THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 03:42

Giáo dục tích cực: Mềm mỏng hay cứng rắn?

31/10/2021 | 22:24
Trong khuôn khổ Chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã thực hiện buổi Toạ đàm trực tuyến: “Mềm mỏng hay Cứng rắn?” để cùng các thầy cô giáo chia sẻ và tìm ra những phương pháp giáo dục tích cực.
Các thầy cô giáo ai cũng yêu quý học trò của mình. Ảnh T. Huệ.

Các thầy cô giáo ai cũng yêu quý học trò của mình. Ảnh T. Huệ.

Vốn được coi là người cha, người mẹ thứ hai của trẻ em, các thầy cô giáo ai cũng yêu quý học trò của mình và cố gắng xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với học sinh, để các em cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương trong suốt thời gian ở trường. Song, trên thực tế, có nhiều phụ huynh yêu cầu giáo viên "phạt nặng” đối với con mình với mong muốn con tốt lên.

Về phía giáo viên, không ít người có tâm lý e ngại rằng nếu thân thiện, mềm mỏng với học sinh thì học sinh sẽ "nhờn", sẽ không chấp hành nội quy lớp học, dẫn đến ảnh hưởng tới nề nếp và kỷ luật chung của cả trường. Chính vì vậy mà rất nhiều giáo viên hiện nay vẫn quan niệm rằng thầy cô phải "cứng rắn", phải áp dụng kỷ luật “thép” thì mới tạo được “uy” trước học sinh, mới rèn giũa học trò vào nề nếp được. "Mềm mỏng" và "cứng rắn" vẫn là hai xu hướng giáo dục khá đối lập nhau và vẫn tồn tại trong các nhà trường.

Thạc sỹ tâm lý học Đỗ Thị Trang - Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie.

Thạc sỹ tâm lý học Đỗ Thị Trang - Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie.

Theo Thạc sỹ tâm lý học Đỗ Thị Trang - Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie, hầu hết các em mong muốn được khuyên nhủ, mềm mỏng, được lắng nghe và tôn trọng. Nếu giáo viên có suy nghĩ, tư duy tích cực thì sẽ tìm ra những phương pháp giáo dục tích cực với học sinh. Do đó, các giáo viên hãy sử dụng những phương pháp, kĩ năng, kiến thức của mình để phối hợp với gia đình uốn nắn trẻ, áp dụng phương pháp kỉ luật tích cực.

Việc nghiêm khắc, cứng rắn khi áp dụng với trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ sợ và nghe lời, tuy nhiên sẽ không còn phù hợp với trẻ lớn hơn, khi đó trẻ dễ làm theo kiểu đối phó.

Cô giáo Phạm Thị Bích Hồng áp dụng nguyên tắc là “Khen công khai - Phạt cá nhân” để giáo dục tích cực.

Cô giáo Phạm Thị Bích Hồng áp dụng nguyên tắc là “Khen công khai - Phạt cá nhân” để giáo dục tích cực.

Là một cô giáo có nhiều năm giảng dạy và đồng hành cùng học sinh, cô giáo Phạm Thị Bích Hồng (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) chia sẻ phương pháp mà cô đang áp dụng với học sinh của mình là mềm mỏng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc và có kỷ luật.

“Việc áp dụng “mềm mỏng” hay “linh hoạt” phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, tình huống, tích cách của mỗi học sinh hay tính chất của sự việc. Tôi luôn cố gắng để các con cảm thấy rằng con luôn có người đồng hành và được yêu thương kể cả khi con bị kỷ luật. Tôi cũng có 1 nguyên tắc là “Khen công khai - Phạt cá nhân”. Những lúc nói chuyện riêng với các em phạm lỗi, tôi cùng các em chia sẻ nguyên nhân vì sao các em mắc lỗi và thoả thuận rằng với những lỗi này, cô có thể xử lý không, xử lý như thế nào, và cùng trao đổi với các em để tìm ra biện pháp khắc phục”, cô Hồng cho biết.

Cũng theo cô Hồng, để một đứa trẻ hạnh phúc, cần một hệ thống thống nhất, từ hiệu trưởng đến thầy cô rồi đến học sinh. Trong những lúc giảng dạy, cũng có lúc các em mắc lỗi, do vậy ngay từ đầu năm học, giáo viên và học sinh nên cùng thảo luận để các em thống nhất về những mục tiêu, biện pháp thưởng - phạt và sau đó sẽ thực hiện theo thoả thuận.

"Lan toả yêu thương" là chiến dịch thường niên của MSD và các tổ chức đối tác được thực hiện nhằm truyền thông chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em trong gia đình và trường học. Năm 2021, Chiến dịch được phát động với chủ đề: “Giáo dục không bạo lực” tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ. Chiến dịch được thực hiện từ ngày 16.10 đến ngày 15.11.2021 với các hoạt động đa dạng như: truyền thông mạng xã hội, talkshow, tập huấn, diễn đàn trẻ em, hội thảo - đối thoại giữa các bên liên quan.

Vân Nhi
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Nới lỏng giãn cách, đừng để trẻ em chịu thiệt thòi

Nới lỏng giãn cách, đừng để trẻ em chịu thiệt thòi

2 năm trước

Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, cuộc sống đang dần dần trở lại bình thường. Trong hoàn cảnh này, các cơ quan chức năng vẫn đề cao cảnh giác, vẫn duy trì...
Để con trẻ chơi xe đạp thể thao được an toàn

Để con trẻ chơi xe đạp thể thao được an toàn

2 năm trước

Trong khoảng gần chục năm trở lại đây trào lưu chơi, tập luyện xe đạp thể thao (xe cuộc, xe địa hình) không chỉ phổ biến ở những người lớn nói chung (bao gồm cả người già, thanh...