THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:24

“Giai đoạn vàng” để cải thiện chiều cao cho trẻ

01/09/2022 | 10:53
Cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của trẻ, nếu thấy tốc độ tăng trưởng ≤ 4cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay. Nếu trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng (GH), việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi.
Nếu thấy tốc độ tăng trưởng ≤ 4cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay. Ảnh minh họa

Nếu thấy tốc độ tăng trưởng ≤ 4cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay. Ảnh minh họa

Thiếu hormone tăng trưởng - Nguyên nhân quan trọng gây chậm tăng trưởng ở trẻ

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi đến khám vì phát hiện chậm tăng trưởng chiều cao. Không chỉ Bệnh viện Nhi, nhiều bệnh viện trên cả nước đều ghi nhận những trường hợp trẻ chậm tăng trưởng tới khám. Tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trong chương trình tầm soát miễn phí hàng năm cũng ghi nhận rất nhiều trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao. 

Theo PGS.TS Vũ Chí Dũng - Giám đốc Trung tâm Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương, chậm tăng trưởng chiều cao không phải là vấn đề mới trong hành trình chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhưng đây lại là vấn đề thường quy, diễn ra âm thầm mà không phải ai cũng có thể nhận biết kịp thời.

Mức tăng trung bình khi trẻ được đáp ứng đủ các yếu tố về dinh dưỡng và hormone cần thiết là 4 đến 7cm mỗi năm (tính từ sau 4 tuổi đến trước dậy thì 2-3 năm, tầm 9 tuổi). Dưới 5 tuổi, mức biến động chiều cao của trẻ lớn hơn nhiều, cụ thể là: 0-1 tuổi: tăng trung bình 25cm; 1-2 tuổi: tăng trung bình 12cm; 2-3 tuổi: tăng trung bình 8cm/năm.

1.000 ngày đầu đời được tính từ khi trẻ được mang thai cho đến 24 tháng tuổi là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất và đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Ðây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai.

Tuy nhiên, ngoài những trẻ đạt được các mốc chiều cao phù hợp với độ tuổi thì còn rất nhiều trẻ chưa đạt chuẩn chiều cao, thậm chí là kém tăng trưởng, thấp hơn nhiều so với con số cần có.

Nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ có thể do sự khác nhau của thể trạng mỗi người, do di truyền của gia đình hoặc chiều cao thấp vô căn. Ngoài ra, còn xảy ra bởi các bệnh lý về dinh dưỡng, bệnh lý về nội tiết (thiếu hụt GH đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone tuyến yên, bao gồm cả sau xạ trị, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp), các hội chứng bẩm sinh; các hội chứng khác Noonan, Russell – Silver; các khuyết tật bẩm sinh khác/chậm phát triển về tinh thần; các bệnh về xương, các bệnh mãn tính/ các bệnh chuyển hóa, các khối u...

Trong đó, thiếu hormone tăng trưởng - dù chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp 1/4000 – 1/10.000 nhưng lại là một trong những nguyên nhân quan trọng gây chậm tăng trưởng ở trẻ và rất khó nhận biết sớm.

Thiếu hormone tăng trưởng (gọi tắt là hormone GH  – Growth hormone) là tình trạng cơ thể trẻ không sản xuất hoặc phóng thích đủ hormone tăng trưởng để đáp ứng cho việc phát triển chiều cao đúng chuẩn theo tuổi và giới. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch. Thiếu GH ở trẻ em có thể đơn độc hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hormone tuyến yên khác. Thiếu GH thường dẫn đến sự tăng trưởng chậm bất thường và chiều cao thấp với tỷ lệ cơ thể bình thường.

Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới -2SD độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5SD trong 1 năm hoặc dưới 4cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động/công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao. Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...

Cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con ở mọi độ tuổi. Ảnh minh họa

Cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con ở mọi độ tuổi. Ảnh minh họa

Theo dõi sát chiều cao của trẻ để có hướng điều trị phù hợp

Trên thực tế, mọi đứa trẻ từ lúc mới sinh cho đến trước tuổi dậy thì đều có thể có biểu hiện chậm tăng trưởng chiều cao. Do đó, cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con ở mọi độ tuổi để có thể đưa bé đi khám sớm nhất nếu thấy bất thường hoặc có nghi ngờ bất thường.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Nếu do bệnh lý khác như Turner thì trẻ sẽ có một số biểu hiện khác. Tuy nhiên, những biểu hiện này thường chỉ được nhận biết bởi bác sĩ nội tiết. Do vậy, khuyến cáo chung là cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của trẻ, nếu thấy tốc độ tăng trưởng ≤ 4cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay. Nếu trẻ chậm cao do thiếu GH, việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả.

TS.BS Trần Quang Khánh, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: Nếu trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Tuy nhiên, quá trình điều trị cần bắt đầu sớm, trước khi trẻ dậy thì mới có kết quả.

Ðể việc điều trị bằng GH có hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ đúng và đầy đủ các hướng dẫn điều trị: thao tác tiêm thuốc, thời gian tiêm, liều lượng thuốc; khám định kỳ 3-6 tháng/lần; kiểm tra sự tăng chiều cao và tốc độ tăng chiều cao để đánh giá đáp ứng với điều trị GH, theo dõi tác dụng phụ của GH... Ngoài ra, phụ huynh cần phối hợp cho trẻ có các vận động thể chất phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lí, ngủ sớm và đủ giấc.

Các bác sĩ cũng lưu ý, cha mẹ không được tự làm “bác sĩ tại nhà” cho con. Thực tế nhiều bố mẹ khi thấy con thấp còi, do tâm lý quá lo lắng kèm những thông tin không chính thống trên internet đã cho rằng con bị thiếu hụt canxi. Do đó, họ tự ý mua thuốc tăng chiều cao, bổ sung canxi và cả GH bằng những sản phẩm không qua kiểm chứng lâm sàng và cũng không được tư vấn sử dụng từ bác sĩ chuyên môn. Cha mẹ cần biết, chậm tăng trưởng chiều cao có nhiều nguyên nhân. Vì vậy, phải đưa trẻ đi tầm soát sớm, tìm nguyên nhân chính xác để trẻ được điều trị sớm và đúng phương pháp.

Nam Anh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam hướng về nguồn cội trên đất Tổ

Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam hướng về nguồn cội trên đất Tổ

1 năm trước

Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam 2022 sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm Quốc khánh từ ngày 2 đến 4/9 tại Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Với chủ đề “Hướng về nguồn...
Hướng tới xây dựng một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên

Hướng tới xây dựng một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên

1 năm trước

Hôm nay, 31/8 tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo tham vấn để học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia đã ban hành luật tư pháp người chưa thành...
Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc

Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc

1 năm trước

Cuốn sách “Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc” từ khi vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ giới nghiên cứu, và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách....