THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 06:20

Đuổi con khỏi nhà - cha mẹ vi phạm quyền trẻ em

20/02/2022 | 07:11
Trong lúc nóng giận, có lẽ không ít cha mẹ đã từng dọa nạt, đuổi con ra khỏi nhà. Tuy nhiên, với hành vi này, cha mẹ đang vi phạm pháp luật?
Cha mẹ không nên áp dụng hình phạt đuổi trẻ khỏi nhà dù là với mục đích dọa dẫm để trẻ sợ mà sửa lỗi. Ảnh minh họa

Cha mẹ không nên áp dụng hình phạt đuổi trẻ khỏi nhà dù là với mục đích dọa dẫm để trẻ sợ mà sửa lỗi. Ảnh minh họa

Đừng để cả giận mất khôn!

Những câu “Ra khỏi nhà”, “Ði đi cho khuất mắt”, “Ðừng ở nhà nữa”, “Cút đi”… từ nhà đối diện vang lên khiến chị Nga chú ý. Chị mở cửa nhìn ra thì thấy bé Nam (7 tuổi) đang thút thít khóc ngoài cánh cửa gỗ. Nguyên nhân của sự việc là do bé Nam đã không viết xong bài chính tả trước khi mẹ đi làm về. Không những vậy, bé còn làm đổ cả lọ mực loang ra hết chồng sách vở trên bàn. Vì đây không phải là lần đầu tiên bé Nam mắc lỗi này nên trong lúc tức giận, chị Phương (mẹ bé) đã đuổi con ra khỏi nhà nhằm dọa cho bé sợ.

Cũng như chị Phương, nhiều bậc cha mẹ thường la mắng nặng nề hay đuổi con ra khỏi nhà để trừng phạt khi con hư. Tuy nhiên, dù chỉ là để dọa trẻ nhưng việc này ít nhiều đều gây nên những tổn thương tâm lý cho con. Trẻ con non nớt, chưa hiểu thế nào là dọa và thật. Trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không yêu thương mình, không cần mình nữa. Từ đó, nỗi lo sẽ khiến trẻ luôn buồn phiền, mất niềm tin, khủng hoảng tâm lí và có thể bị trầm cảm…

Với những đứa trẻ ương bướng, liều lĩnh thì hậu quả của hình phạt đuổi khỏi nhà thực sự rất khó lường. Ðôi khi còn phản tác dụng, trẻ không những không sợ mà có thể sẽ nhờn với câu nói của bố mẹ và ngày càng hư hơn. Cũng có trẻ vì ám ảnh câu nói trước đó, tưởng những câu dọa đuổi khỏi nhà của bố mẹ là thật, sợ bố mẹ không thương mình nữa, không cần mình nữa và khi lỡ làm sai điều gì trẻ sẽ bỏ nhà đi luôn.

Ðến giờ, nhớ lại chuyện cả nhà hốt hoảng đi tìm con cách đây mấy tháng mà anh chị Duyên - Hà (Vĩnh Phúc) vẫn còn toát mồ hôi hột. Trong một lần bắt gặp con vừa học online vừa chơi điện tử, anh Hà đã nóng giận đuổi con ra khỏi nhà. Lúc đầu, nhìn qua khe cửa, anh chị vẫn thấy cu Huy (11 tuổi) đứng nép vào góc tường. Tuy nhiên, đến 7h tối, khi mở cửa để con xin lỗi rồi vào ăn cơm thì anh chị giật mình không thấy con đâu nữa. Cả nhà nháo nhào tỏa đi các hướng tìm con, nhưng cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy cu Huy đâu. Lo cho sự an toàn của con, chị Duyên bắt đầu hoảng loạn, khóc mếu làm cả nhà lại càng hoang mang hơn. Ðúng lúc đó, bà hàng xóm sát nhà gọi điện bảo mình đi tập thể dục ở công viên và gặp bé Huy đang ngồi trên ghế đá khóc, lát sẽ dẫn bé về. “Cũng may, con không đi xa và chưa làm điều gì dại dột, nếu không thì bố mẹ ân hận cả đời”, chị Duyên nói.

Trẻ em có quyền được sống chung với cha mẹ. Ảnh minh họa

Trẻ em có quyền được sống chung với cha mẹ. Ảnh minh họa

Cha mẹ không có quyền đuổi con khỏi nhà

Khi sinh con, cha mẹ có thêm trách nhiệm và nghĩa vụ về tình cảm cũng như pháp luật. Về mặt tình cảm, bạn có trách nhiệm yêu thương, dạy dỗ và bảo vệ con. Về pháp luật, bạn có nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng con cho tới khi con trưởng thành.

Luật Trẻ em năm 2016 có nhiều quy định chi tiết và rõ ràng về vấn đề này. Trong Chương I, Ðiều 6 về “Các hành vi bị nghiêm cấm” có Khoản 2 quy định nghiêm cấm “Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ”; Chương II nói về “Quyền và bổn phận của trẻ em”, Ðiều 22 quy định cụ thể về “Quyền được sống chung với cha mẹ: Trẻ em có quyền được sống chung với cha mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách li cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”; Chương V, Ðiều 75 về “Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình” quy định rất rõ trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình như Khoản 1 “Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình” và Khoản 3 “Tạo điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với những quyết định, vấn đề của gia đình liên quan đến trẻ em”. Chương VI, Ðiều 98 về “Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em” có ghi rõ: “Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi; thường xuyên liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để được hướng dẫn, trợ giúp trong quá trình thực hiện trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.”

Vì vậy, để không vi phạm luật, cha mẹ có nóng giận đến mấy cũng không nên đuổi con ra khỏi nhà. Vấn đề cốt lõi trong quá trình giáo dục con trẻ là cha mẹ phải biết cách kiềm chế cơn nóng giận, tránh những lời nói gây tổn thương và có khi còn dẫn tới những hậu quả khó lường.

Theo các chuyên gia, khi quá nóng giận, cha mẹ hãy phạt trẻ tại chỗ còn mình tránh đi, lấy lại bình tĩnh rồi mới nói chuyện với con sau. Hãy lựa lời nói nhẹ nhàng, khuyến khích con nhận lỗi để tiến bộ, cho con có cơ hội sửa sai. Cách khiến con gần gũi và ngoan ngoãn chính là bố mẹ hãy trở thành người bạn, để trẻ tin tưởng và chia sẻ những khó khăn, khúc mắc của bản thân.

Hồng Trần
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Tặng xe đạp và hợp đồng bảo hiểm cho trẻ em nghèo tại Kiên Giang

Tặng xe đạp và hợp đồng bảo hiểm cho trẻ em nghèo tại Kiên Giang

2 năm trước

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vừa phối hợp Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam trao tặng 120 xe đạp, 8 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ miễn phí cho trẻ em nghèo tại tỉnh Kiên Giang.
Trẻ học được gì qua những câu chuyện cổ tích?

Trẻ học được gì qua những câu chuyện cổ tích?

2 năm trước

Chuyện cổ tích từ lâu đã gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Những câu chuyện cổ tích qua giọng kể ấm áp của bà, của mẹ đã giúp nhiều đứa trẻ dù chưa biết đọc, viết...
Nghẹn lòng với cậu bé 9 tuổi tố “cha dượng xấu xa, không cho ăn”

Nghẹn lòng với cậu bé 9 tuổi tố “cha dượng xấu xa, không cho ăn”

2 năm trước

Cậu bé 9 tuổi tâm sự: “Dượng thương mẹ, không thương con” trong chương trình "Điều con muốn nói" khiến bà ngoại và Ốc Thanh Vân nhói lòng.