THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 12:51

Giảm nghèo cho đồng bào DTTS: Cần những chính sách mạnh hơn nữa!

01/10/2019 | 09:56

Vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững

Ông Sùng A Khua là một tấm gương điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo, làm giàu ở Mù Cang Chải. Hơn 20 năm trước, hạ sơn xuống bản mới Đề Sủa, gia đình ông Khua như nhiều hộ khác ở đây đều nghèo khó. Bên cạnh làm ruộng, ông Khua vay vốn chăn nuôi dê, trâu, lợn. Vất vả hơn chục năm, gia đình ông cũng thoát nghèo. Ông Khua tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng chăn nuôi, đặc biệt là thử sức với vật nuôi mới: vịt siêu trứng. Ông trở thành người nuôi vịt siêu trứng đầu tiên ở Mù Cang Chải. Từ 200 con vịt siêu trứng lứa ban đầu vào thời điểm năm 2015, đến nay, gia đình ông nuôi khoảng 500-600 con mỗi lứa. Từ nuôi vịt siêu trứng và tăng gia sản xuất, gia đình ông có thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm, trở thành hộ khá giả ở bản.

Gia đình ông Sùng A Khua ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vay vốn chính sách để nuôi bò, trâu, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Nhằm phát triển nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, huyện Mù Cang Chải đã vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với các cấp, các ngành trong toàn huyện, Hội Nông dân Mù Cang Chải đã huy động tổng hợp các nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), từ đó nhiều hộ đã phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Xây dựng những chương trình phát triển kinh tế riêng cho DTTS để tăng tốc giảm nghèo

Nhìn lại hành trình thực hiện tín dụng chính sách của NHCSXH riêng cho khu vực miền núi, đồng bào DTTS, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: “Cùng với chương trình tín dụng chính sách xã hội chung của cả nước, các chính sách tín dụng mang tính đặc thù mà Đảng, Chính phủ và chính sách địa phương dành riêng cho vùng đồng bào DTTS, miền núi hơn 10 năm qua đã góp thêm sức mạnh thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào mạnh dạn vay vốn, chuyển dời tư duy sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa,  giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội”.

Bà con dân tộc Mông xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái) vay vốn Ngân hàng CSXH nuôi bò sinh sản.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có những bước chuyển mới trong nhận thức với tín dụng chính sách xã hội, với sự chủ động ủy thác ngân sách địa phương qua NHCSXH, xây dựng những chương trình phát triển kinh tế riêng biệt cho người dân vùng núi và DTTS địa phương để tăng tốc giảm nghèo. Như ở Lào Cai, bên cạnh các chương trình của tỉnh, các huyện nghèo cũng đã chủ động xây dựng dự án và chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ người dân vùng khó và DTTS mà Sa Pa là một điển hình. Với 15/17 xã đặc biệt khó khăn và gần 90% là đồng bào DTTS, HĐND huyện đã đưa vào Nghị quyết trích tối thiểu 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện hàng năm chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 30/6/2019, tổng số nguồn vốn từ huyện chuyển sang NHCSXH là 15,590 tỷ đồng. Hiệu ứng từ nguồn vốn ngân sách huyện thực hiện Dự án chăn nuôi bò hàng hóa tại xã Thanh Kim sau 3 năm triển khai tới nay đã có tổng số 259 con bò và bê, bình quân mỗi hộ thuộc dự án đã có thêm từ 3 - 4 con. Trong quý III/2019, NHCSXH dự kiến sẽ hoàn thành việc cho vay dự án chăn nuôi bò tại 2 xã Thanh Phú và Nậm Sài với số tiền 1,56 tỷ đồng từ ngân sách huyện chuyển sang. Hay như dự án trồng hoa địa lan tại xã Tả Phìn; dự án phát triển du lịch cộng đồng tại xã Tả Van, Tả Phìn, Hầu Thào… cũng bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan.

Lan tỏa hiệu ứng một chính sách nhân văn

Phương thức giải ngân, thu nợ tại xã đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa số hộ DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Đến 31/8/2019 có trên 14,6 triệu hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 34 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 30,4 triệu đồng/hộ.

Những con số này cho thấy hệ thống các chính sách tín dụng chung và chuyên biệt cho vùng miền núi và DTTS của Chính phủ và địa phương đan xen nhau đã và đang tạo thành lực đỡ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho 14,6 triệu đồng bào DTTS. Nhìn lại 12 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 2 triệu hộ DTTS và miền núi thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162 nghìn lao động (trên 17 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở... góp phần tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25% (giai đoạn 2007 - 2015); giai đoạn 2016 - 2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,35%.

Tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đến cuối tháng 8/2019 dư nợ cho vay khu vực miền núi và DTTS đang đạt 2.342 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo dựng sinh kế và cải thiện đời sống cho 163.694 hộ. Tuy nhiên, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi và DTTS vẫn là một thách thức trong những năm tới. Nhiều địa phương tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao và chiếm hầu hết số lượng hộ nghèo chung của huyện, của tỉnh. Tốc độ giảm nghèo của hộ DTTS còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung, cho thấy, cần có những chính sách mạnh hơn nữa để giảm nghèo DTTS không chỉ đi đồng tốc với giảm nghèo chung cả nước mà còn phải có những bứt phá mạnh hơn để giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập và đời sống giữa chính người nghèo ở các vùng miền và hướng tới ngày càng rút ngắn khoảng cách thu nhập với bình quân chung của cả nước.

Trúc Quỳnh / TC Gia đình & Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.