THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 11:24

Hàng ngàn người hưởng ứng cuộc thi Phòng chống Bạo lực gia đình

17/12/2016 | 10:08
 
Thành viên tổ thư kí đang đọc và  sơ loại các tác phẩm dự thi.
 
Nhiều tấm gương điển hình được phát hiện
 
Theo ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Phó trưởng Ban tổ chức, cuộc thi nhằm phát hiện và biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống BLGĐ, từ đó đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống BLGĐ. Các tác giả dự thi đã bám sát thể lệ cuộc thi và giới thiệu hàng trăm tấm gương có nhiều tâm huyết, sáng kiến trong việc phòng, chống BLGĐ và những đóng góp của họ đã được cộng đồng ghi nhận. Trong các bài dự thi, có tác giả gửi nhiều tác phẩm viết về nhiều nhân vật, hoặc cùng một nhân vật lại có nhiều tác giả cùng viết. Ban tổ chức đã chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để đưa vào chung khảo.
 
Có thể thấy, những nhân vật được chọn để biểu dương gồm nhiều thành phần trong xã hội từ bác sĩ, kĩ sư, bộ đội, công an, giáo viên đến đội ngũ những người làm công tác xã hội trong các tổ chức như: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, cán bộ làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình… Điểm chung nhất giữa họ là đều được nhân dân quý mến bởi sự năng nổ, nhiệt tình, có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao, cùng kĩ năng giao tiếp tốt để hóa giải những mâu thuẫn tưởng chừng không tháo gỡ được trong các gia đình… 
 
Cũng phải kể đến một số mô hình tập thể phòng, chống BLGĐ khá hiệu quả như: Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Trung tâm tư vấn và hòa giải, một số hội tại các địa phương. Đây là những tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, phù hợp với thực tế địa phương nên đã đạt hiệu quả trong việc giải quyết và đưa ra những phương pháp phòng, chống BLGĐ ngay tại các gia đình ở thôn, bản, phường, xã… Sở dĩ như vậy, vì các thành viên ở câu lạc bộ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… đã biết đã vận dụng những kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ công tác cùng với nhiệt huyết để tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng, tư vấn, giúp đỡ và bảo vệ các nạn nhân bị bạo lực gia đình, giúp họ mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm, giáo dục và cảm hóa những người vi phạm… Nhờ hoạt động của các tổ chức trên đã góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu được tình trạng BLGĐ ở các địa bàn dân cư.    
 
 
Ban giám khảo làm việc công tâm để chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất vào chung khảo.
 
Phong phú về thể loại và nội dung 
 
Hưởng ứng cuộc thi, ngoài các nhà báo chuyên nghiệp còn có nhiều cây bút không chuyên tham gia viết bài dự thi qua các thể loại báo chí (phóng sự, điều tra, ghi chép…). Cũng có nhiều tập thể như các UBND, các trường học, cơ quan, đơn vị… phát động cuộc thi và được đông đảo cán bộ công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng (có tập thể dự thi với số lượng vài trăm bài). 
 
Những nội dung được đề cập tới trong các bài viết là những câu chuyện kể về các gam màu tối (những nguyên nhân khác nhau làm bùng nổ bạo lực) diễn ra trong cuộc sống hàng ngày ở mỗi gia đình; những nỗi đau về thể chất, tinh thần của nạn nhân và sự tác động xấu của BLGĐ đến đời sống cá nhân, cộng đồng xã hội… Nổi bật nhất đó là việc BLGĐ xuất phát từ mâu thuẫn của các thành viên trong gia đình về vấn đề kinh tế, tình cảm, nuôi dạy con cái... Các thói quen xấu của người đàn ông (nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, ngoại tình…), chính là ngòi nổi gây ra BLGĐ và là yếu tố duy trì, thúc đẩy bạo lực phát triển, khiến vợ, con họ phải chịu nguy khốn, sống trong tủi nhục và sợ hãi. Tuy vậy, nhiều người phụ nữ đã cam chịu, che giấu hành vi bạo lực của chồng vì sợ xấu hổ với người thân và làng xóm. Họ thà chịu đau đớn để giữ thể diện và hạnh phúc giả tạo của gia đình, không dám tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài… Điều đó càng tạo điều kiện cho BLGĐ tồn tại và phát triển. Mỗi vụ bạo lực được đề cập tới đều mang một vẻ riêng, không vụ nào giống nhau… 
 
Để giải quyết mâu thuẫn, phòng chống BLGĐ, các nhân vật điển hình được nêu gương ở nhiều bài viết với nhiều tên gọi (Người vác tù và hàng tổng, Người thắp lửa cho các gia đình, Người chiến sĩ trên mặt trận phòng chống BLGĐ…) đã phải đến từng nhà, tìm hiểu đối tượng, xác định nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn, từ đó phân tích và tìm cách hòa giải tốt nhất. Mỗi vụ hòa giải là một cuộc “đấu tranh” thầm lặng để bảo vệ các nạn nhân và giành lại hạnh phúc cho gia đình người được hòa giải.   
 
Theo ông Phùng Quốc Việt, TBT Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Phó trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, các tác giả có những bài viết chất lượng đến từ các tỉnh Cao Bằng, Tiền Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Giang, Nha Trang, Khánh Hòa, Bến Tre, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh..., đều nêu lên được một thực tế là: Bên cạnh những mái ấm hạnh phúc thì còn có rất nhiều những mái nhà đang phải gánh chịu BLGĐ. BLGĐ đã trở thành vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, người già và trẻ em. Cuộc thi là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người trong xã hội về vấn nạn này. Qua cuộc thi, đã nổi bật lên những tấm gương có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải, phòng chống BLGĐ tại nhiều địa phương, cơ cở. Bằng tấm lòng nhân hậu, họ ngày đêm âm thầm vun vén hạnh phúc cho mọi nhà, lấy đó là niềm vui và trách nhiệm với cộng đồng của chính mình. Chính họ đã đem lại niềm vui hạnh phúc và tiếng cười trong bao gia đình, đang bên bờ vực thẳm tan vỡ.

Thùy Dương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...