THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:55

Giáo dục hoà nhập cho trẻ khiếm thính

29/11/2022 | 10:25
Nhiều năm qua, công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thính luôn là trọng tâm trong công tác giáo dục của Trường PTCS Xã Đàn thông qua các hoạt động xây dựng kỹ năng sống, truyền dạy kỹ năng nghề.
Học sinh khiếm thính hát Quốc ca bằng ký hiệu tại Trường PTCS Xã Đàn.

Học sinh khiếm thính hát Quốc ca bằng ký hiệu tại Trường PTCS Xã Đàn.

Thấu hiểu và tận tâm

Trường PTCS Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên dành cho trẻ em điếc và khiếm thính tại Việt Nam. Hiện trường có hơn 500 học sinh, trong đó có 60% học sinh bị khiếm thính, hoặc bị câm, điếc bẩm sinh. Trường có 3 cấp học gồm Mầm non, Tiểu học và THCS với mô hình 2 lớp: Lớp hòa nhập (dành cho học sinh bình thường và học sinh khiếm thính thể nhẹ), lớp chuyên biệt (dành cho trẻ khiếm thính mức độ nặng, phải dùng ngôn ngữ ký hiệu, khẩu hình để giao tiếp).

Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, với trẻ khiếm thính, công tác chăm sóc giáo dục luôn cần đến sự thấu hiểuvà tận tâm. Trong đó, việc giáo dục, xây dựng kỹ năng sống thông qua các hoạt động ngoại khoá và công tác hướng nghiệp qua các hoạt động dạy nghề là những yếu tố quan trọng cho việc hòa nhập của nhóm trẻ này.

Cùng với các phương pháp giáo dục truyền thống, việc kết hợp âm nhạc vào trị liệu cho học sinh khiếm thính cũng được Nhà trường nghiên cứu áp dụng. Đặc biệt là phương pháp thể dục, vận động để trị liệu thông qua các trò chơi như kéo co, nhảy bao bố, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, cờ vua… luôn được các em tham gia tích cực, thể hiện hết mình và tự tin với những thành quả đạt được.

“Việc lựa chọn môn gì, ở thời điểm nào để giúp các con tự tin và hoàn thành phần thi của mình một cách tốt nhất với phương châm tôi làm được, tôi đủ tốt, tôi hoà nhập… là những phương thức giáo dục mà trường muốn hướng tới”, thầy Hoannhấn mạnh.

Cùng với các phương pháp giáo dục thể chất, trường cũng kết hợp với các nhóm, tổ chức trong dự án Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em theo chủ đề “con hiểu biết, con an toàn”.

Một lớp học nấu ăn tại Trường PTCS Xã Đàn.

Một lớp học nấu ăn tại Trường PTCS Xã Đàn.

Truyền dạy kỹ năng nghề

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc định hướng và trang bị cho học sinh khiếm thính một nghề để khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, các em có thể tự lập, hòa nhập với cuộc sống bình thường, Nhà trường đã kết hợp với nhiều tổ chức, cá nhân, các trường nghề như nấu ăn, nghiệp vụ du lịch, thời trang… mở các lớp học hướng nghiệp miễn phí cho học sinh, đảm bảo sau khi tốt nghiệp THCS, 100% học sinh đều được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp.

Tại lớp học nấu ăn được tổ chức vào cuối giờ chiều với gần 20 học sinh, ngoài giáo viên dạy nghề còn có thêm một giáo viên chuyên trách của trường giúp chuyển ngữ. Nhìn các em háo hức thực hành làm món xôi chè truyền thống, cô Nguyễn Khánh Vân (Trường Trung cấp Nghề nấu ăn Hà Nội) cho hay, các con tiếp thu rất nhanh các kỹ thuật nấu ăn cơ bản. Nhiều em còn chia sẻ, sau khi ra trường sẽ tiếp tục học nâng cao để làm đầu bếp chuyên nghiệp.

Thông qua giáo viên chuyên trách, em Đỗ Trung Kiên (13 tuổi) thể hiện tình yêu với công việc nấu ăn và mong muốn sau này sẽ có một quán ăn để tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ những bạn có cùng hoàn cảnh như mình. Mong muốn của Kiên cũng là suy nghĩ của rất nhiều học sinh bị khiếm thính khác trong quá trình học tập, hướng nghiệp tại đây.

Là phụ huynh có con khiếm thính, chị Hoàng Minh Giang (Hà Nội) bày tỏ, trước đây do bất đồng “ngôn ngữ”, nhiều gia đình có suy nghĩ “giao khoán” con cho Trường trong việc nuôi dạy. Nhưng sau những buổi thảo luận ở Trường cũng như tìm hiểu và học về ngôn ngữ của trẻ khiếm thính, nhiều bậc cha mẹ đã nhận ra cần phải đồng hành cùng con, sát cánh cùng nhà trường mới tạo ra được sự thay đổi tích cực cho tương lai của chính con em mình.

Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng trường THCS Xã Đàn.

Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng trường THCS Xã Đàn.

Theo thầy Phạm Văn Hoan, hiện nay việc phát hiện và nuôi dạy trẻ khiếm thính tại gia đình vẫn còn nhiều bất cập. So với các dạng khuyết tật khác, trẻ bị khiếm thính thường được phát hiện chậm. Sự tương tác giữa nhóm trẻ này với bố mẹ vẫn còn nhiều trở ngại do trẻ khiếm thính sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, khẩu hình, dẫn đến nhiều khó khăn cho việc trao đổi thông tin, nắm bắt tâm lý... Từ thực tế này, nhà trường đã tổ chức những buổi hội thảo về ngôn ngữ và ký hiệu của trẻ khiếm thính, kiến thức về tâm sinh lý của trẻ khiếm thính, giúp cha mẹ hiểu và đồng hành cùng con, cũng như tạo sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường, hướng đến mục tiêu cuối cùng là giúp các con được thụ hưởng những điều tốt đẹp nhất.

Đánh giá về hiệu quả và những khó khăn trong công tác hướng nghiệp cho trẻ em khiếm thính, thầy Phạm Văn Hoan cho biết: Khó khăn còn rất nhiều, vì hiện cả thầy và trò đang phải làm việc, học tập trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, một số phòng chức năng đã xuống cấp. Do chưa có khu vực nội trú nên nhiều học sinh ở xa đã rất vất vả khi di chuyển đến trường. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên việc đến trường thường xuyên cũng là trở ngại lớn.

Dù vậy, trong nhiều năm qua, hàng nghìn học sinh khiếm thính đã được học tập, sinh hoạt và được chăm sóc chu đáo tại Trường. Hầu hết các em đều có những tiến bộ trong học tập và rèn luyện, đặc biệt là kỹ năng tự lập, kỹ năng giao tiếp và hướng tới hòa nhập cộng đồng. Nhiều em sau khi tốt nghiệp đã có công ăn việc làm ổn định, một số em còn đạt được thành công nhất định, có vị trí trong xã hội.

“Thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với các trường nghề mở thêm lớp cho học sinh khiếm thính như: thủ công mỹ nghệ, điện tử, điện lạnh, tin học văn phòng… giúp các em có thêm sự lựa chọn sinh kế”, thầy Hoan chia sẻ.

Trẻ khuyết tật là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị lạm dụng thể chất, tình cảm, tình dục cao hơn gấp bốn lần so với trẻ không khuyết tật. Việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các thầy cô, cán bộ nhà trường, phụ huynh sẽ góp phần phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục cho trẻ em, đồng thời lan tỏa trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong bảo vệ trẻ em.
Xuân Quang
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Quảng Ninh: Tuyên dương học sinh lớp 7 có hành động dũng cảm cứu người

Quảng Ninh: Tuyên dương học sinh lớp 7 có hành động dũng cảm cứu người

1 năm trước

Ngày 28/11, tại buổi chào cờ đầu tuần Trường Trung học Cơ sở Cẩm Thịnh (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã biểu dương em Hoàng Mạnh Chiến, lớp 7A2 vì đã có hành động dũng cảm cứu...
Cao Bằng trao giải Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc năm 2022

Cao Bằng trao giải Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc năm 2022

1 năm trước

Sáng 27/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” vòng sơ khảo tỉnh năm 2022.
Trao giải thưởng Cuộc thi sáng tạo dành cho các thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 18

Trao giải thưởng Cuộc thi sáng tạo dành cho các thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 18

1 năm trước

Ngày 27/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn...
Hơn 300 thiếu nhi thi vẽ tranh vì hòa bình, vì tình yêu Hà Nội

Hơn 300 thiếu nhi thi vẽ tranh vì hòa bình, vì tình yêu Hà Nội

1 năm trước

Ngày 26/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức Cuộc thi Vẽ tranh thiếu nhi quốc tế “Em yêu Hà Nội – Thành phố Vì hòa...