THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 08:19

Độc đáo lễ thổi tai

09/01/2022 | 14:53
Từ khi sinh ra cho đến lúc về thế giới bên kia, người Jrai phải trải qua ba lễ cúng, trong đó lễ thổi tai được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời. Cùng với những tín ngưỡng cổ xưa, cha mẹ sẽ tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh.
Những nghi thức cúng trong lễ thổi tai của dân tộc Jrai.

Những nghi thức cúng trong lễ thổi tai của dân tộc Jrai.

Vì sao có lễ thổi tai?

Trước đây, văn hoá truyền thống của đa phần các cộng đồng ở Tây Nguyên đều là văn hoá truyền khẩu. Mọi phong tục tập quán được lưu giữ trong những lời cầu cúng và được kể lại từ đời này sang đời khác, và tai là bộ phận quan trọng để nghe, nhận biết tốt - xấu. Do đó, nghi thức thổi tai sẽ khai sáng và ban cho một đứa trẻ biết sống tốt cho mình và sống tử tế với người khác, biết chu toàn bổn phận trong gia đình đồng thời biết làm tròn trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài ý nghĩa trên, lễ thổi tai thường được tổ chức để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh, khôn ngoan, trở thành con người tốt của gia đình và cộng đồng. Ðây là nghi lễ rất quan trọng cho một người mới sinh trong gia đình, vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm, gửi gắm mong muốn các thần linh tiếp tục bảo vệ và dạy bảo con trẻ lớn lên.

Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình chọn thời điểm tổ chức lễ thổi tai cho em bé và quy mô lớn hay nhỏ. Có nơi thì gia đình tổ chức lễ thổi tai và đặt tên khi em bé sinh được một tuần, hoặc khi em bé đã rụng rốn. Nếu điều kiện khó khăn, đến khi em bé biết bò, thậm chí biết đi, gia đình mới làm lễ thổi tai, đặt tên.

Những nghi thức trong lễ thổi tai

Ðể tiến hành nghi lễ cúng thổi tai cho em bé, gia đình chuẩn bị một cây nêu, ghè rượu cần, bầu đựng nước, dao, ống nứa thổi tai, bông vải, bát đồng, cuộn chỉ trắng. Ngoài ra, sẽ có một con gà nướng (trai thì gà trống, gái thì gà mái) cùng vài miếng gan, thịt, lòng, tiết… bỏ vào cái rổ nhỏ lót lá cây sạch, rượu thì rót vào bát đồng.

Thông thường, lễ thổi tai sẽ được bà mụ thực hiện qua 5 công đoạn:

Chạm thịt: Với mong muốn em có một cuộc sống sung túc, đầy đủ trong tương lai, bà mụ sẽ ngồi quay mặt về hướng mặt trời mọc (hướng của sự sống), rồi đưa một miếng thịt sống chạm miệng của em bé và đọc những lời cầu, khấn tổ tiên, thần linh và lời gửi gắm của gia đình.

Chạm rượu: Nghi thức để tay em bé chạm vào cần rượu tượng trưng cho mối quan hệ hoà đồng cùng cộng đồng buôn làng, cùng bà con anh em dòng tộc.

Ngậm sắt: Với người Jrai và nhiều cộng đồng khác ở Tây Nguyên, sắt là một vật cứng và quý. Sắt tượng trưng cho một sức khỏe hoàn hảo, lý tưởng như bản chất của nó. Trong hầu hết những nghi thức cúng thần linh với mục đích xin một ơn huệ cho một người nào đó, sắt luôn có mặt bên cạnh những lễ vật khác. Với mong muốn đó, bà mụ ngắt lá cột trên đoạn tre bọc quanh lưỡi rìu sắt và kê vào miệng em bé rồi đưa cho người mẹ cắn nhẹ, cuối cùng chính bà cũng cắn ngậm sắt.

Bà mụ dùng ống nứa thổi tai cho đứa trẻ với những mong ước tốt đẹp.

Bà mụ dùng ống nứa thổi tai cho đứa trẻ với những mong ước tốt đẹp.

Dùng ống nứa thổi tai: Ðể thực hiện nghi lễ thổi tai, bà mụ sẽ vỗ nhẹ vào ngực, vào lưng em bé và khấn một bài văn khấn được truyền tụng từ ông bà tổ tiên: "Hỡi các yang (thần linh), này đây chúng ta dâng các thần bằng rượu ngọt, rượu chua, thịt heo gà, muốn tiến hành thổi tai cho nó, mong rằng các yang che chở, bao bọc, nuôi nấng, dìu dắt nó. Chúng ta cột ghè rượu ba, rượu năm để dâng cho thần đỡ đẻ, thần trông nom trẻ, mong sau này cả nhà đi rẫy lên nương, mẹ nó chẻ củi, lấy nước không có gì vướng mắc trắc trở; cầu cho em bé sống khoẻ mạnh. Nó lớn lên được cha nhờ gánh nước, mẹ nhờ nương rẫy; người nó được khoẻ mạnh, uống rượu, vui chơi với mọi người không bị rượu đè, ma xui làm việc xấu. Nó sống khỏe mạnh cứng cáp, con gái lớn vùn vụt như măng lên, con trai khỏe như cọp không tóp không khô lại. Này đây, các loại rượu ngon, thịt thơm dâng cho các yang để sau này, ra sông, xuống suối, vào rừng lên núi; dù trời lạnh hay nóng, mưa hay nắng luôn luôn được các yang che chở cho nó suốt cuộc đời...’’.

Khấn xong, thầy cúng xoa nhẹ vào đầu, vào ngực, vào lưng, tay chân em bé và thổi tượng trưng vào tai bé.

Buộc chỉ: Kết thúc nghi thức lễ thổi tai, bà mụ sẽ buộc vào tay trái em bé sợi chỉ trắng như để khẳng định em bé bây giờ đã là con người, thuộc về thế giới con người và xin thần linh, hồn ma người chết đừng níu kéo em về thế giới của họ.

Thực hiện xong nghi lễ, gia đình, dòng họ sẽ tổ chức liên hoan. Cha mẹ của đứa trẻ sẽ mời bà đỡ uống rượu trước, sau đến lượt mình, rồi đến bà con họ hàng, thôn, làng cùng uống, ca hát vui vẻ. Với lễ thổi tai, người Jrai tin rằng, em bé sẽ luôn khoẻ mạnh, khôn ngoan, lanh lợi, trở thành người tốt.

Ngày nay, trên quê hương của những truyền thuyết về Vua Lửa, nhờ có các cơ sở y tế, vai trò của bà mụ hầu như không còn phải trực tiếp làm công việc của mình. Tuy nhiên, nghi lễ thổi tai cho trẻ nhỏ vẫn tiếp tục được duy trì bởi những mong muốn tốt đẹp cho cuộc sống sau này.

Và để những mong ước và sự phù trợ của thần linh trở thành hiện thực, con người phải làm tròn bổn phận của mình với thần linh, không vi phạm những điều cấm kỵ theo phong tục. Với cộng đồng buôn làng và gia đình, con người mới được đón nhận và được huấn luyện, dạy dỗ để sống tốt cho mình và cho mọi người.

Lời khấn xin của bà mụ sẽ là kim chỉ nam hướng dẫn người đó biết sống cùng mọi người, biết học tập, phát triển các đức tính tốt của mình để phục vụ cho gia đình và cho cộng đồng.

Quang Hưng
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Đòn roi dạy trẻ điều gì?

Đòn roi dạy trẻ điều gì?

2 năm trước

Đánh đòn không dạy trẻ biết cách cư xử như thế nào. Đánh đòn chỉ làm cho trẻ sợ hãi và oán giận.
Bạo lực hẹn hò người chưa thành niên

Bạo lực hẹn hò người chưa thành niên

2 năm trước

Có một sự thật là ranh giới giữa yêu thương và bạo lực là vô cùng mong manh, đến mức khi chính những người gây ra những bạo lực đó nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Hãy cùng Thạc...
Đăk Glei hỗ trợ cơm trưa miễn phí học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Đăk Glei hỗ trợ cơm trưa miễn phí học sinh có hoàn cảnh khó khăn

2 năm trước

Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh vùng khó khăn, ngành GD&ĐT huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều mô hình nhằm huy động...