THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 12:27

Du lịch trải nghiệm giúp trẻ em phát triển toàn diện

28/09/2021 | 20:55
“Du lịch giáo dục” hay “du lịch trải nghiệm” là khái niệm khá mới ở nước ta nhưng ngày càng trở nên phổ biến. Khi kết hợp du lịch với giáo dục, chuyến đi không đơn thuần mang tính xả hơi, giải trí mà trở thành học hỏi và trải nghiệm. Sự kết hợp cả trải nghiệm – học hỏi – thư giãn không chỉ mang lại kiến thức, niềm vui, mà còn khơi gợi trí tò mò, mong muốn khám phá, trải nghiệm và giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng, thích ứng với cuộc sống, tự tin thể hiện bản thân.
Học tập và giáo dục thông qua thực tế sẽ giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

Học tập và giáo dục thông qua thực tế sẽ giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

Những lợi ích của du lịch giáo dục

Du lịch giáo dục có thể do gia đình tự tổ chức hoặc do trường học phối hợp với các cơ sở du lịch xây dựng những chương trình giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Qua đó, học sinh vừa được trải nghiệm cảm giác vui chơi du lịch, vừa học thêm nhiều kiến thức và kỹ năng thực hành trong cuộc sống.

Theo các chuyên gia giáo dục, du lịch giáo dục có thể giúp trẻ sáng tạo thông qua những trò chơi, thử thách mà mỗi tour đặt ra. Trí tưởng tượng của trẻ sẽ ngày càng phong phú, tác động rất tích cực đến khả năng học hỏi. Điều này sẽ giúp cho việc phát hiện ra khả năng tiềm ẩn của trẻ cũng như năng khiếu để phát triển trong công việc sau này được diễn ra sớm hơn.

Ở một vài chuyến đi, trẻ sẽ được học kĩ năng sống như dựng lều, nấu ăn không cần xoong chảo, cách sắp xếp đồ đạc ngăn nắp hoặc thậm chí là cách tự chăm sóc mình khi không có bố mẹ cạnh bên. Qua đó, trẻ rèn luyện tính tự giác, quản lý bản thân.

Đặc biệt, khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trẻ sẽ được tự mình trải nghiệm thông qua những hoạt động nhìn, cầm, ngửi, nếm và nghe những thứ xung quanh. Những hình ảnh, trải nghiệm đó sẽ được bộ não của trẻ lưu giữ, ghi nhớ lâu, hỗ trợ cho quá trình tư duy ngày thường của trẻ. Đồng thời, những hoạt động ngoài trời sẽ cho trẻ biết được về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Trẻ sẽ có ý thức hơn trong việc yêu thiên nhiên, tự giác được việc xả rác…

Dù học về kĩ năng sống, lịch sử hay một chủ đề nào khác, điều tuyệt vời nhất trong mỗi chuyến du lịch giáo dục chính là tạo cho trẻ em những hoài ức, kỉ niệm đẹp của tuổi ấu thơ. Với mỗi chuyến đi, trẻ sẽ có cơ hội tìm hiểu về một số ngành nghề hiện nay. Khi đó, trẻ có thể hình thành ước mơ, hoài bão của riêng mình. Từ đó cha mẹ sẽ có định hướng sớm cho trẻ về nghề nghiệp để có kế hoạch đầu tư một cách tiết kiệm mà hiệu quả hơn.

Du lịch học đường giúp học sinh tiếp cận bài học từ thực tế một cách dễ dàng, đồng thời gợi sự hứng thú, say mê nghiên cứu và học tập cho các em. Chương trình Giáo dục này được khuyến khích cho trẻ em từ 8 – 16 tuổi. Ở lứa tuổi này, các bạn trẻ bắt đầu có những nhận thức sâu sắc với cuộc sống và bị ảnh hưởng tính cách bởi môi trường học tập xung quanh.

Đáp ứng nhu cầu học đi đôi với hành

Năm học 2020-2021, lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào triển khai với học sinh lớp 1. Trong đó, hoạt động trải nghiệm là môn học bắt buộc nằm trong chương trình chính khóa, xuyên suốt các cấp học. Ở tiểu học được gọi là hoạt động trải nghiệm, ở THCS và THPT là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Hoạt động trải nghiệm ở bậc tiểu học giúp hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; Thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; Biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; Hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; Có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã tổ chức loại hình du lịch học đường. Tùy theo từng độ tuổi, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour tham quan phù hợp với chương trình học và khả năng tiếp nhận của học sinh. Với lứa tuổi mẫu giáo, nhiều trường chọn các điểm tham quan gần, có độ an toàn cao... Với học sinh phổ thông, các trường thường lựa chọn mô hình trang trại giáo dục, cho học sinh được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống nông nghiệp, trải nghiệm các công đoạn sản xuất nghề thủ công truyền thống hay tham gia trò chơi dân gian nhằm tăng cường vận động, bồi dưỡng kỹ năng sống, gia tăng khả năng làm việc nhóm...

Ngoài ra, nhiều trường cũng chọn tour tham quan, học tập tại các bảo tàng, di tích nhằm giúp các em tiếp cận và tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa. Theo các giáo viên, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trong đó có tham quan các di tích lịch sử không chỉ tạo cơ hội cho học sinh được tham quan, trải nghiệm mà còn giúp các em thêm hiểu và tự hào về thành phố nơi mình sinh sống ngay từ khi còn nhỏ.

Đặc biệt, chương trình học tập và giáo dục thông qua thực tế sẽ kích thích học sinh hứng thú, giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và ý nghĩa. Thầy giáo Phạm Đức Linh, Trường THCS Nguyễn Duy (Thừa Thiên Huế), chia sẻ: Việc tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm thực tế là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. Đồng thời, qua chương trình trải nghiệm còn rèn luyện tinh thần đồng đội, tính chủ động, sự khéo léo trong xử lý tình huống - những kỹ năng cần thiết cho các em học sinh.

Du lịch – trải nghiệm học tập ngày càng phổ biến ở Việt Nam là do nhu cầu mở rộng kiến thức và kinh nghiệm xã hội ngày càng tăng lên. Gia đình và nhà trường muốn trang bị cho học sinh những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng sống để các em có thể cân bằng giữa học và hành. Mặt khác, nhiều năm qua, phương pháp học truyền thống nặng về lý thuyết đã làm nhiều gia đình và học sinh nản lòng, việc học không hiệu quả.

Có thể nói, du lịch học tập đang là hướng đi đầy mới mẻ, giúp người học không nhàm chán, tạo nên sự sinh động bằng tham quan thực tế, rèn luyện kỹ năng thực hành. Bên cạnh đó, qua các chuyến tham quan, sự gắn kết giữa học sinh và nhà trường càng thể hiện rõ, học sinh thêm yêu quý những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Đáp ứng nhu cầu học đi đôi với hành, phương pháp song hành Du lịch với Giáo dục đã và đang được nhiều bậc phụ huynh Việt Nam quan tâm và ưa chuộng.

Tuy vậy, việc tổ chức tour học đường luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thương tích do trẻ em chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình, trong khi lợi nhuận không cao mà công tác tổ chức lại vất vả. Do đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành không mặn mà với du lịch học đường, còn các trường học không có được sự lựa chọn tốt nhất.

Vì vậy, muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch học đường, cần có sự phối hợp giữa các ngành Giáo dục và Du lịch để có chiến lược phát triển bài bản với những sản phẩm du lịch giáo dục chuyên nghiệp, có chiều sâu. Xu hướng này sẽ ngày càng phát triển, góp phần tạo ra một thế hệ du khách đi du lịch có trách nhiệm trong tương lai... 

Bùi Ái Nga
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Hướng tới dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp

Hướng tới dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp

2 năm trước

Các mô hình trung tâm công tác xã hội, bảo trợ xã hội cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em đã góp phần phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, hỗ trợ kịp thời...