THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:56

Đồng bằng sông Cửu Long không còn là vùng trũng giáo dục

28/02/2023 | 21:07
Ngày 27/2, tại Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua các số liệu, vùng ĐBSCL đã thoát ra khỏi vùng trũng và đề nghị từ hôm nay không gọi khu vực ĐBSCL là “vùng trũng” giáo dục nữa.
 
ĐBSCL cần đầu tư ngân sách để nâng cao dân trí. Ảnh: Ngọc Trinh

ĐBSCL cần đầu tư ngân sách để nâng cao dân trí. Ảnh: Ngọc Trinh

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2010-2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học, đến năm 2020 số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng lên 21, trong đó có 4 phân hiệu, 8 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Riêng Cần Thơ có 5 đại học và 1 phân hiệu, Vĩnh Long có 3 trường đại học và 1 phân hiệu. Các trường đại học trong khu vực hiện đào tạo trình độ từ đại học đến tiến sĩ, với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ.

Về công tác phổ cập giáo dục, tới năm học 2019-2020, vùng ĐBSCL có 1.078 địa phương cấp xã (tỷ lệ 74,4), 75 địa phương cấp huyện (tỷ lệ 76,5%) và 1 tỉnh/thành phố đạt chuẩn mức độ 1. 220 địa phương cấp xã (tỷ lệ 15,2), 15 địa phương cấp huyện (tỷ lệ 15,3%) và 4 tỉnh/thành phố đạt chuẩn mức độ 2.

Nếu như năm học 2010 - 2011, toàn vùng không có tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đến năm học 2021 - 2022, vùng đã có 10/13 (tỷ lệ 76,92%) tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Dù đạt những kết quả khả quan nhưng GD&ĐT vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn. Đơn cử, tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp phân tán; còn nhiều điểm trường; tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7%-13%). Số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia cũng còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Bộ GD&ĐT rà soát đầu tư trường lớp từ mầm non đến phổ thông. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho ĐBSCL. Cũng do chi ngân sách địa phương cho GD-ĐT thấp nên "mức hỗ trợ từ trung ương dành cho vùng ĐBSCL cũng thấp nên các chương trình, kế hoạch, đề án đầu tư hầu như các tỉnh ĐBSCL rất ít được đưa vào" - bà Thanh nêu thực tế.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, khó khăn hiện nay là thiếu trường lớp, nhất là địa bàn nông thôn, quy mô nhỏ. 5 năm qua địa phương đã đầu tư trên 700 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện, ngân sách tỉnh khó đảm đương được. Học sinh đi xa đến lớp dẫn đến nguy cơ bỏ học tăng.

Cùng với đó là tình trạng thiếu giáo viên, Cà Mau còn hơn 1.500 vị trí việc làm trong ngành giáo dục chưa tìm được, nhất là các môn đặc thù. Theo ông Luân, cần có chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đảm bảo mức sống trung bình khá bằng lương và có chính sách khuyến khích, thu hút đủ mạnh, hấp dẫn để sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh kiến nghị “cần quy định số lượng học sinh tối thiểu và tối đa trên một lớp, tỷ lệ giáo viên trên một lớp”, không nên quy định tỷ lệ giáo viên trên số học sinh...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Tâm

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Tâm

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo vùng ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng tuy ĐBSCL còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thách thức nhưng chất lượng giáo dục phổ thông rất khả quan. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, chất lượng đứng nhóm 2 trong 6 vùng. Các chỉ số về cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động trẻ ra lớp, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn nhiều khó khăn nhưng chỉ số chất lượng giáo dục phổ thông đứng thứ 2. Điều này cho thấy đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đã có sự nỗ lực phi thường.

Bộ trưởng nhấn mạnh, nhìn lại quá trình 10 năm qua, GD&ĐT khu vực ĐBSCL có bước tiến, đạt được kết quả quan trọng, bứt phá. Minh chứng qua các số liệu, GD&ĐT vùng đã thoát ra khỏi vùng trũng; đồng thời Bộ trưởng đề nghị từ hôm nay không gọi khu vực ĐBSCL là “vùng trũng” nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng  đề nghị các địa phương ĐBSCL có giải pháp tổng thể, trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường, lớp; đầu tư trang thiết bị phòng học bộ môn phục vụ chương trình mới; có phương án phù hợp trong sắp xếp điểm trường; có mẫu trường học phù hợp với địa hình, khí hậu của khu vực.

 
Xuân Quang
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Thích ứng để phát triển với ChatGPT

Thích ứng để phát triển với ChatGPT

1 năm trước

Sự ra đời của ChatGPT trong thời gian gần đây đã và đang thách thức hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Điều này đòi hỏi sự thích ứng của cả người dạy và học nhằm phát huy...
Tạm dừng công tác nữ giáo viên miệt thị học sinh trong lớp

Tạm dừng công tác nữ giáo viên miệt thị học sinh trong lớp

1 năm trước

Nữ giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) bị tạm dừng công tác chủ nhiệm do bị tố có lời lẽ xúc phạm, miệt thị học sinh liên quan đến quy trình thu tài trợ giáo dục.
Triển lãm những thiết kế đồ họa đoạt giải của sinh viên Trường ĐH Duy Tân

Triển lãm những thiết kế đồ họa đoạt giải của sinh viên Trường ĐH Duy Tân

1 năm trước

Chiều 26/2, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trường ĐH Duy Tân tổ chức Triển lãm trưng bày các thiết kế đồ hoạ của sinh viên đã giành được nhiều giải thưởng tại các...
Gần 5.000 học sinh Đà Nẵng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi

Gần 5.000 học sinh Đà Nẵng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi

1 năm trước

Sáng 26/2 tại Đà Nẵng, 5.000 học sinh khối 12 của thành phố đã tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Báo Thanh Niên và các đơn...