THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 01:09

Hà Nội tăng cường trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

27/09/2021 | 14:43
Thành phố Hà Nội hiện có 1.858.866 trẻ em, trong đó có 12.780 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), 49.148 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Hà Nội đặt ra mục tiêu 100% trẻ em có HCĐB, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, vùng dân tộc, vùng khó khăn được quan tâm hỗ trợ.

Nhiều trợ giúp dành cho trẻ khó khăn

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn 3, xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) cho biết, con trai chị là cháu Phan Duy Th. (sinh năm 2008) không may bị bệnh hiểm nghèo từ lúc 3 tháng tuổi. Nguồn thu nhập chủ yếu dùng để chữa bệnh cho Th., khiến kinh tế gia đình chị vốn đã khó khăn lại càng thêm khó. May mắn khi vào đầu năm 2019, các chính sách hỗ trợ trẻ em có HCĐB mở rộng thêm một số đối tượng và con chị Hà thuộc trường hợp được trợ giúp.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cùng nhà tài trợ đến trao quà cho một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Mỹ Đức, Hà Nội dịp Tết 2021. Ảnh: CTV

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cùng nhà tài trợ đến trao quà cho một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Mỹ Đức, Hà Nội dịp Tết 2021. Ảnh: CTV

 “Biết thông tin, gia đình tôi làm hồ sơ gửi UBND xã Thạch Thán và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, phê duyệt cho cháu Th. được hưởng mức trợ cấp dành cho trẻ em khuyết tật. Thông qua quá trình xét duyệt, từ tháng 9/2019, con tôi đã nhận được mức hỗ trợ hơn 1,2 triệu đồng/tháng cùng nhiều ưu đãi khác khi đi khám, điều trị bệnh”, chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Cùng ở huyện Quốc Oai, cháu Đào Thị L. (sinh năm 2010), xã Đông Xuân có biểu hiện tâm lý không ổn định từ khi bố mẹ ly hôn. Biết đến trường hợp này qua nhiều kênh thông tin, đội ngũ cán bộ của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã tiếp cận để tư vấn, hỗ trợ cho cháu L. về nhiều mặt. Hiện nay, cháu L. đã sống vui vẻ, chăm chỉ học tập.

Với 1.858.866 trẻ em, trong đó có 12.780 trẻ em có HCĐB, 49.148 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB. Hà Nội đặt ra mục tiêu 100% trẻ em có HCĐB, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, vùng dân tộc, vùng khó khăn được quan tâm hỗ trợ.

Bà Vũ Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội cho biết, ngoài hai trường hợp kể trên, trong hơn 1 năm qua, riêng Trung tâm đã tư vấn, trợ giúp, cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc cho trên 500 trường hợp trẻ em tại cộng đồng. Tính chung, trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng thường xuyên trợ giúp cho hơn 12.000 trẻ em có HCĐB, đạt tỷ lệ hơn 99% tổng số trẻ em có HCĐB trên địa bàn thành phố.

“Đáng chú ý, 100% đối tượng hiện có cuộc sống tốt hơn sau khi nhận được các nguồn lực trợ giúp. Điều đó phần nào cho thấy, chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng được Hà Nội triển khai linh hoạt, hiệu quả, đến đúng người, đối tượng thụ hưởng”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nhận định.

Phấn đấu 100% trẻ em có HCĐB được trợ giúp xã hội

Ngoài các chính sách đang thực hiện, từ nay đến năm 2025, TP. Hà Nội đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em có HCĐB trên tổng số trẻ em dưới 1% và duy trì đến năm 2030, 100% trẻ em có HCĐB theo quy định của Luật Trẻ em được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Kế hoạch nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Hà Nội phấn đấu 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức. Ảnh: CTV

Hà Nội phấn đấu 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức. Ảnh: CTV

Để thực hiện kế hoạch, UBND TP. Hà Nội đề ra nhiều giải pháp đột phá như xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho trẻ em có HCĐB và trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), các dịch vụ của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (điện thoại 02433.525.662) để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu cần được tư vấn, can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em hoặc thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, vi phạm quyền trẻ em…

Việt Cường
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...