THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 11:09

Ghi nhận những kết quả trong công tác trợ giúp người khuyết tật

28/08/2019 | 14:48
 
6 tháng đầu năm 2019, công tác trợ giúp NKT được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động của các thành viên UBQG về NKT Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Quá trình triển khai luôn bám sát Kế hoạch công tác được Chủ tịch Ủy ban phê duyệt từ đầu năm, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tăng cường lồng ghép và phát huy vai trò điều phối của Ủy ban trên mọi mặt hoạt động. 
 
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, năm 2019, ngân sách Nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT theo Thông tư số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC. Đến nay, cả nước có trên 1 triệu NKT nặng và đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng triệu NKT, trẻ em KT được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của/vì NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của NKT.
 
Cả nước hiện có 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ các huyện, các xã. Hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa PHCN tiếp tục được củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương với 63 Bệnh viện/Trung tâm PHCN, 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa PHCN và cung cấp dịch vụ PHCN. Ngoài ra, có 29/63 tỉnh/thành phố triển khai Hệ thống thông tin và có tới 500.000 NKT được lập hồ sơ theo dõi trên phần mềm.
 
Trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, theo báo cáo chưa đầy đủ của bộ, ngành, địa phương, 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có khoảng 7.000 NKT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2017 của Chính phủ về Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với NKT và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT. Tính đến 31/3/2019, cho vay 221 dự án của NKT, tạo việc làm cho 537 lao động là NKT. Hội Người mù Việt Nam được giao gần 51 tỷ triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù và 55 cơ sở sản xuất tập trung của Hội Người mù các cấp, tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là NKT. Đến nay, Bộ LĐTBXH đã phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm năm 2019”, trong đó có hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho NKT với mục tiêu tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho 50 lao động là NKT. Hầu hết các địa phương đã ban hành Danh mục nghề đào tạo và định mức chi phí đào tạo nghề cho NKT; đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, khuyến khích đào tạo nghề cho NKT theo hình thức kèm cặp, truyền nghề, vừa học vừa làm. 
 
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, giao thông tiếp cận được quan tâm chú trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở hỗ trợ giáo dục NKT. Chỉ đạo nghiên cứu để quy hoạch hệ thống cơ sở giáo giáo dục chuyên biệt giai đoạn 2021-2030. Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện giảm giá vé cho 39.236 hành khách là NKT. 
 
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019 của UBQG về NKT Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác trợ giúp NKT của UBQG về NKT Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và tổ chức của NKT trên các lĩnh vực như: trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, dạy nghề - việc làm, sinh kế, văn hóa thể thao, tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông, trợ giúp pháp lý. Thứ trưởng đề nghị, trong 6 tháng cuối năm 2019, các Ủy viên Ủy ban, các bộ, ngành và tổ chức của NKT cần tập trung rà soát so sánh hệ thống chính sách hiện có với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, chuẩn bị sơ kết 10 năm thực hiện Luật NKT. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi những nội dung không còn phù hợp nữa về lao động là NKT; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi các nội dung về PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng... Chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT.
 
 
Tăng cường chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện tốt các chính sách, pháp luật liên quan, đặc biệt là các chương trình, đề án, dự án như Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, Đề án Trợ giúp NKT..., bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước và pháp luật về NKT, xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhân viên trợ giúp NKT. Bộ Tài chính xem xét bố trí kinh phí, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật, đặc biệt là Đề án trợ giúp NKT tại các bộ, ngành, địa phương.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục BTXH (Chánh Văn phòng UBQG về NKT Việt Nam), trong thời gian tới, Ủy ban tiếp tục phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về NKT và công tác trợ giúp NKT; tích cực rà soát để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với NKT trên mọi lĩnh vực bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT; hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Braille cho NKT; sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định với mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả BHYT cho NKT. Nghiên cứu đồng bộ để sửa đổi các quy định liên quan đến NKT trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xây dựng dự án Luật Công tác xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước quốc tế về quyền của NKT, chính sách, pháp luật về NKT bằng các hình thức đa dạng, phù hợp; nghiên cứu, triển khai các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của NKT.
 
Đảm bảo mỗi năm hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 20.000 NKT; xây dựng tài liệu hướng dẫn về giáo dục nghề nghiệp đối với NKT; khảo sát, đánh giá chuyên sâu việc thực hiện đào tạo nghề cho NKT tại Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng; Tiếp tục phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và NKT Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam trong việc lựa chọn đơn vị và tổ chức nhân rộng mô hình Đào tạo nghề cho NKT theo yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã; phối hợp với Hội nạn nhân chất dộc Da cam/Dioxin nhân rộng mô hình Đào tạo nghề cho NKT, nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã. Dự kiến đến cuối năm 2019 có khoảng 6.000 lao động là NKT được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.
 
 

Nguyễn Vân Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.