THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 08:00

Hiệu quả từ chính sách cho vay vốn với người bán dâm hoàn lương

27/08/2020 | 16:17
 
Trao “cần câu”, giúp các đối tượng làm lại cuộc đời
 
Bộ LĐTBXH cho biết, Chương trình đã giúp tăng thu nhập hàng tháng của cá nhân, hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV. Nhiều người trước đây không có việc làm, không có thu nhập thì hiện nay, thu nhập trung bình của những người được vay vốn là từ 2 - 5 triệu đồng/tháng.
 
Trường hợp của chị H.T.P (ấp 2, thị trấn Giá Rai, Bạc Liêu) là một ví dụ. Sau khi ra tù về tội môi giới mại dâm, trở về địa phương không có công ăn việc làm, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Chị được vay 8 triệu đồng để mua bán nhỏ. Giờ đây, cuộc sống của chị P. đã cơ bản ổn định, không còn lo bữa đói bữa no…
 
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, tỷ lệ tái nghiện, tái phạm trong nhóm được vay vốn giảm hẳn: Một số tỉnh, thành phố chưa phát hiện người tái nghiện, tái phạm; các tỉnh còn lại, tỷ lệ tái nghiện thấp, tỉnh Bạc Liêu tỷ lệ tái phạm là 40% trong nhóm được vay, trong khi tỷ lệ tái phạm trong nhóm không được vay là 80%; tại tỉnh Sơn La, phát hiện 2/31 người tái nghiện, chiếm 6,45%.


Một buổi sinh hoạt của người bán dâm hoàn lương. 
 
Ông Đào Anh Tuấn - Giám đốc Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, giúp xã hội giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và gần gũi với họ hơn. “Việc cho vay giúp các cá nhân, hộ gia đình có tiền để mở rộng, đầu tư kinh doanh, có công ăn việc làm ổn định, hòa đồng với cuộc sống xã hội, giúp họ thấy bản thân họ vẫn còn có ích, còn đóng góp công sức lao động cho sự phát triển của xã hội”, ông Tuấn nói.
 
Nhiều đối tượng muốn làm lại cuộc đời nhưng không có vốn để sản xuất kinh doanh, Chương trình đã “trao cần câu” cho họ, giúp họ quay trở lại với cuộc sống, từ đó cũng giảm bớt những tệ nạn xã hội, ổn định tình hình chính trị ở địa phương.
 
Qua việc sử dụng có hiệu quả vốn vay đã làm thay đổi quan điểm của người dân, giảm dần tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với nhóm dễ bị tổn thương, là động lực giúp đối tượng khác vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, việc tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ của cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cán bộ tư vấn, tình nguyện viên ở cấp cơ sở, xã, phường, thôn, bản đối với người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV dễ dàng hơn.


Vay được vốn, người bán dâm hoàn lương đỡ mặc cảm, hòa nhập dễ dàng hơn. 

 Tạo điều kiện cho người bán dâm hoàn lương có thể tiếp cận nguồn vốn

 
Đối với người bán dâm hoàn lương, việc hỗ trợ vay vốn tín dụng có ý nghĩa thiết thực. Đây là những nhóm người gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập cộng đồng. Nhiều người còn mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu. Được vay vốn sản xuất, họ đỡ mặc cảm, hòa nhập dễ dàng hơn. Nếu không có công ăn việc làm ổn định, họ không có chi phí để nâng cao sức khỏe, ổn định cuộc sống, dễ dẫn đến tái phạm.
 
Việc hỗ trợ vốn hiệu quả cũng sẽ giảm được một phần chi phí y tế của Nhà nước nếu sức khỏe của họ yếu đi. Về mặt xã hội, nếu những nhóm người này có công ăn việc làm ổn định, không tái phạm thì an ninh trật tự được ổn định. Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu vay vốn của người bán dâm tương đối cao, tuy nhiên, trong hơn 500 cá nhân, hộ gia đình được vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg từ năm 2016-2017 thì cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn chiếm tỷ lệ thấp nhất 21/504 (4,16%). Nguyên nhân là do quy định phải chứng minh hoàn lương mới được vay vốn đã gây khó khăn trong việc tiếp cận của các chị em. 
 
Việc xác nhận một người không còn bán dâm gây khó khăn, trong khi người vay không có một giấy tờ gì có thể chứng minh, mà chỉ có người bán dâm tự nhận rằng mình không còn bán dâm nữa. Do đó, nếu không thật sự quan tâm, gần gũi, sẽ rất ít người đứng ra xác nhận cho, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã.
 
Do đó, để tạo điều kiện cho người bán dâm có thể tiếp cận nguồn vốn, cần xem xét lại các điều kiện cho vay vốn; các thủ tục cần thông thoáng để người bán dâm không “ngại” đi vay.
 
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền phổ biến cho chính bản thân chị em biết đến chính sách, cách tiếp cận chính sách như nào. Chính sách đã “mở”, nhưng nếu người bán dâm không dám đứng lên vay vốn thì quyết định cũng sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, những nhóm đối tượng này cần phải “dũng cảm” đứng lên vay vốn. Những người có trách nhiệm tại UBND cấp xã và Ngân hàng Chính sách xã hội phải có thái độ ứng xử đúng mực, giữ gìn thông tin, thực sự quan tâm đến những người này, giúp họ đỡ mặc cảm. Quan trọng hơn cả là tuyên truyền để giảm kỳ thị trong xã hội.
 
Để giảm rủi ro khi cho vay vốn, cần xem xét kỹ những người có nhu cầu, phương thức sản xuất thực sự. Đồng thời, kết nối với các tổ chức xã hôi, các nhóm đồng đẳng, tự lực, câu lạc bộ địa phương... quan tâm, giúp đỡ kịp thời để họ sản xuất, kinh doanh, buôn bán có hiệu quả, giảm rủi ro.
 
Bạc Liêu là địa phương có nhiều người bán dâm hoàn lương vay vốn. Tính đến năm 2018, số người được vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh là 45 trường hợp với tổng số tiền 872 triệu đồng. Trong đó, có 21 cá nhân (6 người nhiễm HIV, 11 người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và 4 người bán dâm hoàn lương) và 25 hộ gia đình (12 hộ gia đình người nhiễm HIV; 3 hộ gia đình người bán dâm hoàn lương và 9 hộ gia đình có người sau cai nghiện ma túy). Như vậy, tại Bạc Liêu, đã có 7 cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương được vay vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg.
 
Đa phần chất lượng cuộc sống của những người được vay vốn nâng lên đáng kể và tác động lan tỏa đến cả gia đình - người thân của họ. Sức khỏe, tinh thần được cải thiện; việc làm, thu nhập dần ổn định và nâng lên; có động lực, niềm tin hơn để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người được vay vốn vươn lên trong cuộc sống, trực tiếp tham gia vào các hoạt động xã hội ở xã, phường, thị trấn (tuyên truyền, vận động về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS…).
 
Theo Sở LĐTBXH Bạc Liêu, có được những kết quả bước đầu kể trên là do được sự đồng tình, ủng hộ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền đến quần chúng nhân dân, nhất là đối tượng thụ hưởng và gia đình của họ.
 
Box: Theo Quyết định số 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/3/2020), chương trình thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy… tại 15 tỉnh, thành phố sẽ được tiếp tục kéo dài đến hết 31/12/2020. Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được sẽ xem xét quyết định việc mở rộng trên phạm vi cả nước.
 

Đông Viên/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.