THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 03:40

Đừng để trẻ sợ hãi vì những điều cha mẹ làm

15/12/2022 | 18:56
Mọi trẻ em đều có những lúc hành xử chưa đúng đắn. Đôi khi, hành vi của trẻ vượt quá khả năng chịu đựng của cha mẹ. Nhưng quát tháo chỉ gây ra cho trẻ và cả cha mẹ thêm áp lực, bực tức. Đòn roi cũng không giúp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Nhiều cha mẹ tích cực tham gia các khóa học làm cha mẹ và nuôi dạy con tích cực. Ảnh M. Hiên

Nhiều cha mẹ tích cực tham gia các khóa học làm cha mẹ và nuôi dạy con tích cực. Ảnh M. Hiên

Làm gì để hạn chế các tình huống khiến cha mẹ bực mình với trẻ và thúc đẩy hành vi tích cực của con trẻ? Những điều bổ ích dưới đây có thể giúp cha mẹ kiềm chế sự tức giận và áp dụng phương pháp kỉ luật tích cực đối với trẻ:

Nói với con về hành vi mà bố mẹ mong muốn ở con

Khi muốn con làm một điều gì đó, hãy nói cụ thể hành vi bạn mong muốn con làm thay vì phàn nàn. Ví dụ: "Con hãy cất đồ chơi vào hộp" (thay vì nói "Đừng có mà làm bừa bộn thế này!"). Trẻ thường sẽ làm theo những gì chúng ta chỉ dẫn và không ngừng khen ngợi khi con làm đúng.

Ngăn chặn hành vi xấu của trẻ

Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu bứt rứt, cáu kỉnh hoặc mè nheo, cha mẹ có thể đánh lạc hướng bằng những hoạt động thú vị và vui vẻ, ví dụ: "Lại đây con, chúng ta cùng ra ngoài một chút nhỉ?". Nhận biết hành vi xấu một cách sớm nhất và hướng sự chú ý của con trẻ tới một hành vi tốt thay vì tập trung vào hành vi xấu. Hãy Ngăn chặn hành vi xấu trước khi nó bùng phát!

Hít thở sâu và giữ bình tĩnh

Bạn cảm thấy mình như chuẩn bị quát mắng trẻ? Nhưng quát tháo chỉ gây ra cho chúng và cả chính bạn thêm áp lực và bực tức. Do đó, hãy hướng sự tức giận của mình vào hành động của trẻ, đừng hướng sự tức giận của bạn vào trẻ. Hãy đảm bảo trẻ hiểu bạn không thích việc trẻ làm, nhưng bạn vẫn yêu và quan tâm đến trẻ. Nếu bạn mất bình tĩnh, sau lúc đó bạn hãy nói xin lỗi trẻ.

Không bao giờ đánh, làm tổn thương hoặc mắng chửi trẻ. Khi bạn cảm thấy cơn tức giận trong người đang tăng lên và bạn sợ rằng mình có thể làm đau trẻ, bạn nên làm những điều sau:

Rời đi: Hãy để trẻ tại một nơi an toàn ví dụ như ở trong cũi. Rời khỏi phòng. Việc để trẻ một mình trong một thời gian ngắn sẽ tốt hơn so với việc có khả năng bạn sẽ làm đau trẻ.

Bình tĩnh lại: Không tét đít, lắc hoặc đánh trẻ. Hãy tìm cách để bình tĩnh lại mà không làm trẻ bị đau.

Gọi sự trợ giúp: Hãy gọi bạn bè, thành viên gia đình hoặc người nào mà bạn tin cậy và có thể giúp bạn.

Không nên để trẻ sợ hãi vì những điều cha mẹ làm. Đánh đòn không dạy trẻ biết cách cư xử như thế nào. Đánh đòn chỉ làm cho trẻ sợ hãi và oán giận. Đòn roi không giúp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Trẻ không nên cảm thấy sợ hãi vì những điều bạn có thể làm.

Nếu trẻ cảm thấy sợ rằng bạn sẽ đánh đòn trẻ, trẻ sẽ làm theo những gì bạn muốn bởi vì trẻ sợ hãi chứ không phải bởi vì trẻ hiểu tại sao hành vi này lại sai. Một đứa trẻ bị đánh đòn có xu hướng đánh những người khác và gặp vấn đề về hành vi nhiều hơn.

Đòn roi dạy trẻ rằng: Được phép đánh người khác khi họ làm những điều mà bạn không thích. Người lớn được phép đánh người bé hơn. Cảm thấy sợ hãi và ghét người đánh mình. Cảm thấy sợ người lớn.

Cha mẹ hãy tự cho mình 10 giây để dừng lại. Hít thở chậm rãi 5 lần. Sau đó cố gắng trả lời trẻ bằng một thái độ bình tĩnh hơn.

Đòn roi chính là một hình thức bạo lực với trẻ - một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản pháp quy liên quan đã quy định trẻ em được bảo vệ dưới mọi hình thức. Những hành vi trừng phạt trẻ em như, đánh, mắng chửi, miệt thị... là vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em. Những hành vi vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Nhưng tiếc rằng, hành vi làm tổn thương trẻ cả về thể chất và tinh thần vẫn diễn ra, do chính cha mẹ - người đáng lẽ phải yêu thương con trẻ nhất gây ra. Đáng tiếc hơn, nhiều phụ huynh vẫn xem hành vi đó là điều bình thường, cha mẹ có quyền dạy con theo cách của họ.

Thực tế hiện nay, trẻ dường như có xu hướng cãi lại cha mẹ, người lớn nhiều hơn, thậm chí tỏ thái độ khinh thường, bất cần sự dạy dỗ từ cha mẹ. Điều đó đang dần chứng minh, dạy con bằng đòn roi, quát mắng không phải phương pháp mang lại hiệu quả thực sự. Tiến sĩ tâm lý học Lê Tuyết Mai, bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức, chia sẻ: “Sử dụng đòn roi sẽ có hiệu quả ngay lập tức. Nó có sức mạnh trực tiếp khiến trẻ dừng ngay hành động, lời nói được người lớn cho là không ngoan, không nghe lời. Nhưng tác hại của phương pháp này rất lớn. Trẻ bị đòn roi chấp nhận dừng hành vi phạm lỗi của mình trong ép buộc chứ không phải do trẻ nhận thức được sai như thể nào, vì sao bị quát, bị đánh. Đòn roi tạo nên khoảng cách giữa trẻ và cha mẹ. Nó khiến cho trẻ khó mở lòng, tâm sự với cha mẹ. Đòn roi có thể tạo nên những tổn thương tâm lý, tinh thần với trẻ mà nó có thể trở thành vết sẹo tinh thần theo trẻ cả cuộc đời. Hầu hết những trẻ lớn lên trong đòn roi có xu hướng phát triển lệch lạc. Trẻ có chiều hướng tự ti, nhút nhát, không dám thể hiện bản thân vì sợ sai. Hoặc trẻ chống đối lại bố mẹ, thường ngỗ ngược, có xu hướng sử dụng bạo lực với những kẻ yếu hơn mình. Nhiều trường hợp, do chịu nhiều đòn roi, trẻ trở nên lỳ lợm, ương bướng, nhờn đòn. Trẻ chịu đòn roi thường xuyên và chứng kiến bạo lực hằng ngày đến một mức nào đó chúng sẽ cho rằng bạo lực là cách thức duy nhất, nhanh nhất để giải quyết mâu thuẫn và đạt mục đích cũng như thể hiện sức mạnh của bản thân. Có thể thấy, sự phản tác dụng của bạo lực rất lớn. Do vậy, trong dạy con, đòn roi không đi cùng tình thương hiếm khi làm trẻ nên người”.

Chỉ cho trẻ thấy hệ quả của hành hành vi

Việc chỉ cho trẻ thấy được hệ quả sẽ dạy trẻ có trách nhiệm hơn với những gì trẻ gây ra, qua đó trẻ sẽ tuân thủ kỷ luật hơn. Đây là một biện pháp hiệu quả hơn so với sử dụng bạo lực hay quát mắng.

Cho trẻ cơ hội để khắc phục hậu quả hoặc sửa lỗi bằng 1 việc có ích khác. Trẻ sẽ thấy rằng không bao giờ là quá muộn để trở nên tốt hơn.

Khen ngợi khi con trẻ thể hiện hành vi đúng đắn

Dành thời gian với trẻ, khen ngợi khi trẻ cư xử đúng đắn, thiết lập lịch trình sinh hoạt cố định sẽ giúp trẻ bớt đi những hành vi xấu. Giao cho trẻ những công việc đơn giản và đảm bảo phù hợp với khả năng của trẻ. Nhớ khen ngợi một cách cụ thể và hợp lý khi con làm được việc đó, hoặc đã rất nỗ lực để làm. Có thể trẻ không có phản hồi gì, nhưng bạn sẽ thấy con tiếp tục làm điều tốt tương tự. Việc khen ngợi cũng cho trẻ thấy rằng cha mẹ đang dành sự quan tâm và yêu thương đến trẻ.

Empty
Vân Nhi
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực trẻ em

Xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực trẻ em

1 năm trước

Thời gian gần đây, xảy ra rất nhiều vụ trẻ em bị cha mẹ bạo hành. Người lớn thường vì các lý do bực bội, tức giận nên có những hành vi bạo lực với trẻ ở nhiều mức độ. Việc...
Tạm đình chỉ nhóm trẻ tư thục ở Đà Nẵng nghi bạo hành trẻ em

Tạm đình chỉ nhóm trẻ tư thục ở Đà Nẵng nghi bạo hành trẻ em

1 năm trước

Nhóm trẻ tư thục Hoa Anh Đào, thành phố Đà Nẵng bị tạm đình chỉ hoạt động trong 10 ngày để xác minh làm rõ nội dung tố cáo trường có hành vi bạo hành trẻ em.
UNFPA kêu gọi 1,2 tỷ USD để hỗ trợ phụ nữ và bé gái bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng

UNFPA kêu gọi 1,2 tỷ USD để hỗ trợ phụ nữ và bé gái bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng

1 năm trước

Ngày 13/12, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kêu gọi huy động 1,2 tỷ USD vào năm 2023 cho các hoạt động hỗ trợ 66 triệu phụ nữ, trẻ em gái và thanh niên đang đối mặt với khủng hoảng ở 65...