THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 08:50

Giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh còn nhiều thách thức!

03/12/2022 | 07:31
Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đạt nhiều thành tích. Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ số này cần được thực hiện tốt hơn nữa...
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đạt được những thành tựu quan trọng

Tại buổi lễ ra mắt Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em phiên bản điện tử, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ trẻ em trong nhiều năm qua đều hoàn thành. Uớc tính thực hiện năm 2022: tử vong mẹ giảm còn 44/100.000 trẻ đẻ sống, tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm còn 13,5%o, suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm còn 11%, thể thấp còi giảm còn 19%.

Ông Trần Ðăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết thêm, tỉ lệ phụ nữ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt 80%. Tỉ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì từ 95-97%, chỉ một số ít trường hợp đẻ rơi. Tỉ lệ chăm sóc sau sinh 7 ngày đầu sau đẻ đạt gần 80%. Tỉ lệ này năm 2020-2021 giảm một chút do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cán bộ y tế không thể đến từng nhà chăm sóc. Hiện nay, tỷ suất tử vong sơ sinh là 1/1000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam, tương ứng số trẻ sơ sinh tử vong trong 1 ngày là 39 trẻ. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng khoảng thứ 3-4 trong giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh.

Về chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhiều quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và trẻ em do Bộ Y tế đề xuất đã được đưa vào Luật Trẻ em, chương trình giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi được ban hành, hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi, chăm sóc và tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em. Triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe trẻ em, tăng cường các hoạt động như lập ngân hàng sữa mẹ...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cần triển khai nhiều giải pháp can thiệp hiệu quả

Dù đạt nhiều thành tựu song công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em vẫn còn những tồn tại và thách thức. Một trong những kết quả quan trọng của một điều tra được thực hiện trong khuôn khổ Dự án: “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tử vong mẹ tại các vùng dân tộc ít người tại Việt Nam” cho thấy, chỉ có 11% bà mẹ dân tộc ít người tại 60 xã thuộc các tỉnh khó khăn nhất đó là Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Ðắk Nông, Kon Tum và Gia Lai được khám thai ít nhất 4 lần. Tỷ lệ các bà mẹ sinh con tại các cơ sở y tế là cực kỳ thấp, chỉ khoảng 30%, thấp hơn nhiêu so với tỷ lệ trung bình cả nước là 96%. Ðiều tra cũng chỉ ra nhu cầu đào tạo chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã, đặc biệt là kỹ năng đánh giá, phát hiện các nguy cơ khi mang thai và xử trí cấp cứu sản khoa và chăm sóc sơ sinh. Ngoài ra, hầu hết các bà mẹ dân tộc ít người và các thành viên trong gia đình họ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc làm mẹ an toàn, đặc biệt là khám thai và sinh con tại cơ sở y tế.

Thống kê cho thấy, tình trạng tử vong mẹ ở vùng 3 (vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn) cao gấp 3,5 lần so với vùng 1 (thành phố). Vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ là 210/100.000, cao gấp 7-8 lần so với thành thị. Tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở nông thôn cao hơn gấp 2 - 3 lần so với thành thị. Khoảng cách này ở dân tộc thiểu số ngày càng tăng.

Tử vong sơ sinh vẫn còn chiếm tới 74% trong tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi và 61% trong số tử vong dưới 5 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi còn cao, đặc biệt là vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ cao trên 30%.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế, khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân tồn tại do nhân lực cán bộ y tế, gây mê hồi sức rất thiếu. 30% bác sĩ đa khoa làm công tác sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế ở vùng khó khăn. Công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do không còn được hưởng trợ cấp như trước đây.

Ông Trần Ðăng Khoa cũng cho biết thêm, để giải quyết những vấn đề này, Bộ Y tế đã và đang thực hiện triển khai nhiều giải pháp can thiệp, áp dụng những mô hình đã được đánh giá có hiệu quả. Cụ thể, thời gian tới sẽ xây dựng bộ thông điệp truyền thông chủ chốt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản và nhiều loại hình sản phẩm truyền thông như tờ gấp, áp phích, sách lật, video clip khoa giáo. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tin bài, phóng sự về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng về những vấn đề nóng như tai biến sản khoa, tai biến sơ sinh, "sinh con thuận theo tự nhiên" (không đến cơ sở y tế)...

Ngày 20/1/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định ban hành mẫu Sổ Theo dõi sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em sử dụng đối với phụ nữ có thai và trẻ em đến 6 tuổi sử dụng trong toàn quốc. Hiện có gần 60 tỉnh đã sử dụng để theo dõi, thăm khám sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Sổ là công cụ để các bà mẹ tự theo dõi sức khỏe trong thời gian mang thai và chăm sóc em bé; phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu bất thường thông qua cấu tạo của Sổ.

Vân Nhi/ Ảnh UNICEF
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Sự khác biệt về tư tưởng xưa và nay của cha mẹ khi dạy con

Sự khác biệt về tư tưởng xưa và nay của cha mẹ khi dạy con

1 năm trước

Dạy con chưa bao giờ là một điều dễ dàng đối với bất kỳ bậc phụ huynh nào, dù đó là ở quá khứ hay hiện tại. Xã hội ngày càng phát triển sẽ kéo theo những cách dạy con cũng trở nên...
Hội Khuyến học Việt Nam trao 200 suất học bổng cho du học sinh Lào

Hội Khuyến học Việt Nam trao 200 suất học bổng cho du học sinh Lào

1 năm trước

Ngày 30/11, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam trao 200 suất học bổng của Hội Khuyến học Việt Nam cho học...
Unstoppable Us: Hành trình đưa con đến với sách khoa học, lịch sử

Unstoppable Us: Hành trình đưa con đến với sách khoa học, lịch sử

1 năm trước

Nhân dịp phát hành cuốn sách “Unstoppable Us – Không thể dừng bước”, Công ty Sách Omega+ tổ chức sự kiện ra mắt sách đồng thời mời các diễn giả, khách mời chia sẻ thêm về chủ...