THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 10:39

Giải pháp hỗ trợ lâu dài cho hơn 2.000 trẻ em mồ côi do Covid-19

19/10/2021 | 05:55
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với trẻ em, các chuyên gia ngành tâm lý học lâm sàng cho rằng, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh của đại dịch. Những sang chấn tâm lý của trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có sự gia tăng các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, buồn chán, tức giận…

Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19

Theo nhận định của Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH Đặng Hoa Nam, đại dịch Covid-19 lần này khác biệt so với các cuộc khủng hoảng về xã hội, thiên tai, thảm họa khác là chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần để giảm bớt sang chấn tâm lý cho trẻ em, nhất là những em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Điều quan trọng nhất lúc này là cần giúp người thân, người chăm sóc trẻ hay cán bộ địa phương nơi các em sinh sống sớm phát hiện các dấu hiệu sang chấn (nếu có) để can thiệp kịp thời vì không phải ai cũng có kiến thức kỹ năng để nhìn ra điều này. Hiện nay, Cục Trẻ em đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn.

Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tặng máy tính xách tay cho học sinh mồ côi. Ảnh: An Nhiên

Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tặng máy tính xách tay cho học sinh mồ côi. Ảnh: An Nhiên

Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, để trẻ được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.

Đồng thời Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em).

Đến nay, về cơ bản, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ, nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em và gia đình, đại diện chăm sóc các em về mặt sinh kế để các em có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ em phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Hãy lắng nghe, thấu hiểu và tạo cho trẻ cảm giác an toàn

Trao học bổng hỗ trợ học tập đến hết bậc THPT cho học sinh mồ côi tại quận Bình Tân. Ảnh: An Nhiên

Trao học bổng hỗ trợ học tập đến hết bậc THPT cho học sinh mồ côi tại quận Bình Tân. Ảnh: An Nhiên

Theo Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trẻ em thiếu sự kết nối xã hội sẽ gia tăng các hành vi tiêu cực; có suy nghĩ tự ti về bản thân, nhất là với trẻ lớn tuổi. Trẻ em trong những trường hợp này sử dụng internet, mạng xã hội nhiều hơn để được trợ giúp, giải quyết những vấn đề khó khăn, bế tắc thay vì được tư vấn, cảm nhận về tiêu cực hay sự thoải mái, hạnh phúc…

Theo báo cáo nhanh của Bộ LĐ-TB&XH tính đến hết ngày 14/10, cả nước có hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch.

“Sự khó khăn tâm lý của trẻ em trong những trường hợp này là khá đa dạng và phần lớn đều phải trải qua các vấn đề của sức khỏe tâm thần. Những trải nghiệm khó khăn này của trẻ có thể tức thời ngay trong giai đoạn Covid-19, nhưng cũng có thể kéo dài đến vài năm nếu bị tổn thương hoặc sang chấn trầm trọng trong giai đoạn mất cha, mẹ hay người thân”, Tiến sĩ Lê Minh Công chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Minh Công cũng khuyến khích người thân hay người nuôi dưỡng trong thời gian này cần ở bên cạnh, lắng nghe, tạo cho trẻ cảm giác an toàn để có thể bộc lộ mọi cảm xúc tiêu cực mà các em có lúc đó. Đừng bắt trẻ phải chịu đựng cảm xúc của mình và phải giữ kín nó. Hãy lắng nghe và hướng dẫn trẻ chuyển cảm xúc tiêu cực bằng các cách thức khác nhau. Hơn hết, cố gắng thấu hiểu, tìm hiểu sự mất mát làm trẻ lo lắng điều gì? Từ đó, chúng ta kể những câu chuyện vui tươi, nhiều giá trị đạo đức, nhân văn hơn để trẻ có thể tưởng tượng và thoát ra các cảm nhận tiêu cực.

Trong trường hợp trẻ có những sang chấn kéo dài, hoặc khủng hoảng thông qua các biểu hiệu hành vi cảm xúc tiêu cực như thu mình, lo lắng, trầm cảm, kích động, căng thẳng, có ý nghĩ tự sát, chống đối..., người thân cần liên hệ ngay với nhà tâm lý lâm sàng, hoặc tham vấn tâm lý để hỗ trợ các em. Tiến sĩ Lê Minh Công cũng khuyến nghị, về lâu dài, cũng rất cần sự chung tay từ cộng đồng xã hội để động viên, hỗ trợ, khuyến khích trẻ tích cực tham gia hoạt động, sinh hoạt, học tập và làm những điều có ích cho cộng đồng, xã hội.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, điều lo ngại nhất lúc này chính là vấn đề chăm sóc, trị liệu tâm lý cho trẻ em mồ côi. Chúng ta vừa phải chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất, vừa phải giúp các em giảm bớt sang chấn tâm lý. Hiện nay, Cục Trẻ em đã chỉ đạo địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn.

Ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối để được hỗ trợ tư vấn với các nhóm thiện nguyện như đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em phụ trách. Dịch vụ này được duy trì từ 8h-22h hằng ngày.

Cục Trẻ em đã yêu cầu các địa phương cần nắm nhanh, sát thông tin trẻ em cần giúp đỡ, đặc biệt là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn để huy động sự trợ giúp kịp thời và đầy đủ nhất với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em và không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, không trẻ em nào phải bỏ học vì Covid-19.

Bên cạnh chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, hỗ trợ các em vượt qua mất mát bằng sự chăm sóc tận tình, ấm áp của cộng đồng.

Tiêu biểu là Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch Covid-19 cho đến khi các em học hết trung học phổ thông.

Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai chương trình "ATM yêu thương", kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em bị mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi… 

Ba tổ chức phi chính phủ: Saigon Children’s Charity (Saigonchildren), Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em (CSWC) phát động chiến dịch "Em không lẻ loi" để kêu gọi ủng hộ, cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mất cha, mẹ, hoặc người chăm sóc chính vì dịch Covid-19.

Sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến cộng đồng xã hội đã một lần nữa khẳng định, mỗi khi đất nước khó khăn, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tinh thần đoàn kết, yêu thương sẻ chia của dân tộc lại được thổi bùng lên và tình nhân ái được lan tỏa mạnh mẽ.

Việt Cường
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
TP.HCM: Chương trình “Vòng tay yêu thương” hỗ trợ chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19

TP.HCM: Chương trình “Vòng tay yêu thương” hỗ trợ chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19

2 năm trước

Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Vòng tay yêu thương” hỗ trợ chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19 tại...
Thành phố Hà Nội triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19

Thành phố Hà Nội triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19

2 năm trước

Ngày 15/10, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 3556/UBND-KGVX về triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Giúp phụ nữ, trẻ em tránh bị bạo lực, xâm hại khi cách ly tại nhà

Giúp phụ nữ, trẻ em tránh bị bạo lực, xâm hại khi cách ly tại nhà

2 năm trước

Trong thời gian ở cách ly để phòng chống dịch Covid-19, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hai. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UNICEF ban hành tài liệu Hướng dẫn bảo đảm an toàn...
Thầy cô cùng đồng hành để tư vấn tâm lý cho trẻ em

Thầy cô cùng đồng hành để tư vấn tâm lý cho trẻ em

2 năm trước

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga cho rằng, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Vì thế, các em cần được chăm sóc, bảo vệ và...
Nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em

Nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em

2 năm trước

Sử dụng lao động trẻ em là vấn đề ngày càng nan giải ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Để ngăn chặn tình trạng sử dụng lao động trẻ em, Việt Nam đang nỗ lực từng...
Ngôi nhà an toàn cho trẻ em tại Đắk Lắk

Ngôi nhà an toàn cho trẻ em tại Đắk Lắk

2 năm trước

Nhằm góp phần hạn chế tai nạn thương tích đến mức thấp nhất với trẻ em, tạo cho các em có ngôi nhà an toàn, mỗi gia đình cần hưởng ứng thực hiện các tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng,...