THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 11:37

Gia tăng các vụ việc bạo hành tại cơ sở trông trẻ “chui”: Bảo vệ con trẻ thế nào?

13/03/2023 | 20:18
Vụ việc một trẻ 17 tháng tuổi ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội) bị hai bảo mẫu đánh đến tử vong là hồi chuông cảnh báo đối với cha mẹ gửi trẻ ở các cơ sở mầm non chưa được cấp phép. Rất nhiều vụ việc đau xót tương tự xảy ra thời gian qua là bài học cho không chỉ phụ huynh mà còn với cả các đơn vị quản lý về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thành lập, hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, cơ sở trông trẻ tự phát.

Tăng cường quản lý đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành khi gửi tại cơ sở trông trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động gây hoang mang dư luận thời gian qua. Mới đây nhất là vụ việc bé trai P.T.Đ, 17 tháng tuổi, bị hai bảo mẫu Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành bạo hành dã man dẫn đến tử vong tại cơ sở trông trẻ tự phát ở Thường Tín (Hà Nội).

Đối tượng Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành (phải) thừa nhận hành vi bạo hành khiến bé Đ bị chấn thương sọ não, tử vong.

Đối tượng Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành (phải) thừa nhận hành vi bạo hành khiến bé Đ bị chấn thương sọ não, tử vong.

Để đảm bảo an toàn trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mầm non và tăng cường kỷ cương nền nếp trong quản lý, hạn chế tối đa tình trạng tai nạn thương tích cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), ngay sau vụ việc trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt quản lý đối với hệ thống cơ sở GDMN ngoài công lập. Cần có sự chung tay phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của nhiều lực lượng mà vai trò nòng cốt là UBND cấp xã/phường/thị trấn và cơ quan quản lý giáo dục các quận, huyện, thành phố, thị xã. Bởi chỉ có cấp gần dân nhất mới nắm bắt và hiểu đầy đủ về điều kiện hoạt động, tình hình thực tế của các cơ sở trông, giữ trẻ trên địa bàn. Chỉ khi nào việc quản lý được thực hiện đầy đủ, công tác kiểm tra, xử lý tiến hành kiên quyết thì khi đó, sức khỏe, quyền lợi và sự an toàn của trẻ mới có thể được bảo đảm.

Bên trong cơ sở trông trẻ tự phát, nơi bé Đ bị bạo hành dã man.

Bên trong cơ sở trông trẻ tự phát, nơi bé Đ bị bạo hành dã man.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em là những người không được đào tạo bài bản hoặc xảy ra ở cơ sở GDMN tư thục, tự phát, thiếu sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, người trông trẻ thường là người trái ngành hoặc không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo bài bản. Đây là hạn chế của công tác quản lý giáo dục trong thời gian qua ở một số địa phương. Do đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở GDMN “chui”, hoạt động không đúng pháp luật; các giáo viên, nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh vụ việc tương tự xảy ra.

Cần sớm khắc phục những “lỗ hổng” để ngăn chặn bạo hành trẻ

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhìn nhận, bạo lực trẻ em trong các cơ sở GDMN, đặc biệt là cơ sở GDMN hoạt động không phép khá phổ biến từ trước đến nay. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố phải rà soát lại, kiểm tra tất cả các cơ sở GDMN hoạt động không đăng ký, không được cấp phép để đình chỉ. Bên cạnh đó, một “lỗ hổng” khác cần sớm khắc phục để ngăn chặn các vụ việc bạo hành tại nhóm trẻ tự phát đó là cha mẹ thiếu những kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em, thiếu quan tâm đến con, nhất là các cháu quá nhỏ, chưa biết nói, chưa có khả năng tự bảo vệ mình.

Tăng cường truyền thông giáo dục kiến thức làm cha mẹ, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Đặc biệt là các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch (quản lý nhà nước về gia đình), Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đối với các cặp vợ chồng trẻ. Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã làm nhiều chiến dịch giáo dục trên các kênh, phương tiện nhưng cần làm nhiều hơn nữa. Vì hiện nay kiến thức làm cha mẹ, trong đó có kiến thức về bảo vệ trẻ em bị hổng rất nhiều. Cần phải thanh kiểm tra thường xuyên các cơ sở GDMN. Và nên khuyến khích các cơ sở giáo dục lắp camera để cha mẹ, phụ huynh, cơ quan chức năng có thể theo dõi, phát hiện sự việc kịp thời.

Trang bị kiến thức và kỹ năng để con đi học an toàn

Theo chị Nguyễn Thị Huyền Phương – một người làm giáo dục, đào tạo kỹ năng cho trẻ em ở Hà Nội, để ngăn ngừa những chuyện bạo hành đau lòng như vụ việc mới đây tại Hà Nội, cha mẹ cần trang bị những kiến thức và kỹ năng cho mình và cho con trước khi đưa trẻ đi học:

Chọn trường cho trẻ phải đảm bảo an toàn: Cha mẹ lựa chọn cơ sở GDMN có đầy đủ tính pháp lý; tìm hiểu chủ cơ sở, chứng chỉ chuyên môn, bằng cấp của giáo viên; cơ sở vật chất, bếp ăn đảm bảo an toàn. Kiểm tra xem trường học có an toàn về thể chất, cảm xúc, và tình dục cho trẻ không. An toàn về thể chất bao gồm vệ sinh và sự sạch sẽ của không gian học tập, nhà vệ sinh, khu vui chơi. An toàn cảm xúc liên quan đến sự tương tác giữa trẻ em và giáo viên; cách giáo viên ứng phó với hành vi thách thức, lo lắng về sự chia ly cũng như sự chậm trễ, sai lệch trong học tập của trẻ. Nếu giáo viên đe dọa, trừng phạt trẻ thì môi trường đó không an toàn về mặt cảm xúc cho trẻ. An toàn về tình dục là kiểm tra trường học để tìm “khoảng tối” mà kẻ lạm dụng có thể sử dụng. Trước khi cho con đi học, cha mẹ nên dành thời gian cùng trẻ tham quan trường, cho bé chứng kiến sự sinh động của lớp học, những tiết học vui nhộn, đồ chơi hay khu vui chơi… để hình thành tâm lý háo hức muốn đi học của bé.

Khi cho trẻ đến trường: Những ngày đầu nên cho con học nửa buổi và đến trưa thì đón về. Với những ngày tiếp theo thì tăng dần thời gian đến khoảng 2 tuần là cho trẻ học cả ngày. Phụ huynh đừng lẻn về mà hãy dặn dò rõ ràng để trẻ cảm nhận được mọi chuyện và trấn an bản thân tốt hơn. Khi đón trẻ về, cha mẹ quan sát và chia sẻ với trẻ để hỏi những gì con gặp ở trường. Thường xuyên trao đổi với cô giáo về tình hình học tập, ăn, ngủ, thói quen vệ sinh của trẻ ở trường cũng như tâm trạng của trẻ. Việc quan sát thể chất, sự tỉnh táo của con, có bị nôn, sốt, hay tâm trạng hoảng loạn không… sẽ giúp cha mẹ đồng hành trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ an toàn cho con.

Rèn luyện cho trẻ có một số kỹ năng: Trước khi đi học, trẻ cần được huấn luyện đi vệ sinh, có thể mặc quần áo, ngồi yên trong thời gian ngắn; có khả năng thể hiện cảm xúc và chia sẻ với người khác; khuyến khích tham gia hoạt động nhóm để trẻ quen chơi với nhiều bạn và tự tin khi giao tiếp; chuẩn bị tâm lý cho trẻ; chia sẻ những thay đổi sắp tới, các tình huống có thể xảy ra ở lớp, cách ứng xử và tạo sự hào hứng cho trẻ.

Hồng Nga
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Bảo vệ trẻ em trước việc gia tăng mang thai ở tuổi vị thành niên

Bảo vệ trẻ em trước việc gia tăng mang thai ở tuổi vị thành niên

1 năm trước

Tiếp tục giữ thai hay phá thai ở trẻ tuổi vị thành niên đều khiến cho những bé gái đối diện với nhiều ảnh hưởng về sức khỏe, khủng hoảng tâm lý.
6 khuyến nghị của UNICEF nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em

6 khuyến nghị của UNICEF nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em

1 năm trước

Theo bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội, đặc biệt là những nhóm đối tượng dễ bị tổn...