tôi liên hệ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nơi con tôi được phẫu thuật. Tôi cảm thấy rất biết ơn.”

Giống như chị Giang, gia đình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ một trong 16 bệnh viện đối tác của Smile Train trên cả nước. Phụ huynh có thể đăng ký phẫu thuật miễn phí cho con tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, nơi có khoảng 500 đến 1.000 ca phẫu thuật khe hở môi – vòm được thực hiện mỗi năm.

Chia sẻ về quá trình điều trị, bố của bé Hải (Thái Nguyên) nói: “Khi được biết tình trạng khe hở môi của con, vợ chồng tôi vô cùng buồn và lo lắng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, chúng tôi hy vọng ngoại hình của con sẽ được cải thiện. Gia đình chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ Lan, từ đó được biết đến chương trình phẫu thuật miễn phí này. Bé nhà tôi được gắn hàm NAM để ăn uống dễ dàng hơn. Bé cũng vừa trải qua một ca phẫu thuật thành công, và hiện nay tình trạng của bé đã ổn hơn rất nhiều.”.

Khe hở môi – vòm không phải là một dị tật gây nguy hiểm tới tính mạng và hoàn toàn có thể can thiệp được. Bên cạnh đó, các phương pháp can thiệp, điều trị cho dị tật này đang ngày càng dễ tiếp cận, kể cả ở các vùng nông thôn hay vùng sâu, vùng xa. Với sự hỗ trợ ở khắp mọi nơi, từ cộng đồng các phụ huynh đồng cảnh ngộ đến các bác sĩ và các tổ chức nhân đạo, những em nhỏ mắc dị tật khe hở – môi vòm bẩm sinh hoàn toàn có thể được phẫu thuật một cách an toàn và sống một cuộc đời hạnh phúc.

Kim Liên
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bộ Y tế phân tuyến quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết

Bộ Y tế phân tuyến quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết

1 năm trước

Bộ Y tế vừa có Công văn số 3693/BYT-KCB về việc phân tuyến quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết gửi bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế...