THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 02:23

Hành trình cứu trợ vùng rốn lũ: Những câu chuyện lay động lòng người

16/11/2016 | 07:00
 
Hội Quán Nghệ Thuật kết hợp với nhóm Nụ Cười Việt, nhóm Phước Huệ Song Tu về Quảng Bình cứu trợ. 
 
Anh Nguyễn Phát Cường là Chủ nhiệm Tạp chí Hội Quán Nghệ Thuật, Chi hội trưởng Chi hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM. 12 năm nay, nhóm thiện nguyện Hội Quán Nghệ Thuật của anh Cường đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em khó khăn, khuyết tật, người già nghèo khổ, bệnh nhân ung thư, những người nhiễm HIV/AIDS... Ngoài ra, nhóm còn vận động được những mạnh thường quân và các tổ chức từ thiện xã hội mổ tim và cứu trợ người dân vùng lũ lụt…
 
 
Đoàn thiện nguyện không quản ngại vượt khó khăn mang hàng cứu trợ đến Quảng Bình.  
 
Thương về miền Trung
 
Chào anh Nguyễn Phát Cường! Đường đi tới vùng lũ đầy trắc trở, hiểm nguy, các nhóm thiện nguyện đã vượt qua gian khó thế nào để giúp đỡ người dân nhiều nhất có thể?
 
Khó tưởng tượng nổi sự gian khó trong chuyến hành trình về huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình của chúng tôi vừa qua. Các nhóm thiện nguyện như Nụ Cười Việt, Bạn Của Người Nghèo, Thiện Tâm, Phước Huệ Song Tu, Hội Quán Nghệ Thuật (nhóm văn nghệ sĩ và báo chí ),… đã và đang ở miền Trung để hỗ trợ người dân. Chúng tôi thấy mọi người đi làm từ thiện đều cố gắng hết sức, dành trọn tình cảm và tình thương yêu của đồng bào cả nước dành cho người dân đang bị thiên tai. Người bỏ của, người bỏ công cùng chung tay đi đến hầu hết cácxã, thôn, bản, xa xôi để trao quà, hỗ trợ đúng và kịp thời cho các trường hợp cần thiết.
 
Ngoài hàng chục ngàn phần quà như: nhu yếu phẩm, vật dụng gia đình, đồ dùng học tập, nhóm thiện nguyện còn tặng tiền mặt (500 ngàn đến 1 triệu cho một hộ gia đình khó khăn), xe đạp, áo phao, hệ thống lọc nước sạch, hệ thống đèn điện, xây nhà ở chắc chắn, nhà nổi tránh lũ và thiết thực hơn là mua gia súc tặng cho bà con như: bò, lợn, gà,… Các nhóm thiện nguyện hỗ trợ nhiều nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng thiệt hại nặng nề do lũ lụt. 
 
 
Niềm vui khi được nhận quà của người dân vùng lũ.
 
Ấn tượng của anh về nghĩa cử của người dân được nhận cứu trợ trong chuyến đi này?
 
Một nghĩa cử cao đẹp của người dân vùng rốn lũ (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa và xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) là chịu cực, chịu khó làm tình nguyện viên cho các đoàn từ thiện về cứu trợ; tận tình hướng dẫn tận nơi, khuân vác hàng tấn hàng hóa. Bà con thật thà, chất phác, xếp hàng ngay ngắn để nhận quà, họ sẽ trả lại những túi quà để lại cho người khác nếu người trong nhóm có phát dư thêm một phần. Những người trẻ còn từ chối nhận quà do họ nghĩ mình còn sức khỏe thì chịu đựng được và còn làm ra được.
 
 
Anh Nguyễn Phát Cường (thứ 2 từ phải qua) trao quà cho chị Cao Thị Hường ở thôn 1, Cổ Liêm, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa.
 
Trong chuyến đi, câu chuyện nào khiến anh xúc động nhất? Có điều gì nhóm còn tiếc vì chưa làm được không?
 
Ấn tượng nhất là kỷ niệm khi phát quà ở bản Si, bản Dộm. Mặc dù đường đi hiểm trở, bị sạt lở, nhưng mọi người trong nhóm thiện nguyện cũng không ngại gian khó. Chỉ cần chạy xe máy không cẩn thận, lệch bánh một chút cũng rơi xuống vực sâu. Ấy thế mà, người dân trong bản Dộ, bản Lòm phải đi bộ 4 tiếng trên con đường 20km để ra đầu bản Si rồi mang quà về nhà cũng bằng ấy thời gian. Trong mỗi gian nhà sàn nhỏ chừng 8m2-10m2, nhà nào lớn lắm chỉ vài chục mét vuông nhưng nhà ai cũng có ảnh Bác Hồ treo trên cao, thể hiện sự tôn kính và biết ơn đến “Người Cha Chung” của dân tộc. Vì không có Bác thì cuộc sống người dân nơi đây còn khổ sở không biết đến bao giờ, khi họ phải sống như người rừng vì đất đai chưa được khai hoang. 
 
 
Những căn nhà phao ở rốn lũ Tân Hóa, Quảng Bình.
 
Nhà phao – giải pháp hay cho vùng lũ
 
Để có thể yên tâm hơn mỗi khi lũ về, đã có nhiều sáng kiến nhà phao, theo anh, mô hình nào là phù hợp?
 
Mỗi năm, người dân nơi đây có khi phải chịu 3-4 đợt nước lũ lên tận nhà. Một trong những việc khả thi và thích hợp, cũng không quá đắt tiền là nhà phao! Một nhà nổi chống lũ (nhà phao) tầm 20 đến 40 triệu đồng. Nhà phao là những ngôi nhà thiết kế đơn giản, có hệ thống phao nổi tự động, nước dâng cao nhà lên theo. Sáng kiến nhà phao được nhân rộng, đến nay toàn xã Tân Hóa có khoảng 320 cái nhà phao/700 hộ dân. Mọi người không còn bỏ nhà, bỏ của chạy lên núi tránh lụt để sau đó trắng tay nữa!
 
Chi phí cho một thùng phuy sử dụng làm phao khoảng 380.000 đồng, thùng nhựa là 420.000 đồng cộng với gỗ, tôn và vật liệu khác thì tùy nhà to hay nhỏ, giá thành một căn nhà nổi từ 20 đến 40 triệu. Từ tháng 9 trở đi là bước vào mùa nước nổi, người dân chất thóc lúa, bắp đậu, tivi, xe máy, đồ đạc trong nhà lên hết phao. Ban đầu, người dân không quen ở trong nhà phao vì bên trong phải lấy cân bằng . Tuy nhiên, vài mùa qua thì người dân đã quen và an tâm hơn. Có căn chứa gần 20 người, hàng xóm chưa có nhà phao chạy qua ở ké. Hầu hết các hộ tự làm nhà phao, hộ nghèo thì được hỗ trợ. Đây có lẽ là giải pháp tối ưu nhất nhằm giảm thiểu rủi ro về người và tài sản cho những vùng thường phải chịu lụt!
 
Nhà phao là giải pháp tại chỗ trong khi chờ cứu hộ, có thể chuyển người và gia súc, tài sản an toàn và nhanh chóng khi lũ tới. Tại rốn lũ Tân Hóa (Quảng Bình), ông Ngô Thanh Đá - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: "Vừa rồi, nếu không có sáng kiến làm nhà phao, chắc người chết nhiều lắm vì nước về trong đêm nhanh chưa từng thấy!".

Việt Cường/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...