THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 10:42

Giao thông Hà Nội - Tìm và nâng cao chất văn hóa

19/05/2018 | 09:14
 
Hạ tầng giao thông của Hà Nội đang được tăng cường. 
 
Hạ tầng giao thông dược cải thiện đáng kể, sao vẫn tắc đường?
 
Hà Nội đang rộng ra, đẹp lên và có sức hấp dẫn với rất nhiều người. Hà Nội hầu như đã hội đủ các điều kiện để biến du lịch thành một ngành kinh tế trọng điểm. Mà khi du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm, chúng ta không chỉ được lợi về vật chất, mà còn được lợi về tinh thần: Đời sống văn hóa của con người được nâng cao; con người sống tốt đẹp hơn.
 
Tuy nhiên, vẫn còn một điều khiến nhiều người, trong đó có cả cư dân Thủ đô và du khách băn khoăn. Đó chính là những bất cập trong giao thông của Thủ đô Hà Nội.
 
Tình trạng gia tăng ách tắc giao thông và tai nạn giao thông ở Thủ đô đang gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người. Người ta viện dẫn ra nhiều nguyên nhân: Hệ thống đường sá ít và nhỏ hẹp, không đáp ứng được tốc độ ngày càng phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân và quy hoạch giao thông. Điều này chỉ đúng với 10 năm trước đây. 
 
Còn vào năm 2018 này, hạ tầng giao thông của Thủ đô Hà Nội đã được cải thiện đáng kể: Nhiều đường được làm mới và mở rộng, các “nút cổ chai” được khai thông. Nhiều cầu vượt cho xe và người đi bộ đã được xây dựng. Ấy thế việc tắc đường và tai nạn giao thông vẫn diễn ra thường xuyên. Vậy nguyên nhân do đâu?
 
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu, theo tôi, là do con người gây nên. Đấy có thể nói là nguyên nhân chủ quan, hay nói một cách sâu sắc hơn: Đấy là do văn hóa giao thông còn thấp.
 
Hiểu cho đúng về văn hóa giao thông
 
Chúng ta đã nói nhiều về văn hóa giao thông, nhưng hiểu cho đúng cũng không hề đơn giản. Văn hóa giao thông chủ yếu liên quan đến thái độ ứng xử của con người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thể hiện được điều này, cũng cần có những điều kiện nhất định. Những điều kiện đó là lực lượng quản lý địa bàn, điều phối hoạt động giao thông phải thực hiện nghiêm túc mọi quy định của pháp luật, cũng như nội quy của tổ dân phố, cơ quan. Trước hết phải thực hiện cho được mục tiêu “đường thông, hè thoáng”.
 
Nói một cách nhẹ nhàng thì mục tiêu này chúng ta chưa đạt được, hay chỉ đạt được vào một số thời điểm nhất định như khi có chiến dịch ra quân lập lại trật tự. Có thể nói, các cơ quan chức năng làm việc này chưa được cương quyết, chưa được tốt lắm.
 
Một điều nữa dễ thấy là lực lượng cảnh sát giao thông dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể nào làm tròn chức trách. Khi có người vi phạm Luật Giao thông, đáng ra cảnh sát phải phạt nghiêm. Song, trên thực tế có những người can thiệp, buộc cảnh sát giao thông phải “ứng xử nhẹ nhàng”. Điều này khiến một số người coi thường pháp luật. Hơn nữa, lực lượng cảnh sát giao thông không thể nào có đủ để phạt tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật. Vì vậy, trên đường phố Thủ đô nhan nhản cảnh vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đỗ xe sai nơi quy định… Những hành vi này là phản văn hóa giao thông.
 
Phạm luật thì không thể nói là có văn hóa giao thông rồi, nhưng có những hành vi không phạm luật vẫn làm cho văn hóa giao thông bị ảnh hưởng. Đó là khi ùn tắc, nhiều người cố tình len lỏi vào những chỗ trống, mặc dù vẫn biết làm như thế chỉ càng tắc thêm. Việc lấn sang phần đường của người khác cũng là biểu hiện kém văn hóa giao thông, nhưng nhiều người vẫn cứ làm.
 
Có thể nói, ý thức của con người là yếu tố quan trọng nhất trong văn hóa giao thông. Điều này thực sự đang ở tình trạng báo động. Một bộ phận rất lớn những người tham gia giao thông không tôn trọng pháp luật, cũng như không tôn trọng người khác.

 
Một con đường rộng rãi mới mở ở phía Tây Hà Nội.
 
Các biện pháp nâng cao văn hóa giao thông
 
Biện pháp quan trọng nhất là tuyên tuyền, giáo dục; phải kiên trì và sáng tạo thực hiện biện pháp này. Không chỉ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà còn tuyên truyền trong trường học, cơ quan, gia đình. Phải khéo léo khơi dậy lòng tự hào của người dân Thủ đô để họ thấy có trách nhiệm trong việc nâng cao văn hóa giao thông.
 
Biện pháp thứ hai là cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm. Điều này là phức tạp, khó khăn nhưng phải làm nghiêm theo pháp luật mới được. Người đi bộ phạm luật cũng phạt mới mong Luật Giao thông được thực hiện nghiêm.
 
Biện pháp thứ ba là tăng cường giám sát, nhắc nhở lẫn nhau giữa những người trong gia đình, trong cơ quan, nhóm bạn bè. Ở đây chúng ta cần thấy rằng, người Việt Nam chúng ta hay bỏ qua cho người thân quen của mình những lỗi lầm nho nhỏ, đặc biệt là khi tham gia giao thông. Nếu thấy bố mẹ vượt đèn đỏ, con cái phê bình thì bố mẹ sẽ sửa chữa. Nếu thấy bạn uống bia, uống rượu rồi vẫn lái xe - là bạn thân phải phê bình và ngăn cản sẽ có hiệu quả. Thấy người cùng cơ quan vượt đèn đỏ, đi ngược chiều - yêu mến, tôn trọng nhau thì phải nhắc nhở. Làm được những việc này, thói tùy tiện trong con người của chúng ta sẽ bớt đi, đồng nghĩa với việc văn hóa giao thông được nâng cao.
 
Điều cuối cùng tôi muốn nói: Nâng cao văn hóa giao thông ở Thủ đô Hà Nội là một biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển du lịch Thủ đô.

Nguyên Hồ/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...