THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 08:38

Đuối nước trẻ em chưa đến hè đã “nóng”!

16/04/2022 | 13:09
Mùa hè còn chưa tới nhưng những vụ đuối nước trẻ em thương tâm đã liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.
Hiện trường nơi 4 học sinh nữ tử vong vì đuối nước. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện trường nơi 4 học sinh nữ tử vong vì đuối nước. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Đau lòng những cái chết bất ngờ

Chiều 4/4, 5 học sinh cùng thôn Xử Nhân 2, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến trường nhưng được thông báo nghỉ học nên rủ nhau ra đập tràn sông Mộc Khê, đoạn chảy qua khu vực giáp ranh xã Thiệu Duy và Thiệu Hợp chơi đùa, tắm sông. Tối cùng ngày, các gia đình không thấy con trở về nên đi tìm, phát hiện xe đạp, điện thoại trên bờ, song không thấy người nên nghi vấn các em bị đuối nước.

Hơn 30 cảnh sát cứu hộ và hàng chục người dân lặn tìm khắp khúc sông. 3h sáng ngày 5/4, thi thể bé Mai Thanh H. và Lê Phương N. đã được tìm thấy. 3 nạn nhân còn lại gồm Lê Thị Bích P., Lê Thị Thái T. và Lê Bảo T. được tìm thấy vào 11h30 cùng ngày.

Ngày 3/4, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 4 học sinh nữ tử vong.

Khoảng 14 giờ ngày 3/4, một nhóm học sinh nam và nữ tuổi từ 12 - 15 (đang học lớp 7 đến lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) rủ nhau đi chơi và tắm tại hồ Suối Các. Trong lúc tắm, 4 em nữ bị đuối nước tử vong. 

Theo người dân địa phương, hồ Suối Các rất sâu và có nhiều vực nguy hiểm, nơi này từng xảy ra nhiều vụ đuối nước.

Trước đó không lâu, rủ nhau đi tắm sông giữa trưa, 3 trẻ em tại Ðiện Biên không may bị đuối nước tử vong. Sự việc đau lòng xảy ra vào khoảng 13 giờ 20 phút, chiều 30/3, tại bản Pá Vạt, xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Ðiện Biên.

Vào thời điểm trên, 4 trẻ em rủ nhau ra khu vực sông Mã để tắm. Trong đó, 3 cháu B, T, K đã xuống sông tắm trước và bị đuối nước. Cháu nhỏ còn lại phát hiện sự việc đã gọi người lớn đến ứng cứu nhưng không kịp.

Ðược biết, cả 3 trẻ em tử vong đều là học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Mường Luân, điểm trường Pá Vạt.

Boi

Đuối nước trẻ em: Giảm về số vụ nhưng tỷ lệ so với khu vực vẫn cao

Theo số liệu của Bộ LÐ-TB&XH cho biết, năm 2010, Việt Nam có khoảng 3.300 trẻ em thiệt mạng do đuối nước; năm 2020, số trẻ em bị tai nạn đuối nước giảm xuống còn 2.085 em. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số cao so với các nước trong khu vực Ðông Nam Á cũng như các nước phát triển. Ðuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em ở Việt Nam trong độ tuổi từ 2-15.

Số liệu thống kê của Bộ GD&ÐT cho biết thêm, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng với 76,6%, tại gia đình là 22,4% và 1% số vụ xảy ra tại các trường học. Hơn 55% trẻ em tử vong do đuối nước sống trong các hộ gia đình có điều kiện kinh tế nghèo, tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn.

Sở dĩ, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước còn cao là do nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em còn hạn chế. Sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa được chú trọng. Các địa phương, các cơ sở giáo dục thiếu hướng dẫn viên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học bơi. Nhiều trẻ không được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Ý thức chấp hành các quy định an toàn trong vận tải đường thủy chưa cao. Trong khi thực tế cuộc sống lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước, các ao, hồ, kênh, mương, sông, suối, hố nước công trình… thiếu biển báo, rào chắn.

Hiện nay, số trẻ em Việt Nam biết bơi còn thấp. Nhiều em biết bơi nhưng thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước như kỹ năng cứu bạn, kỹ năng tránh những vùng nước nguy hiểm (nước xoáy), cách xử lý khi bị chuột rút…

Ngày 4/4/2022, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có Công điện số 01/CÐ-UBQGVTE gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em.

Công điện nêu rõ, từ đầu năm 2022, đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, trong đó có những vụ đuối nước làm nhiều trẻ em tử vong; dự báo tình trạng đuối nước trẻ em có nguy cơ gia tăng do học sinh trở lại trường học sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến; du lịch mùa hè thu hút số lượng lớn du khách, trong đó có trẻ em.

Ðể bảo đảm môi trường sống an toàn, cứu sinh mạng trẻ em, đặc biệt phòng, chống đuối nước trẻ em, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em trong đó có phòng, chống đuối nước cho trẻ em và Quyết định số 1248/QÐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030…

Trẻ em cần được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về phòng, chống đuối nước. Ảnh: KT

Trẻ em cần được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về phòng, chống đuối nước. Ảnh: KT

Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, để giảm thiểu tối đa các vụ đuối nước trẻ em, không thể không nhắc tới vai trò của gia đình và nhà trường.

Gia đình và nhà trường cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống đuối nước cho trẻ em. Hướng dẫn trẻ nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn gây đuối nước và cách phòng tránh như: không tắm, bơi, chơi đùa ở những nơi có biển báo nguy hiểm và những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; cách an toàn khi đi qua cầu, qua suối, qua đập tràn…; phòng tránh đuối nước khi gặp mưa dông, bão lũ…; cách nhận biết các biển báo trên sông, hồ, biển.

Dạy trẻ học bơi an toàn theo trường lớp, khoá học với các thầy cô giáo, huấn luyện viên và người lớn. Trẻ cần biết bơi từ 1-2 kiểu và bơi được ít nhất 25m; biết nổi đứng dưới nước, nổi ngửa trong nước được ít nhất 1 phút 30 giây; biết kỹ năng tự cứu và kỹ năng cứu người đuối nước phù hợp với lứa tuổi.

Chúng ta cũng cần dạy cho trẻ các kiến thức an toàn khi tham gia vui chơi trong môi trường nước; cách sử dụng các dụng cụ nổi; các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông đường thủy và khi gặp bão lũ, thời tiết xấu…

Ðặc biệt, gia đình cần phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương quan tâm, giám sát, trông giữ trẻ tại nhà và cộng đồng, nhất là trong kỳ nghỉ dài ngày như dịp lễ, tết, nghỉ hè… nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em.

Tuấn Minh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Những mẹo giúp trẻ rèn luyện thói quen tốt

Những mẹo giúp trẻ rèn luyện thói quen tốt

2 năm trước

Trong thời đại của đồ ăn nhanh và các tiện ích gia đình, rất nhiều trẻ em đã tiêu thụ rất nhiều các loại đồ ăn nhanh độc hại cũng như phụ thuộc vào đồ công nghệ khiến trẻ bị...
Kiểm soát cơn nóng giận trước con cái

Kiểm soát cơn nóng giận trước con cái

2 năm trước

Trong quá trình nuôi dạy con cái, chắc hẳn ai cũng đã từng phải trải qua một lần nổi cơn tam bành vì những hành động vô lý và có thể là sai trái do các con gây ra. Việc kiểm soát cơn nóng...
Triển lãm ảnh chủ quyền biển, đảo trên cực Bắc Tổ quốc

Triển lãm ảnh chủ quyền biển, đảo trên cực Bắc Tổ quốc

2 năm trước

Tại Sân vận động huyện Mèo Vạc và tiền sảnh UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vừa diễn ra Triển lãm ảnh theo các chủ đề Cực bắc Hà Giang và Biển đảo Việt Nam và Khát vọng cống...