THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 04:04

Giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới và HIV

10/10/2018 | 15:48
 
Ngày hội tuyên truyền phòng chống HIV tại Phường 5 (Quận 4 – TP. Hồ Chí Minh).
                        
Giảm kỳ thi phụ nữ nhiễm  HIV
 
HIV/AIDS vẫn đang là một đại dịch nguy hiểm, đe dọa tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu. Nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự và an toàn xã hội. 
 
Xã hội vốn có một sự mặc định là, những người nhiễm HIV/AIDS là những người nếu không sử dụng ma túy cũng là người liên quan đến mại dâm. Thân phận của những người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất bi đát. Họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử ngay tại gia đình mình, bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống, tại nơi làm việc, tại nhà trường và thậm chí trong các cơ sở y tế. Nhiều người bị chính cha mẹ mình đuổi ra khỏi nhà, bị tước đoạt quyền làm mẹ, quyền được nuôi dưỡng và học hành… Nhiều người nhiễm HIV/AIDS vì mặc cảm mà rời bỏ làng xóm, quê hương đến những vùng xa xôi khác nhằm giấu đi thân phận bị nhiễm HIV của mình. 
 
Theo các nghiên cứu, phụ nữ sống chung với HIV tại Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức và khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc.Tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV ở Việt Nam đã vượt mức 31%, so với hơn 20% so với cách đây 10 năm. Cứ 3 người nhiễm HIV thì 1 người là nữ. Xu hướng gia tăng tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV tại Việt Nam cũng như tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ nhiễm HIV là vấn đề đáng lo ngại, tạo ra những khó khăn, thách thức trong ứng phó quốc gia với đại dịch này. Với tâm lý e ngại, sợ kỳ thị, nhiều phụ nữ sống chung với HIV không tiếp cận được với các thông tin cần thiết để bảo vệ sức khỏe và có một cuộc sống tốt hơn.
 
Mặc dù chương trình ứng phó với HIV của Việt Nam được đánh giá là tiến bộ trên nhiều mặt, song sự phân biệt đối xử, kỳ thị phụ nữ nhiễm HIV vẫn tồn tại. Bà Quách Thị Mai, Trưởng mạng lưới Phụ nữ sống chung với HIV bình luận, “văn hóa im lặng” đã tiềm ẩn trong phụ nữ trong nhiều năm nay và mong muốn có thể  đánh thức văn hóa im lặng này, giúp chị em tìm hiểu được quyền của mình, từ đó bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình.
 
Tại Việt Nam hiện nay, lây truyền qua đường tình dục là nguyên nhân lây nhiễm HIV phổ biến nhất. Có đến 58% phụ nữ đã kết hôn gặp vấn đề từ bạn đời của mình. Theo một báo cáo gần đây, hơn một nửa phụ nữ bị nhiễm HIV cho biết nguyên nhân là do họ bị lây nhiễm từ những người chồng hoặc bạn tình có những hành vi có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhưng chỉ có 40% phụ nữ có hiểu biết về ngăn ngừa sự lây truyền HIV qua đường tình dục. Phụ nữ và trẻ em gái còn hạn chế tiếp cận với các dịch vụ tư vấn về sức khỏe tình dục và sức khỏe và sinh sản, do đó nguy cơ nhiễm HIV của họ là cao hơn.
 
Trong khi đó, phụ nữ và trẻ em gái cần có dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, phụ nữ phải có tiếng nói của mình và có khả năng trong quá trình ra quyết định, giúp họ tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm HIV.

 
 Phát tờ rơi phòng ngừa HIV, chống phân biệt kỳ thị tai vùng cao tỉnh Sơn La.
 
Tư vấn điều trị cho phụ nữ nhiễm HIV - Thay đổi quan niệm và hành vi
 
Làm thế nào để phụ nữ sống chung với HIV không bị kỳ thị và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc?
Thực tiễn, chương trình ứng phó với HIV hiện nay chưa giải quyết được các nhu cầu đa dạng và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Hơn nữa, còn thiếu sự tham gia của xã hội dân sự, đặc biệt là các nhóm đại diện cho phụ nữ sống chung với HIV trong việc xây dựng và triển khai các chính sách liên quan đến HIV.
 
TS Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng truyền thông và huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho rằng, khung pháp lý, hướng dẫn, chiến lược về ứng phó bất bình đẳng giới và HIV của Việt Nam hiện nay tương đối tốt, song cần được cải thiện. Hoạt động phòng chống hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào phụ nữ có thai và sự lây nhiễm từ mẹ sang con và những tổn hại của những nhóm phụ nữ bị tổn thương và trẻ em gái. Cần phải có sự tham gia, can dự mạnh mẽ hơn của nam giới và trẻ em trai để phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh, vượt qua sự kỳ thị, và được tiếp cận đối với điều trị, chăm sóc.
 
Chính vì vậy, để đạt được bình đẳng giới, theo các chuyên gia, công tác ứng phó với HIV cần tập trung vào 3 lĩnh vực: Cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục và các dịch vụ về HIV; huy động cộng đồng để chuyển đổi các quan niệm và hành vi bất bình đẳng giới; trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bằng cách đầu tư vào sự lãnh đạo của phụ nữ trong công tác ứng phó với HIV.
 
Ở Hà Nội nhiều năm qua đã tổ chức tốt việc truyền thông nâng cao nhận thức của người dân nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng, lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đặc biệt giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Yế Hà Nội cho biết, từ thành phố đến các địa phương tổ chức hoạt động truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có nội dung truyền thông về thay đổi hành vi giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Thành phố phấn đấu 100% số phụ nữ mang thai trên địa bàn được tư vấn xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó, 90% số phụ nữ mang thai sau khi tư vấn được xét nghiệm HIV. 98% số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được quản lý, chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 100% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được chuyển gửi, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV. 
 
Việt Nam cam kết chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 và đã chứng tỏ được sự lãnh đạo chính trị cũng như cam kết tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới và HIV. Để thực hiện thành công, cần có cơ chế luật pháp và chính sách rõ ràng để loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ nhiễm HIV và để có thể phòng chống nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ gặp nguy cơ lây nhiễm cao. Những điều này sẽ là chìa khóa để các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của quốc gia đạt hiệu quả cao. 

Thành Sơn/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...