THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 04:50

Hà Nội chú trọng xây dựng các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao

28/01/2022 | 14:46
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2022, mạng lưới 380 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục hoạt động với tinh thần đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường lao động để tổ chức đào tạo nghề theo sát nhu cầu. Các nhà trường đặt mục tiêu năm nay tuyển sinh, đào tạo nghề 224.500 người, bảo đảm hơn 80% số người học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng tạo ra năng suất, thu nhập cao hơn.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 220.500 người, đạt 100% so với kế hoạch đề ra. So với kết quả tuyển sinh của cả nước, số lượng tuyển sinh của Hà Nội đạt 11,6%. Kết quả này góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động

Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động

Theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021- 2025”, Sở LĐ-TB&XH được giao các chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 55 – 60%; Mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230.000 người.

Để đạt được chỉ tiêu về số lượng lao động được đào tạo, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất và được Thành uỷ, UBND TP cho phép triển khai Nghị quyết “Chính sách khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng” và Đề án “Rà soát, sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc TP”.

Bên cạnh việc thu hút tuyển sinh, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất là gắn liên kết việc đào tạo của các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp (DN). Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Thảo nhấn mạnh: “DN cần gì, chúng ta đào tạo lĩnh vực đó. Đồng thời, đào tạo học viên phải gắn với giải quyết việc làm. Ngày xưa, chúng ta kết hợp với DN chủ yếu là đưa học sinh đi thực tập. Nhưng bây giờ, DN đặt hàng chúng ta đào tạo. Sau khi ra trường, học sinh vào làm tại DN”.

Cùng với việc “bắt tay” với DN, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND TP Hà Nội xây dựng các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án: “Đầu tư trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đồng bộ thành trường chất lượng cao, đào tạo một số nghề trọng điểm cấp độ quốc tế”.

Năm 2021, 16 trường được phê duyệt đầu tư 29 nghề trọng điểm (các nghề ở cấp độ quốc tế, cấp độ ASEAN, cấp độ quốc gia) đã tuyển sinh được gần 14.000 học sinh, sinh viên; gần 6.000 học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm đã tốt nghiệp trong năm và có khoảng 97% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, trong thời đại hội nhập quốc tế, Sở LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Theo Sở LĐ-TB&XH, việc hợp tác quốc tế với các trường đại học, cao đẳng, tập đoàn, công ty của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới luôn được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm triển khai hàng năm ở nhiều nội dung như tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên, trang bị cơ sở vật chất... mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ tiên tiến, bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường lao động thế giới. Thông qua chương trình hợp tác quốc tế, các đơn vị đã xây dựng được các mô hình vừa liên kết đào tạo, vừa tạo môi trường cho các em học sinh được thực hành, thực tập kết hợp nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vào sản xuất thực tế.

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho 224.500 người

Năm 2022, Sở LĐ-TB&XH đặt mục tiêu: Tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người (trong đó: Cao đẳng 25.000, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 171.500); Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào đạt từ 72,2% (trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2%); Giải quyết việc làm cho 160.000 lao động; Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4%.

Để đạt được kết quả trên, Sở LĐ-TB&XH sẽ triển khai nhiều giải pháp như: Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với DN, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP đầu tư trường chất lượng cao, nghề trọng điểm đối với các trường đã được Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP phê duyệt. Cụ thể, theo Sở LĐ-TB&XH sẽ ưu tiên đầu tư 4 trường cao đẳng công lập thuộc TP để trở thành trường chất lượng cao theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 761/QĐ-TTg với một số nghề trọng điểm đề nghị được đầu tư (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội; Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội).

Tập trung đầu tư trang thiết bị để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đối với các trường đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt, lựa chọn.

Trong công tác giải quyết việc làm, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường công tác tuyên truyền, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, đánh giá tác động sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến các DN vừa và nhỏ. Đưa ra nhiều cách thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các điểm, sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Tiếp tục hỗ trợ cho người dân, hộ gia đình, các tổ chức có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động trong thời buổi dịch bệnh vẫn còn kéo dài.

PV
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Trung tâm CTXH Quảng Ninh kết nối dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng

Trung tâm CTXH Quảng Ninh kết nối dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng

2 năm trước

Có việc làm và được hòa nhập, cống hiến cho xã hội là nhu cầu của tất cả mọi người, trong đó bao gồm cả người khuyết tật.