THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 07:58

Đừng để điện thoại thông minh cản trở sự phát triển toàn diện trẻ em

08/10/2021 | 20:57
Điện thoại thông minh cùng những ứng dụng đi kèm, đặc biệt là mạng xã hội, đã tạo ra cuộc cách mạng về giao tiếp, thậm chí cả quá trình làm việc, giải trí của con người. Tuy nhiên, điện thoại thông minh cũng kéo theo không ít rắc rối đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.

59% trẻ em Việt Nam từ 6-9 tuổi tuổi tiếp cận thiết bị số

Theo Báo cáo Digital 2020 toàn cầu của We Are Social kết hợp Hootsuite, Việt Nam có 96,9 triệu dân, số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước); số lượng người dùng Internet là 68,17 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân) tăng 7 triệu tài khoản so với năm 2019.

Hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24), theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Chưa có một thống kê toàn diện nào về số trẻ em dưới 15 tuổi sử dụng các thiết bị số tại Việt Nam, tuy nhiên đã có một tổ chức tiến hành cuộc khảo sát lần đầu tiên ở Việt Nam về việc trẻ em sử dụng các thiết bị số như máy tính bảng, điện thoại ở quy mô vừa đã cho ra những con số đáng lo ngại.

Kết quả khảo sát xã hội “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh ở trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM đã chỉ ra, 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, trẻ từ 3-5 tuổi chiếm 59%, trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%; trung bình trẻ dùng thiết bị số từ 30-60 phút/ngày. Tuy nhiên, vào những ngày nghỉ trong tuần hoặc dịp lễ, Tết, phụ huynh thường có xu hướng cho trẻ sử dụng thiết bị số nhiều hơn so với ngày thường.

Khảo sát được tiến hành trong tháng 10/2014 tại 4thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ với 1.051 người là cha mẹ của 1.802 trẻ em từ 3-12 tuổi.

Cha mẹ không nên để trẻ bậc Tiểu học sử dụng điện thoại thông minh quá 1 tiếng/ngày.

Cha mẹ không nên để trẻ bậc Tiểu học sử dụng điện thoại thông minh quá 1 tiếng/ngày.

Trẻ em dưới 15 tuổi thường không được trang bị điện thoại thông minh, các em được cha mẹ cho phép mượn điện thoại để chơi. Nhiều bậc phụ huynh thú nhận rằng đây là một cách “giữ trẻ” khi họ không thể vui đùa, trò chuyện cùng con cái.

Thời gian tiêu tốn vào điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khiến trẻ bị hao hụt thời gian dành cho học tập, ngủ nghỉ và các hoạt động thể chất cũng như các tương tác xã hội khác... Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ em.

Làm thế nào để trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh?

Theo Giáo sư người Nhật Yoshihiko Morotomi – tác giả của cuốn sách “Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh”, điện thoại thông minh gây ra 6 tác hại lớn tới trẻ em:

Thứ nhất, nó tạo ra sự lệ thuộc, khiến hoạt động não bộ trở nên bất bình thường.

Thứ hai là giảm sút học lực do trẻ bị cuốn theo thông tin trên mạng và không còn nhiều thời gian dành cho việc  học.

Thứ ba là tạo ra các rắc rối liên quan đến mối quan hệ của trẻ với bạn bè, gia đình, xã hội.

Thứ tư là khiến trẻ dễ phải đối mặt với nạn bắt nạt trên mạng xã hội.

Thứ năm là những rắc rối tổn thương có thể hoặc chưa thể cấu thành tội phạm.

Cuối cùng, ảnh hưởng thứ sáu là có thể khiến trẻ mất đi khả năng suy nghĩ, năng lực sống do lệ thuộc vào điện thoại thông minh.

Đây là những điều khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi phải cho con sử dụng điện thoại thông minh.

Để không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh, Giáo sư Yoshihiko lưu ý các bậc phụ huynh 8 hướng dẫn sau:

1. Không nên nói với con rằng: Bố mẹ mua điện thoại này cho con. Hãy nói: Bố mẹ cho con mượn chiếc điện thoại này của bố mẹ và con phải tuân thủ các quy tắc chúng ta sẽ cùng thảo luận sau đây.

2. Cùng con quyết định các quy tắc sử dụng trước khi cho con dùng điện thoại.

3. Hạn chế con sử dụng điện thoại trong phòng riêng. Tốt nhất là cho phép con sử dụng điện thoại dưới sự có mặt của cả gia đình.

4. Quy định thời gian dùng tối đa 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày với học sinh trung học phổ thông. Không dùng sau 9 giờ tối.

5. Sử dụng bộ lọc quy định những nội dung cấm.

6. Quy định hạn mức tiền cho các khoản như nạp tiền liên lạc, chơi trò chơi điện tử hay các ứng dụng khác.

7. Thảo luận sẵn phương án xử lý khi con không tuân theo các quy tắc đã đề ra. Hãy in nội dung này và dán vào những nơi dễ nhìn thấy như trên cửa tủ lạnh.

8. Không chỉ con trẻ mà ngay cả bố mẹ cũng cần phải tuân thủ các quy tắc đã đề ra về sử dụng điện thoại thông minh.

Cha mẹ hạn chế thời gian con sử dụng điện thoại thông minh bằng cách khuyến khích trẻ tăng cường vận động.

Cha mẹ hạn chế thời gian con sử dụng điện thoại thông minh bằng cách khuyến khích trẻ tăng cường vận động.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử và trẻ em từ 2 - 4 tuổi không nên ngồi yên một chỗ và sử dụng màn hình điện tử quá 1 giờ mỗi ngày.

Bài và ảnh: Thanh Huyền
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...