THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:10

Đừng biến con thành nạn nhân của bạo lực gia đình

28/09/2021 | 09:48
Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đây không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là của cả xã hội.

Nỗi ám ảnh quá khứ sẽ còn đeo bám mãi…

Gần đây vụ việc một bé gái 12 tuổi ở quận Hà Đông, Hà Nội thường xuyên bị mẹ đẻ bạo hành, bị người tình của mẹ đánh đập và xâm hại tình dục nhiều lần, đã gây rúng động dư luận. Nhiều vụ xâm hại trẻ em cũng liên tiếp được phản ánh thời gian qua, nhưng giải pháp nào để việc thực thi và thực hiện Quyền trẻ em, Luật Trẻ em, cũng như ngăn chặn và ứng phó bạo lực đối với trẻ em vẫn là một trăn trở. 

Những vết thương trên người bé gái 12 tuổi ở Hà Đông do bị đánh đập khiến dư luận phẫn nộ (ảnh: KT)

Những vết thương trên người bé gái 12 tuổi ở Hà Đông do bị đánh đập khiến dư luận phẫn nộ (ảnh: KT)

Các hình thức xâm hại, bạo lực đối với trẻ em rất đa dạng như: Xâm hại và bóc lột tình dục; bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bỏ rơi, bỏ mặc... Trẻ sống với cha dượng, với mẹ kế hoặc sống trong gia đình có bạo hành, vợ chồng ly hôn, thất nghiệp, lạm dụng bia, rượu và các chất kích thích, có nguy cơ bị bạo hành cao hơn những đứa trẻ khác.

Trẻ em rất cần được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng đáng buồn là nhiều trường hợp trẻ bị bạo lực do chính phụ huynh, những người ruột thịt trong gia đình gây ra. Vẫn còn nhiều cha mẹ cho rằng “thương” phải “cho roi cho vọt” và đánh con được xem như một hình thức giáo dục. Nhiều trường hợp cha mẹ quá lạm dụng roi vọt trong việc dạy dỗ, vô tình đã biến con mình trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Khi trẻ không được bảo vệ kịp thời, phải đơn độc đương đầu với những nỗi đau tinh thần và thể xác, sau này dù trẻ có được bảo vệ trong sự muộn màng thì nỗi ám ảnh quá khứ sẽ còn đeo bám mãi.

Theo thống kê, trong năm 2020 cả nước phát hiện 2.008 em bị xâm hại dưới nhiều hình thức và số vụ việc tương tự chưa có dấu hiệu giảm trong đầu năm 2021.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định, những hành vi bạo lực gia đình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tinh thần của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Nghiêm trọng hơn, một số trẻ có những suy nghĩ bồng bột và có thể những hành vi nguy hiểm như tự tử. Vì thế, cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục giúp các bậc phụ huynh thay đổi nhận thức và hành vi trong cách giáo dục con. Ngoài ra, mọi người dân cũng cần nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về pháp luật cũng như quyền được bảo vệ của trẻ em.

Bảo đảm cho trẻ được sống trong môi trường an toàn

Chia sẻ về việc làm thế nào xây dựng môi trường sống an toàn cho các em ngay từ trong gia đình, chị Mai Hương (Hà Nội) cho rằng, phụ huynh nên quan tâm đến con mình nhiều hơn. Hãy trò chuyện gần gũi hơn với con hoặc trở thành bạn của con để hiểu con, tránh mâu thuẫn không đáng có giữa cha mẹ và con. Phụ huynh nên có niềm tin dành cho con, tìm hiểu cặn kẽ khi có nghi vấn thay vì luôn mắng và đổ lỗi cho con. Thay vì luôn quát mắng và đổ lỗi cho con, cha mẹ hãy tìm hiểu cặn kẽ khi có nghi vấn. Đồng thời, không nên sử dụng bạo lực và có quan niệm “con của mình mình có quyền đánh”. Những hành động bạo lực chẳng những gây ra tổn thương tinh thần cho trẻ mà nó còn khiến trẻ có khuynh hướng bạo lực hơn.

Anh Đức Hùng (Hải Phòng) chia sẻ, cha mẹ nên giáo dục trẻ về nạn bạo hành để trẻ có thể nhận biết mình là nạn nhân hay không, đồng thời biết cách cầu cứu thay vì im lặng chịu đựng. Khi phát hiện (hoặc nghi ngờ) trẻ bị bạo hành, nên gọi cho đường dây nóng 111 để báo, đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra, cách ly trẻ với đối tượng gây bạo hành. Trẻ em nên được ở trong môi trường an toàn để phục hồi hoàn toàn. Càng trì hoãn và phớt lờ vấn đề bạo lực, hậu quả càng tồi tệ, có khi các bậc phụ huynh phải trả giá bằng chính mạng sống của trẻ.

Ở góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam cho rằng để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phải chú trọng công tác phòng ngừa là chính, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện; Kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; Tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em. 

Bảo Ngọc
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...