THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 08:35

Gần 1 triệu ca nhiễm HIV được ngăn ngừa trong 20 năm qua nhờ những giải pháp can thiệp hiệu quả

25/01/2023 | 07:54
Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS Angela Pratt đã khẳng định gần 1 triệu ca nhiễm HIV đã được ngăn ngừa trong vòng 20 năm qua nhờ những giải pháp can thiệp hiệu quả, đây được coi là một thành tựu lớn trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.

Can thiệp điều trị bằng thuốc ARV có ý nghĩa quan trọng

Mặc dù thuốc kháng HIV hay còn gọi là thuốc ARV không có tác dụng chữa khỏi HIV nhưng nó có tác dụng ức chế sự nhân lên của HIV, từ đó phục hồi hệ miễn dịch và khống chế tải lượng virus ở mức thấp. Khi người nhiễm HIV tuân thủ điều trị thì không còn khả năng lây nhiễm HIV qua đường tình dục, nguy cơ lây truyền HIV qua đường máu và từ mẹ sang con cũng giảm ở mức rất thấp. Nhìn lại chặng đường mở rộng độ bao phủ điều trị ARV tại Việt Nam trong 20 năm qua.

Nâng cao công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Nâng cao công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Điều trị ARV được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2000 tại TPHCM. Sau đó, được mở rộng từ năm 2005 và không ngừng phát triển theo các năm. Đến cuối năm 2022, toàn quốc đã có 499 cơ sở điều trị ARV, điều trị cho gần 170.000 người nhiễm, trong đó có 3.450 trẻ em.

Biểu đồ tăng trưởng bệnh nhân ARV và số nhiễm HIV mới được phát hiện theo năm.

Biểu đồ tăng trưởng bệnh nhân ARV và số nhiễm HIV mới được phát hiện theo năm.

Để có thành tựu này, Việt Nam đã luôn cập nhật kịp thời các khuyến cáo của WHO. Bộ Y tế đã liên tiếp nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV cho người lớn nhiễm HIV, để đến năm 2017 người nhiễm HIV được điều trị ARV ngay sau khi được chẩn đoán, không phụ thuộc giai đoạn giảm miễn dịch và lâm sàng. Đây là yếu tố quan trọng để mở rộng độ bao phủ bệnh nhân được điều trị ARV mà ít quốc gia trong cùng điều kiện áp dụng.

Vào năm 2000, ban đầu mới chỉ có từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS, tuy nhiên đến nay Việt Nam đã có 499 cơ sở. Trong đó, có 8 cơ sở điều trị tại tuyến Trung ương; 77 cơ sở tuyến tỉnh, thành phố; tại 37 trại giam, số còn lại thuộc cơ sở tuyến huyện, tại trung tâm 06, cơ sở tôn giáo và các phòng khám tư nhân.

Song song với việc mở rộng cơ sở điều trị với độ bao phủ đến tuyến huyện và xã để thuận lợi cho việc người bệnh tiếp cận và tuân thủ điều trị, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai như: Mô hình Treatment 2.0 đó là đưa dịch vụ điều trị về tuyến xã; Mô hình điều trị trong ngày có nghĩa là người nhiễm được điều trị cùng ngày với ngày chẩn đoán nhiễm HIV; Mô hình cấp pháp thuốc nhiều tháng thay vì hàng tháng bệnh nhân đến khám và nhận thuốc; Các hoạt động lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm và điều trị ARV, lồng ghép các dịch vụ chẩn đoán và điều trị HIV và lao, HIV và viêm gan virus, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Phác đồ điều trị ARV cũng luôn được cập nhật, với việc loại bỏ các thuốc nhiều tác dụng không mong muốn, thay thế bằng thuốc có tác dụng và hiệu quả hơn. Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO.

Hiện nay, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Điều đáng nói là phác đồ này cũng đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế cũng được bảo đảm điều trị với chất lượng tốt nhất.

Các can thiệp dự phòng hiệu quả

Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS. Bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm nhất với phác đồ tối ưu.

Việt Nam đã áp dụng điều trị ARV ngay cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV mà không phụ thuộc vào tuổi thai. Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đã và đang giảm mạnh, từ 1.500 trẻ năm 2012 xuống còn hơn 600 trẻ những năm gần đây; Tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV bằng CPR giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1 năm 2022.

so tre

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là một phương pháp dự phòng rất hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 90% nếu được sử dụng hàng ngày theo chiến lược phòng ngừa HIV kết hợp. 

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, hiện Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện với mục tiêu của Chương trình là tạo thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Sau 14 năm triển khai điều trị methadone, chương trình đã khẳng định được tính ưu việt như: Góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng; phát triển kinh tế của gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện…

Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV bằng bơm kim tiêm, bao cao su là những hoạt động được triển khai rất sớm tại Việt Nam từ đầu vụ dịch. Hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch cho nhóm người nghiện chích ma túy triển khai tại 54 tỉnh, thành phố, qua nhiều kênh khác nhau như qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng (bao gồm các đồng đẳng viên và các nhân viên y tế thôn bản), kênh cấp phát cố định như qua các cơ sở y tế gồm trạm y tế, phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, cơ sở điều trị ARV…

Theo số liệu thống kê, tổng số có hơn 10 triệu bơm kim tiêm được phát miễn phí cho người nghiện chích ma túy trong năm 2022. Trong giai đoạn dịch tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy, nhiều năm đã cung cấp hơn 20 triệu bơm kim tiêm trên phạm vi toàn quốc.

Hoạt động cung cấp miễn phí và hướng dẫn sử dụng bao cao su và chất bôi trơn được triển khai tại 56 tỉnh, thành phố. Bao cao su được cung cấp qua các hình thức đa dạng như mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng và cung cấp cho khách sạn, nhà nghỉ, các điểm dịch vụ vui chơi, lưu trú du lịch...

Hàng năm, cung cấp từ 10-20 triệu chiếc bao cao su và chất bôi trơn được phát miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ cao. Trước đây hoạt động này chủ yếu can thiệp cho nhóm phụ nữ mại dâm và đã khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm này dưới 3% trong thời gian hàng chục năm liên tục. Hiện nay tập trung can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, cùng với biện pháp điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV.

Ngoài ra, công tác tuyền thông nâng cao nhận thức về HIV, về đường lây truyền và cách phòng tránh lây nhiễm HIV cũng góp phần quan trọng để người dân và cộng đồng quần thể đích có hành vi an toàn trong quan hệ tình dục, trong tiêm chích và các sinh hoạt hàng ngày khác.

Từ kết quả của những hoạt động trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã ngăn ngừa được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV trong vòng 20 năm qua và giúp cho gần 170.000 người nhiễm sống khỏe mạnh, góp phần quan trọng khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, là tiền đề để tiến tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Kim Liên
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
“Chợ Tết nhà mình trong bình thường mới” - Tết ấm no cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

“Chợ Tết nhà mình trong bình thường mới” - Tết ấm no cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

2 năm trước

Vừa qua, Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, chương trình Góp một bàn tay, CLB Bầu Trời Xanh, phòng khám Nhà Mình phối hợp tổ chức chương trình Hạt gạo chia đôi lần thứ 10 với chủ đề...
TP. Hồ Chí Minh thí điểm điều trị phơi nhiễm HIV từ xa

TP. Hồ Chí Minh thí điểm điều trị phơi nhiễm HIV từ xa

1 năm trước

Ngày 27/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) khởi động chương trình triển khai thí điểm mô hình TelePrEP nhằm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa.
Thanh Hóa nỗ lực giảm thiểu người nhiễm HIV/AIDS

Thanh Hóa nỗ lực giảm thiểu người nhiễm HIV/AIDS

2 năm trước

Ngày 18/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022.