THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 10:11

Đón con yêu sau nhiều năm mỏi mòn chờ tin vui

05/04/2021 | 07:30

Hạnh phúc muộn của vợ chồng thầy giáo 12 hiếm muộn sau khi chồng thực hiện nối ống dẫn tinh

Sau kết hôn vào năm 2008, vợ chồng thầy giáo Lê Trần Minh và Lý Thị Hướng (cùng sinh năm 1984) rời quê hương Quốc Oai (Hà Nội) đến với mảnh đất Điện Biên để gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi đây. Như bao cặp đôi khác, anh chị cũng mong sớm được nghe tiếng con trẻ rộn rã trong tổ ấm nhỏ, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy tin vui. Cuộc sống của cặp vợ chồng giáo viên nơi miền Tây Bắc cứ thế trôi qua trong vòng “luẩn quẩn” tìm con. Anh chị làm được bao nhiêu tiền đều dành dụm hết để tìm con, nơi nào có thầy lang giỏi, bài thuốc tốt là họ chẳng quản đường xá xa xôi để đến chữa trị, nhưng vẫn không có hiệu quả.
 


 
Anh Lê Trần Minh và chị Lý Thị Hướng bên bé Đậu Xanh (Lê Trường An)


Bước sang năm thứ 10 của hành trình tìm con, được bạn bè động viên, hai vợ chồng quyết tâm vượt gần 500 cây số từ Điện Biên xuống Hà Nội để thăm khám với hy vọng Y học hiện đại sẽ giúp thỏa ước nguyện làm cha làm mẹ. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, sau khi được Bác sĩ kiểm tra sức khỏe sinh sản, hai vợ chồng mới biết chính xác nguyên nhân muộn con là do biến chứng quai bị cách đây 14 năm của anh Minh. May mắn, quai bị “chạy hậu” chỉ khiến tinh hoàn phải của anh bị viêm teo, nhưng bên còn lại (tinh hoàn trái) thì tắc ở đoạn nối ống dẫn tinh mào tinh, dẫn đến xuất tinh không có tinh trùng. Khó khăn chưa dừng ở đó, khi thăm khám, chị Hướng vòi trứng một bên bị tắc do ứ dịch, cộng thêm tuổi chị đã ngoài 30, việc có con tự nhiên là vô cùng khó.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, là người trực tiếp thăm khám và điều trị cho anh Lê Trần Minh thì: “Tắc ống dẫn tinh là một trong những bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Đó là hiện tượng ống dẫn tinh trùng của nam giới bị chặn ở một vị trí nào đó dẫn đến khi xuất tinh, tinh trùng không thể thoát ra ngoài một cách bình thường”. Sau khi được Bác sĩ tư vấn phẫu thuật nối ống dẫn tinh, dù cơ hội thành công khá thấp và tốn nhiều chi phí nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm thực hiện bởi đây có lẽ là cơ hội duy nhất của anh chị để có được đứa con của chính mình.

Ngày 8/8/2018 - đúng 10 năm sau ngày cưới, anh Lê Trần Minh được thực hiện vi phẫu nối ống dẫn tinh tại Bệnh viện. “Khi phẫu thuật, xác định tinh hoàn phải của bệnh nhân bị teo nhỏ do quai bị, ống dẫn tinh vẫn thông còn tinh hoàn trái bình thường nhưng ống dẫn tinh lại bị tắc đoạn dài. Trong ca mổ vi phẩu kéo dài ba tiếng, Bác sĩ đã tiến hành bắt chéo ống dẫn tinh phải với mào tinh trái để nối lại ống dẫn tinh cho bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật khó được áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, hiếm gặp trong nam khoa” - Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt cho hay.

Sau khi anh Minh được thực hiện nối ống dẫn tinh, tin tưởng và tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ, chỉ ba tháng sau phẫu thuật, vào tháng 11/2018, lần đầu tiên, hai vợ chồng anh Lê Trần Minh được thấy que thử thai hiện lên hai vạch. Nhưng lần này anh chị đã không gặp may mắn khi thai bị lưu ở tuần thứ 9. Sau một thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và tập trung làm kinh tế, đến tháng 5/2020, khi tới tháng không thấy kinh nguyệt, chị Hướng giấu chồng thử thai và kết quả chị đã mang thai tự nhiên. Niềm vui khôn tả, đến tháng 2/2021, khi được 39 tuần 1 ngày, chị Hướng xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ và bé Đậu Xanh - Lê Trường An cất tiếng khóc chào đời, nặng 3.8kg bằng phương pháp sinh mổ.
 


 
Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học


Chữa vô sinh nam cần xác định nguyên nhân không có tinh trùng

Theo chuyên gia về Nam học và tiết niệu của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Vô sinh nam chiếm khoảng 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn, trong đó bất thường về tinh trùng là nguyên nhân phổ biến nhất. Cụ thể các trường hợp bất thường về tinh dịch đồ có thể gặp như vô tinh, thiểu tinh…, trong đó không có tinh trùng là một vấn đề hay gặp nhất.

Trong cơ quan sinh dục nam giới, tinh hoàn là nơi sản xuất tinh trùng. Sau khi được phân chia và biệt hóa từ tinh nguyên bào, tinh trùng sẽ di chuyển qua hệ thống ống mào tinh và ống dẫn tinh rồi lưu trữ trong túi tinh trước khi được phóng ra bên ngoài khi quan hệ tình dục. Thuật ngữ không có tinh trùng được coi như là không có tinh trùng trong tinh dịch. Tuy nhiên, cần phân biệt với những trường hợp như xuất tinh ngược và không xuất tinh.

Không có tinh trùng trong tinh dịch (azoospermia) được chia thành hai nhóm. Thứ nhất là azoo do đường dẫn, chẳng hạn như tắc ống dẫn tinh, tắc ống mào tinh, không có ống dẫn tinh bẩm sinh… Thứ hai là azoo do tinh hoàn, chẳng hạn như suy tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, một số rối loạn nhiễm sắc thể…

Để xác định nguyên nhân không có tinh trùng, nam giới cần được kiểm tra tinh dịch đồ ít nhất 2 lần và mẫu tinh dịch đồ sau ly tâm rồi soi dưới kính hiển vi. Nếu không phát hiện tinh trùng trong tinh dịch thì có thể kết luận là bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch.

Sau khi kết luận một bệnh nhân không có tinh trùng, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm như kiểm tra nội tiết tố sinh dục nam, di truyền (ở các trường hợp bất thường di truyền) để định hướng nguyên nhân vô tinh bắt nguồn từ đâu. Có 2 khả năng: 2 tinh hoàn không sản xuất tinh trùng hoặc 2 tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường nhưng đường dẫn có vấn đề.

Trường hợp thứ nhất nguyên nhân nằm ở tinh hoàn (hệ thống dẫn tinh vẫn bình thường nhưng hai tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng), bệnh nhân sẽ được chỉ định là thủ thuật tìm tinh trùng bên trong tinh hoàn như chọc hút tinh hoàn qua da, sinh thiết tinh hoàn qua vi phẫu để tìm tinh trùng. Nếu có tinh trùng, bệnh nhân cũng sẽ được tư vấn làm hỗ trợ sinh sản. Nếu kết quả không thấy tinh trùng, bệnh nhân sẽ được tư vấn xin tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng để thực hiện các biện pháp hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho người vợ.

Trường hợp thứ hai nguyên nhân nằm ở đường dẫn (2 tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường nhưng hệ thống dẫn tinh trùng có vấn đề), bệnh nhân sẽ được chỉ định chọc hút mào tinh hoàn để tìm tinh trùng hay tìm tinh trùng bên trong đường dẫn tinh. Sau đó thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm.

Các chuyên gia khuyên, nam giới có những trục trặc “khó nói”, cần đến bệnh viện có chuyên khoa Nam học hoặc Hiếm muộn khám và làm các xét nghiệm để sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn hướng khắc phục và phương pháp điều trị cụ thể phù hợp.


 

Hoàng Nam/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.