THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 09:13

Giáo dục tín ngưỡng, tôn giáo cho trẻ em bắt đầu từ gia đình

11/12/2021 | 14:09
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành từ xa xưa và tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn.
Trẻ em tham gia sinh hoạt Búp Sen Từ Bi tại chùa Giác Ngộ, TP.HCM.

Trẻ em tham gia sinh hoạt Búp Sen Từ Bi tại chùa Giác Ngộ, TP.HCM.

Giáo dục con về phong tục thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên, ông bà là một phong tục tốt đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt, đồng thời cũng là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người. Người Việt Nam trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên, với nguồn gốc của mình.

Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở nước ta phần lớn phỏng theo nghi lễ Nho giáo, nhưng lại có nhiều yếu tố gần gũi với Phật giáo hay Ðạo giáo. Mặt khác, với tính chất một tín ngưỡng dân dã, các nghi lễ thường được thực hiện theo tâm thức dân gian và cũng không hoàn toàn thống nhất ở các gia đình, địa phương.

Nhiều nhà nghiên cứu về tôn giáo đã chia tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thành 3 cấp độ khác nhau: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, họ tộc (dòng họ), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong làng xã (tín ngưỡng thờ thành hoàng làng) và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (thờ cúng tổ tiên trong cả nước).

Người Việt Nam luôn tin rằng, tổ tiên (cha mẹ, ông bà, cụ kỵ, tổ sư, tổ nghề, thành hoàng…) tuy đã chết nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại, có khả năng dõi theo, che chở, phù giúp con cháu. Thông qua nghi lễ thờ phụng, người Việt thể hiện sự tưởng nhớ, lòng hiếu thảo và biết ơn tới đấng sinh thành, người đã tạo dựng, bảo vệ cho cuộc sống của con cháu.

Trong các hoạt động thờ cúng tại gia đình, hầu hết đều có sự tham gia của trẻ em ở mức độ ít hay nhiều. Có trẻ phụ giúp cha mẹ nấu mâm cơm cúng. Có trẻ lau ban thờ, rửa hoa quả, bày biện đồ thờ hoặc nhận phần hóa vàng sau khi nghi lễ cúng khấn tổ tiên kết thúc. Tuy nhiên, việc cúng khấn thường do người đứng đầu trong gia đình (ông/bà hoặc bố/mẹ) đảm nhiệm.

Tham gia các hoạt động của dòng tộc

Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối, bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc. Với người phương Tây, quan hệ họ hàng, dòng tộc không quá thân thiết, nhưng với người phương Ðông nói chung và người Việt Nam nói riêng, quan hệ dòng tộc hết sức khăng khít và quan trọng.

Mỗi họ sẽ có một ông Tổ chung để thờ cúng. Ðể tưởng nhớ về nguồn gốc của mình, mỗi dòng họ đều xây nhà thờ họ (còn gọi là từ đường). Họ nào cũng có gia phả ghi tên, tuổi tất cả các thành viên đã khuất và còn sống trong dòng họ. Một số dòng họ lớn còn in các cuốn gia phả thành sách và phát cho từng thành viên trong dòng họ để ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ.

Vào dịp đầu xuân năm mới, tại nhiều gia đình Việt Nam, cứ đến ngày mùng 1 Tết, các bậc cha mẹ lại đưa con đến thắp hương nhà thờ họ. Ở đây, các thành viên trong dòng họ có dịp được giao lưu, ôn lại các kỷ niệm, hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện tại, tình cảm anh em họ hàng cũng nhờ đó mà thêm khăng khít, bền chặt.

Việc cho trẻ em cùng tham gia vào các hoạt động thờ cúng tổ tiên trong gia đình hay dòng tộc không chỉ dạy cho trẻ biết phải “uống nước nhớ nguồn”, sống hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, tổ tiên mà còn giáo dục trẻ hiểu rõ về nguồn gốc dòng họ và có trách nhiệm gìn giữ, kế thừa các hoạt động thờ cúng tổ tiên của gia đình.

Vợ chồng ca sĩ Đăng Khôi cho con đi lễ chùa đầu năm.

Vợ chồng ca sĩ Đăng Khôi cho con đi lễ chùa đầu năm.

Cho con đi lễ chùa

Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết có nên cho trẻ nhỏ đi lễ chùa không. Câu trả lời là có, bởi đạo Phật có nhiều đạo lý hay như dạy con người phải biết coi trọng chữ hiếu, đối nhân xử thế, cách làm người, luật nhân quả… Việc đưa trẻ đi lễ chùa hướng trẻ tới các giá trị chân, thiện, mỹ, đồng thời cho các con thấy được những nét đẹp phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên đưa con đi lễ chùa vào những dịp quá đông như ngày hội của chùa, ngày rằm, mùng 1, lễ Tết để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy khiến trẻ bị mệt, mà bản thân cha mẹ cũng mỏi khi phải bế, cõng các con.

Nếu vẫn đi vào ngày lễ thì nên cố gắng lựa chọn thời điểm thanh vắng để đưa con đến chùa.

Trước khi đến chùa phải dặn dò con ăn mặt lịch sự, sạch sẽ để thể hiện sự tôn kính, trang nghiêm nơi cửa Phật.

Không nên để con gây ồn ào tại nơi thờ cúng, không để trẻ bẻ cây, hái hoa làm ảnh hưởng đến nhà chùa và những người xung quanh.

Cha mẹ hãy cố gắng giải đáp những thắc mắc của trẻ khi đi lễ chùa, nếu tầm hiểu biết của bạn hạn hẹp, đừng ngại hãy nhờ các sư thầy, sư cô hoặc các Phật tử khác giải đáp giùm.

Chốn yên bình nơi cửa Phật không chỉ có tác dụng làm thanh tịnh tâm hồn những người lớn, mà đối với trẻ nhỏ, nhất là các em bé hiếu động, khi đến chùa, chúng dường như cũng trở nên điềm tĩnh hơn.

Nếu có điều kiện, các bậc cha mẹ có thể cho trẻ tham gia các khóa tu/thiền ngắn ngày của chùa hoặc giáo hội Phật giáo để trẻ hiểu hơn về lễ nghĩa và Phật pháp, sống an nhiên, yên bình.

Tuấn Minh
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, không để xảy ra dịch bệnh

Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, không để xảy ra dịch bệnh

2 năm trước

Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, không để xảy ra dịch bệnh tại các điểm trường là một trong nhiều mục tiêu trọng tâm mà các tỉnh thành trên cả nước đặt ra trong công...
TP.HCM: Trẻ mắc Covid-19 điều trị tại các bệnh viện nhi đang tăng, nhiều trẻ có diễn tiến nặng

TP.HCM: Trẻ mắc Covid-19 điều trị tại các bệnh viện nhi đang tăng, nhiều trẻ có diễn tiến nặng

2 năm trước

Thời gian gần đây, trẻ em mắc Covid-19 tại TPHCM đang có dấu hiệu tăng nhanh, trẻ nhập viện điều trị tại các khoa, đơn vị điều trị Covid-19 ở BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và BV Nhi đồng...
Điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi phù hợp với sự phát triển của khoa học, giáo dục, xã hội

Điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi phù hợp với sự phát triển của khoa học, giáo dục, xã hội

2 năm trước

Ngày 8/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia về điều chỉnh bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi.