THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 12:33

Đưa an ninh mạng vào trường học

29/09/2022 | 06:51
Ngày càng có nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội và Innternet để học tập, giao lưu cũng như giải trí. Bên cạnh những ích lợi thì không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Nhiều bài học đau lòng, những vụ việc đáng tiếc xảy ra một phần từ sự thiếu hiểu biết của chính các em về an toàn và an ninh mạng.
Cong an

Vì sao phải đưa an ninh mạng vào trường học?

Ngày 25/9/2016, em B.Ð.Q.H. (học sinh lớp 8, Trường THCS Âu Lâu, Yên Bái) treo cổ tự tử tại nhà do quá xấu hổ và hoảng sợ khi clip mình bị đánh, ép quỳ lạy trước cổng trường xin tha thứ trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác bị đăng tải trên mạng xã hội.

Vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa em B.Ð.Q.H. với em T.V.Ð. (học sinh lớp 7, cùng trường) từ vài ngày trước. Sau đó, T.V.Ð. có kể lại sự việc với phụ huynh. Ðến ngày 19/9, phụ huynh em Ð. cùng anh họ đã đến cổng Trường THCS Âu Lâu và có hành vi đánh đập em B.Ð.Q.H. như clip đã đăng tải trên mạng xã hội. Người quay lại clip em B.Ð.Q.H. bị đánh rồi tung lên mạng xã hội Facebook là một nữ sinh khối 8 cùng trường.

Trước đó, tháng 6/2013, P.U.N. - một nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở Ðà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử. Người nhà phát hiện và đưa N. đi cấp cứu kịp thời nên may mắn cứu được em. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, N. bị một trang fanpage viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ trên Facebook. Nhiều dân mạng đã a dua chỉ trích, xúc phạm N. thậm tệ. Quá mệt mỏi, N. tìm đến cái chết.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc các em học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội đã được báo chí thông tin trong thời gian qua. Nếu như các em được gia đình và nhà trường giáo dục đầy đủ các kiến thức và hiểu biết pháp luật về an ninh mạng thì có thể những sự việc đau lòng đã không xảy ra.

Ngày nay, việc học sinh sử dụng Internet là tất yếu, nhưng việc các em dùng Internet không đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần và gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như: bị lộ thông tin cá nhân, bị bắt nạt, bị lừa đảo, bị quấy rối, thậm chí là bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, bị dụ dỗ làm những việc xấu, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng… Ðiều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có những hành động cụ thể và thiết thực để bảo vệ học sinh trên môi trường mạng.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo giao lưu cùng các học sinh Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Ảnh: NVCC

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo giao lưu cùng các học sinh Trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Ảnh: NVCC

Ngày 24/11/2020, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành Thông tư số 46/2020/TT-BGDÐT quy định về Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT, trong đó có nội dung về an ninh mạng. Việc đưa an ninh mạng vào trường học có tác dụng phòng ngừa, hạn chế tác động tiêu cực của Internet tới các em học sinh, nhất là học sinh lứa tuổi THPT.

Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, việc tuyên truyền Luật An ninh mạng cho học sinh là hết sức cần thiết và quan trọng, giúp nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của học sinh về những nội dung cơ bản của pháp luật, các hành vi vi phạm phổ biến trên môi trường mạng và hình thức xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật cho học sinh khi hoạt động trên môi trường mạng, sử dụng mạng xã hội có văn hóa cũng như phòng tránh những hành vi vi phạm và những rủi ro khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Qua đó, giúp các em học sinh có thể tự bảo vệ mình và tuyên truyền cho người thân, bạn bè hiểu rõ hơn về Luật An ninh mạng, lợi ích và mặt trái của mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cũng cho biết, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Ðiều 29, Luật An ninh mạng 2018 quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Các doanh nghiệp phải đảm bảo kiểm soát nội dung để không gây nguy hại cho trẻ em; đồng thời, xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em…

Chung tay tuyên truyền an ninh mạng cho học sinh

Không chỉ có Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành Thông tư đưa an ninh mạng vào trường học để phòng ngừa, hạn chế tác động tiêu cực của Internet tới các em học sinh THPT, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 716/QÐ-BTTTT ngày 26/5/2021 thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới là tổ chức phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 830/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.

Công an thị trấn Sóc Sơn mời các chuyên gia từ Học viện Cảnh sát về giảng dạy về Luật An ninh mạng cho các em học sinh Trường THPT Đa Phúc, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Lê Thắm

Công an thị trấn Sóc Sơn mời các chuyên gia từ Học viện Cảnh sát về giảng dạy về Luật An ninh mạng cho các em học sinh Trường THPT Đa Phúc, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Lê Thắm

Chương trình đặt ra mục tiêu 100% các trường tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. Phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ðể thực hiện được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp gồm: Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật…

Và hiện nay, nhiều đơn vị, tổ chức xã hội như Công an, Ðoàn Luật sư, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Google, Facebook… đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện để tuyên truyền các kiến thức về an toàn và an ninh mạng cho các em học sinh, sinh viên trên cả nước. Tuy nhiên, để cung cấp các kiến thức về an toàn và an ninh mạng một cách toàn diện, sâu rộng và thường xuyên, vẫn là sự cần thiết phải có những tiết học về lĩnh vực này như một môn học cho học sinh ngay từ bậc THCS vì độ tuổi học sinh tham gia vào mạng xã hội và Internet đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Phương Anh
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Học sinh Đà Nẵng và Bình Định đi học trở lại vào ngày 29/9

Học sinh Đà Nẵng và Bình Định đi học trở lại vào ngày 29/9

1 năm trước

Sau khi nghỉ học để phòng tránh bão Noru, học sinh ở TP. Đà Nẵng và Bình Định sẽ trở lại trường vào ngày mai (29/9).
Hoa Kỳ hỗ trợ thêm 10 hệ thống oxy lỏng cho các bệnh viện của Việt Nam

Hoa Kỳ hỗ trợ thêm 10 hệ thống oxy lỏng cho các bệnh viện của Việt Nam

1 năm trước

Ngày 27/9, theo thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố sẽ tài trợ hệ thống oxy lỏng cho thêm 10 bệnh viện tại Việt Nam. Như vậy,...
Nâng cao nhận thức về Luật Giao thông cho học sinh ở Hải Phòng

Nâng cao nhận thức về Luật Giao thông cho học sinh ở Hải Phòng

1 năm trước

Vừa qua, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TP. Hải Phòng) tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho thầy cô giáo và hơn 2.000 học sinh Trường...