THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 07:47

Đồ chơi giúp trẻ lứa tuổi mầm non phát triển toàn diện

02/06/2020 | 13:47

Cha mẹ nên cẩn trọng khi lựa chọn mua đồ chơi cho con, đặc biệt chú ý đến nguồn gốc, thương hiệu và chất liệu sản phẩm. Ảnh: Thanh Huyền


Đồ chơi giúp trẻ phát triển thể chất


Hầu hết các món đồ chơi, dù to, dù nhỏ, dù đắt tiền hay rẻ tiền đều giúp trẻ tăng cường khả năng vận động, phát triển thể chất và rèn luyện sự khéo léo của các cơ bắp. Ở lứa tuổi mầm non, có vô vàn đồ chơi, cha mẹ có thể trang bị cho trẻ như: cầu trượt, xích đu, xúc cát, xếp hình, bác sĩ, nấu ăn, búp bê...


Khi vui cùng với các món đồ chơi, trẻ sẽ vận động không ngừng cả tay và chân, thậm chí cả trí óc (để làm sao có thể chơi một cách thú vị nhất).


Giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ


Chơi đồ chơi cùng bạn, thậm chí là chơi một mình đều hữu ích cho trẻ trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ. Chuyện trò với các món đồ chơi, với các bạn chơi giúp cho trẻ giao tiếp với người xung quanh tốt hơn. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy con mình nói chuyện rất lâu với chú gấu bông, đừng cho rằng trẻ ngốc nghếch, bởi đối với trẻ, chú gấu bông ấy như một người bạn và trẻ đang học cách giao tiếp với bạn của mình.


Đồ chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ


Những đồ chơi thông minh như xếp hình, flash card, bảng vẽ… giúp bé tăng khả năng tư duy, sáng tạo, từ đó giúp trí tuệ phát triển tốt hơn.


Ngoài ra, thông qua đồ chơi, trẻ có thể học hỏi và khám phá cuộc sống, khám phá bản thân. Ví dụ, với đồ chơi búp bê, các bé gái sẽ học được cách chăm sóc một em bé, cách sắp xếp đồ đạc và công việc trong một gia đình. Với đồ chơi xếp hình, các bé trai sẽ học được kết cấu của một công trình, cách để công trình của mình không chỉ đẹp mà còn vững chãi và an toàn…

Các món đồ chơi yêu thích của các bé gái thường là gấu bông, búp bê, bác sĩ khám bệnh, nấu ăn...

Giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc


Khi chơi đồ chơi cùng với bạn bè, anh chị em trong gia đình hoặc cha mẹ, trẻ sẽ học được cách kiểm soát các cảm xúc cá nhân. Có thể ban đầu, trẻ sẽ rất dễ nổi cáu khi không thể làm được một việc gì đó, hoặc bị thua cuộc. Nhưng dần dà trẻ sẽ nhận ra, càng cáu giận càng dễ hỏng việc. Trẻ sẽ biết kiềm chế cảm xúc cá nhân, nhẫn nại và kiên trì hơn. Ví dụ, trong trò chơi cá ngựa, trẻ sẽ học được tính kiên nhẫn vì phải đợi đến lượt để được chơi. Hoặc khi chơi với búp bê, những lần đầu khi không thể đặt được con búp bê ngồi xuống mà không ngã, trẻ có thể cáu kỉnh vứt búp bê đi, thậm chí là bẻ tay, bẻ chân búp bê cho hả giận, nhưng rồi trẻ nhận ra rằng việc làm đó chẳng thể giúp gì, muốn cho búp bê ngồi yên mà không ngã thì phải đặt búp bê trên một mặt phẳng và ngồi thẳng lưng, không được xiêu vẹo. Cứ thế, dần dần, trẻ không chỉ khéo léo hơn mà còn biết kiềm chế bản thân hơn.


Ngoài ra, khi chơi đồ chơi chung, trẻ sẽ biết chia sẻ đồ chơi, hợp tác, phân vai, nhập cuộc... Qua đó, trẻ học được cách giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và biết đưa ra ý kiến của riêng mình, biết cách thỏa hiệp nếu cần… Học được những điều này sẽ rất có lợi cho trẻ khi bước ra xã hội, hòa nhập với mọi người.


Rèn cho trẻ tính ngăn nắp, gọn gàng


Bên cạnh đó, các món đồ chơi cũng rèn cho trẻ tính ngăn nắp, gọn gàng, cẩn thận. Để đồ chơi luôn như mới, không bị hỏng hóc, trẻ phải biết giữ gìn, lau chùi đồ chơi sạch sẽ, chơi xong biết cất đồ chơi đúng vị trí. Nếu trẻ chưa làm được những điều đó, cha mẹ cần hướng dẫn và rèn cho trẻ. Ngăn nắp, gọn gàng không chỉ cần thiết trong các hoạt động vui chơi mà chúng cũng rất quan trọng trong học tập và làm việc cũng như cuộc sống sau này của trẻ.

Những điểm cần lưu ý khi lựa chọn đồ chơi cho bé lứa tuổi mầm non


•    Bạn nên lựa chọn các món đồ chơi có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. 


•    Không lựa chọn đồ chơi có các cạnh sắc nhọn để tránh làm trẻ bị thương.


•    Tránh chọn những đồ chơi màu sắc có thể bị phai vì chúng có thể khiến cho trẻ bị dị ứng da hoặc ngộ độc (nếu trẻ nhỏ cho vào miệng ngậm).


•    Không nên cho bé chơi đồ chơi điện tử quá nhiều vì chúng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sự phát triển trí não, thị giác, thính giác của trẻ.


•    Nên chọn mua những món đồ chơi trí tuệ và có tính giáo dục cao nhưng cũng phù hợp với sở thích của trẻ.
 


Cha mẹ có thể dẫn trẻ đi siêu thị lựa chọn các món đồ chơi trẻ thấy thích hoặc cùng con tự tạo nên các món đồ chơi lý thú từ bìa các tông, giấy báo, các mẩu vải vụn, ống hút không dùng đến, chai lọ đã bỏ đi… Các món đồ chơi tự làm thường sẽ độc đáo và thú vị hơn, có tác dụng gắn kết gia đình, tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi ở cha mẹ trẻ một chút khéo léo và thời gian.

Phương Anh/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...